Ảnh minh họa.
Trừng phạt không khiến con ngoan hơn mà còn có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, khiến con ngày càng nổi loạn.
Khi tức giận với con cái, nhiều bậc cha mẹ thường tìm đến biện pháp đánh đòn, quát mắng, phạt úp mặt vào tường,... để khiến con sợ hãi, không dám tái phạm hành xi xấu.
Mặc dù tại thời điểm đó, con có vẻ sợ và không dám trái lời, nhưng theo các nhà Tâm lý học, trừng phạt chỉ mang lại hiệu quả tạm thời.
Còn về lâu dài, trẻ dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực khi bị trừng phạt quá nhiều. Không ít trường hợp, trẻ không những không ngoan hơn mà còn đâm ra nổi loạn, phá phách.
Dưới đây là 9 lý do,cha mẹ không nên áp dụng biện pháp trừng phạt với con cái:
1. Trừng phạt gây ra cảm xúc tiêu cực cho cả cha mẹ và con cái
Thông thường, cha mẹ thường trừng phạt con cái khi chúng gây ra những hành động, lời nói khiến họ cảm thấy tức giận. Trong những trường hợp đó, cha mẹ khó mà giữ được bình tĩnh. Một số người bắt đầu trừng phạt để con hiểu được sự tức giận, khó chịu của mình.
Kết quả là cả cha mẹ và con cái đều phải chịu những cảm xúc tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu, bao gồm những chấn thương về thể chất.
2. Trừng phạt là một hành vi lười biếng trong việc dạy con
Trừng phạt là biện pháp dễ dàng nhất mà cha mẹ có thể sử dụng để đối phó với những hành vi xấu của con. Thật tệ khi con khiến cha mẹ không vui và thay vì giải thích, thương lượng, chúng ta lại đưa ra hình phạt để đáp trả. Điều này chẳng khác gì cách cư xử của những đứa trẻ và chỉ ra, cha mẹ không hề có sự nỗ lực nào trong việc nuôi dạy con.
3. Trừng phạt khiến con bạn không phát triển ý thức kỷ luật
Mục đích lớn nhất của việc nuôi dạy con cái là khiến con tự ý thức, tự đưa ra được những quyết định dựa trên trải nghiệm cá nhân.
Nếu cha mẹ thường xuyên phạt con và không đưa ra giải thích hay cảnh báo về hậu quả của những hành vi xấu thì con sẽ không hiểu được đâu là xấu, đâu là sai để sửa chữa trong tương lai.
Con sẽ không có ý thức tự giác, kỷ luật vì không được cha mẹ dạy cho những điều đó. Con chỉ hiểu đơn giản rằng, những điều con làm là xấu và cha mẹ không thích nên phạt.
4. Trừng phạt không khiến con thay đổi hành vi
Sự trừng phạt của bố mẹ sẽ khiến cho con sợ hãi, lo lắng bất an và cả nổi loạn. Tất nhiên trong tâm trạng như vậy, con sẽ chẳng học hỏi được điều gì.
Thế nên khi cha mẹ trừng phạt và nghĩ rằng con sẽ biết sai mà sửa thì thực tế là con chẳng hiểu gì. Thậm chí, con có thể bị ức chế tâm lý, dẫn đến việc bùng nổ cảm xúc tiêu cực và tiếp tục lặp lại những hành vi xấu.
5. Trừng phạt làm tổn thương lòng tự trọng của con
Trong hầu hết các trường hợp, khi bị phạt, con có thể nảy ra suy nghĩ sau: "Cha mẹ không yêu thương mình. Mình thật tồi tệ!".
Ngay cả khi cha mẹ không có ý này thì những hình phạt của họ vẫn sẽ gây ra cho con những cảm xúc tiêu cực đó. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cho con cái, làm tổn thương lòng tự trọng của con.
6. Trừng phạt khiến con sợ hãi cha mẹ
Mỗi khi định trừng phạt con cái, cha mẹ hãy tự hỏi bản thân 1 câu đơn giản: "Bạn có muốn con cái sợ hãi mình không?". Hầu hết câu trả lời đều sẽ là: "Không!".
Trừng phạt sẽ khiến mối quan hệ của cha mẹ và con cái được xây dựng trên sự sợ hãi. Con sẽ luôn lo lắng về việc cha mẹ sẽ phạt như thế nào nếu mình làm gì đó không đúng.
Tất nhiên, con có thể ngoan ngoãn khi bố mẹ ở bên, nhưng đơn giản vì chúng thấy sợ, chứ không phải tự bản thân ý thức được điều tốt, hay nhận biết được hành vi sai trái trước đây của mình.
7. Trừng phạt sẽ phá hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Trừng phạt không thuộc về phạm trù yêu thương và nó sẽ tạo ra bức tường ngăn cách cha mẹ và con cái. Bức tường vô tình này khiến cả hai đều không hạnh phúc và bất mãn với vai trò của mình trong gia đình.
Hậu quả là khi trưởng thành, con sẽ trở nên tách biệt và không còn tin cậy, nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ nữa.
8. Trừng phạt khiến con cái nổi loạn
Trừng phạt có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Khi con làm điều gì đó sai, cha mẹ bắt đầu trừng phạt để chúng sợ, thấy có lỗi về hành động của mình và sửa chữa những lần sau.
Nhưng kết quả lại không được như vậy. Con chẳng những không sửa sai mà còn nổi loạn hơn, tiếp tục những hành vi xấu, thậm chí hành vi sau còn tồi tệ hơn hành vi trước.
Theo các chuyên gia Tâm lý, nuôi dạy con theo kiểu độc đoán với những hình phạt thường xuyên chỉ khiến con muốn làm tổn thương cha mẹ và có những suy nghĩ kinh khủng hơn về việc làm thế nào để những hành vi xấu tiếp theo có thể trót lọt.
9. Trừng phạt khiến trẻ nghĩ rằng, bạo lực có thể giải quyết bất kỳ điều gì
Trong mắt con cái, cha mẹ là người mạnh mẽ, quyền lực nhất. Vì vậy, nếu bạn lạm dụng sức mạnh thể chất và tinh thần của bản thân để thực thi các hình phạt với con thì chúng sẽ nghĩ rằng, đây là cách ổn nhất để giải quyết mọi chuyện.
Những nhận thức sai lầm này có thể khiến con trở thành một kẻ bắt nạt và ưa bạo lực. Chúng sẽ có xu hướng thể hiện sức mạnh với những người yếu kém hơn và nghĩ rằng bản thân có thể đạt được bất kỳ thứ gì mình muốn bằng bạo lực. |