Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến trong môi trường học đường. Đặc biệt, trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong mùa Đông có thể khiến cận thị tiến triển xấu, tăng độ nhanh.
Chuyên đề : Bí quyết chăm con của bố , Kinh nghiệm nuôi con
Trẻ đọc sách, học bài trong môi trường không đủ ánh sáng dễ bị cận
Mối liên hệ giữa cận thị và ánh sáng mặt trời
Người bị cận thị, thông thường có độ dài của mắt lớn hơn bình thường (cận thị do trục). Cũng có trường hợp, người bệnh có giác mạc hoặc thể thủy tinh quá cong (cận thị do khúc xạ). Mắt bị cận thị thường được gọi là mắt nhìn gần, do người cận thị nhìn gần rõ hơn nhìn xa.
Cận thị ở trẻ em có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Theo các chuyên gia, ít tham gia các hoạt động ngoài trời cũng là yếu tố gây nguy cơ khởi phát cận thị học đường. Một nghiên cứu trên trẻ em Đan Mạch chỉ ra rằng, ở trẻ bị cận thị, thị lực suy giảm nhanh trong mùa Đông, khi ngày ngắn - đêm dài. Trái lại, vào mùa Hạ, khi ngày dài hơn đêm, cận thị tiến triển chậm hơn so với mùa Đông.
Hoạt động ngoài trời vào ban ngày đem lại một số lợi ích sau với thị lực của trẻ nhỏ:
Hạn chế hiện tượng nhìn gần
Nhìn gần trong thời gian dài khiến trẻ có nguy cơ bị cận thị, nhanh tăng độ cận
Việc nhìn ở khoảng cách gần kéo dài và thường xuyên làm cho mắt liên tục phải điều tiết dẫn đến khởi phát cận thị hoặc độ cận thị tăng nhanh. Các hoạt động trong nhà đòi hỏi trẻ phải nhìn gần, đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử.
Khi hoạt động ngoài trời ở môi trường rộng, thông thoáng, hiện tượng nhìn gần sẽ bị loại bỏ, giúp mắt trẻ trở lại bình thường.
Tăng tiết dopamine võng mạc
Hoạt động ngoài trời giúp kích thích dopamine sản sinh ở võng mạc
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong võng mạc, đóng vai trò trung tâm trong các quá trình thích nghi ánh sáng của hệ thống thị giác. Một số nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng, động vật bị tật khúc xạ do sống trong môi trường ánh sáng yếu thường tiết ra ít dopamine hơn.
Hoạt động dưới ánh nắng mặt trời khoảng 40 phút/ngày giúp hormone dopamine tiết ra ổn định và ngăn ngừa cận thị tiến triển.
Cường độ ánh sáng mạnh
Lux là đơn vị dùng để đo công suất ánh sáng, lượng ánh sáng chiếu trên bề mặt cụ thể.
Ánh sáng tự nhiên vào ban ngày có cường độ cao hơn nhiều lần so với ánh sáng trong nhà (trung bình 300-500 lux). Cường độ ánh sáng mạnh có lợi với hoạt động của mắt, giúp làm chậm lại quá trình hình thành cận thị và tăng độ ở trẻ nhỏ.
Biện pháp bảo vệ thị lực của trẻ trong mùa Đông
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, để kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em, cha mẹ cần có biện pháp ngăn ngừa khởi phát cận thị và hạn chế tăng số cận ở trẻ em:
Trẻ cần tích cực hoạt động ngoài trời để cải thiện thị lực
- Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời trong những ngày mùa Đông có nắng, thời tiết ấm áp hơn.
- Luôn đảm bảo cho con bạn có ánh sáng tốt khi đọc sách hoặc học tập. Nên chọn đèn có công suất phù hợp, quá yếu hay quá mạnh đều làm mắt bé phải điều tiết nhiều, gây nhức, mỏi mắt. Trẻ có mắt khỏe mạnh nên sử dụng bóng đèn sợi đốt công suất dưới 60W, cho ánh sáng vàng. Ngoài ra, cha mẹ có thể chọn bóng đèn LED với nhiệt độ màu trắng sáng hơn trong khoảng từ 3000K đến 4500K và tương đương với ánh sáng ban ngày tự nhiên.
- Không để trẻ đọc sách, viết chữ, dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh liên tục trong thời gian dài. Sau 45 phút tập trung, cho trẻ nghỉ 5 phút để nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn. Cũng không nên xem tivi liên tục hàng giờ.
- Khi học tập, trẻ cần ngồi thẳng lưng, không nên nằm đọc sách, không nên vừa ăn vừa xem sách báo và các thiết bị điện tử. Khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy cần khoảng 30-50cm.
- Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm 1 lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.