“Làm bạn cùng con” có lẽ là điều mà bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng luôn mong muốn, nhưng thực tế đây không phải là một việc dễ dàng. Khi con càng lớn, bằng một cách nào đó khoảng cách giữa chúng ta và con càng ngày càng xa, rồi dần mất kết nối, không thể chia sẻ và lắng nghe cùng nhau…
“Chúng ta có cả đời để làm việc, nhưng tuổi thơ của con chỉ có một lần duy nhất”, được góp phần trong câu chuyện phát triển của con, gắn liền với những kí ức tuổi thơ thật đẹp, để trở thành một người bạn thực sự với con, khó nhưng thật ra, vẫn có phương pháp. Bố mẹ hãy nỗ lực và kiên trì với những điều sau đây:
Mục lục
Dành thời gian cho con
Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Tôn trọng con như một người trưởng thành
Không nuông chiều con
Động viên và khích lệ con
Cùng con tham gia các hoạt động ngoại khóa
Tạo ra những kỉ niệm đẹp
Thể hiện những cử chỉ yêu thương
Cố gắng trả lời những câu hỏi ngốc nghếch đáng yêu của con
Trò chuyện với con, lắng nghe những câu chuyện của con
Chơi cùng bé
Dành thời gian cho con
Để làm bạn với con mình, trước hết chúng ta phải dành nhiều thời gian cho con. Dành thời gian không có nghĩa là bỏ hết mọi công việc và chỉ đưa đón, cơm bưng nước rót cho con. Dành thời gian cho con là phải biết con đang nghĩ gì, đang sợ gì, muốn gì. Khi biết con mình đang nghĩ gì, ta mới có thể tâm sự được với con. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ mới lớn suy nghĩ giống mình, làm theo ý mình. Sự uốn nắn, góp ý kịp thời sẽ giúp ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con.
Khi bố mẹ biết con mình nghĩ gì thì sẽ biết con đang sợ gì. Có những đứa trẻ sợ thất bại, nên không dám tham gia bất cứ cuộc thử sức nào. Có những đứa trẻ thiếu tự tin (về hình thức hay kiến thức), nên ngại giao tiếp với mọi người. Không dám chia sẻ thất bại, lúc nào cũng tự ti, buồn bã khiến chúng trầm cảm. Bố mẹ phải gần gũi và nhận biết sớm điều này. Trong trường hợp biết con mình đang lo sợ điều gì đó, bố mẹ không nên chủ quan, cho rằng “lo vớ vẩn”.
Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Đặt ngang bằng không có nghĩa là cá mè một lứa, mà ở đây chính là bạn đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống, trước một sự vật, hiện tượng, chúng ta thường mô tả, chỉ trích, bình luận, nhận định mà ít đưa ra giải pháp. Ta áp dụng thói quen này trong cả việc nuôi dạy con. Điều này không mang lại lợi ích nào cho con trẻ, chưa kể sẽ khiến con tách xa bạn hơn. Thay vì chê con học dốt thế, điểm kém, bạn nên nghĩ ra giải pháp giúp con điểm cao hơn, học khá hơn.
Thấy con trai có bạn gái, bạn đánh đòn phủ đầu: “Nứt mắt đã bày đặt chuyện yêu đương”, đảm bảo từ đó bé sẽ giấu nhẹm chuyện của mình. Nếu bạn nói chuyện với con như hai người đàn ông “Em đó xinh nhỉ”, bạn sẽ khai thác được thông tin từ con, giúp con đi đúng đường. Vì không thể ngăn cản, nên tốt nhất bạn hãy chọn cách làm sao để có thể kiểm soát được tình hình.
Tôn trọng con như một người trưởng thành
Hãy tôn trọng và đối xử với trẻ như một người trưởng thành có khả năng tự giải quyết được mọi việc, bố mẹ sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng và gần gũi hơn. Bố mẹ Nhật rất tôn trọng quyền riêng tư của con. Trẻ em Nhật thường có phòng riêng, ngay cả bố mẹ khi muốn vào phòng con cũng phải gõ cửa hoặc lên tiếng, không sắp xếp vật dụng của trẻ, để rèn con tính tự lập, một phần khác là thể hiện sự tôn trọng thế giới riêng của con. Không bao giờ can thiệp vào những việc mà con có thể tự giải quyết mà chỉ đóng vai trò là người quan sát và cho lời khuyên. Điều này khiến trẻ biết tự xoay sở trong các tình huống và trở nên người lớn hơn. Khuyến khích con tự làm những việc trong đời sống như: luôn tự gấp quần áo, tự tắm rửa, tự đi học, tự mua đồ… Được bố mẹ trao quyền tự quyết khiến trẻ cảm thấy bố mẹ không phải người ra lệnh mà là người bạn, người hướng dẫn cho con mà thôi.
Không nuông chiều con
Bố mẹ nào cũng thương yêu con và thường muốn làm hết mọi việc hộ con. Nhưng điều đấy lại vô tình khiến con nghĩ bố mẹ là những người lớn khác xa với các em vì chỉ bố mẹ mới làm được những điều các em không thể làm. Không chiều chuộng, không coi con như một đứa trẻ cần người lớn giúp đỡ. Khi đã cảm thấy tự tin với những gì mình có thể làm, các em cũng sẽ dễ nói chuyện với bố mẹ hơn. Khuyến khích con làm quen với mọi thứ, được thử sức mình với nhiều công việc lớn nhỏ, chứ không phải bao bọc, nuông chiều hay làm hư con. Đó cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều bậc phụ huynh, thế nhưng phải công nhận để làm được điều này quả thực không dễ dàng một chút nào. Ngoài sự tác động một chiều từ gia đình, bố mẹ luôn mong muốn môi trường học tập của con khi con tham gia bất kỳ một hoạt động học tập hay tập thể nào cũng phải đồng nhất và phải tạo điều kiện hết sức để con có thể phát huy sự tự giác hay tính tự lập sẵn có đó.
Động viên và khích lệ con
Phương pháp “động viên” này được áp dụng khá nhiều trong cách giáo dục con của hầu hết các bà mẹ trên thế giới. Quá mải mê chỉ trích, than phiền con không thể làm được điều này không thể làm tốt hơn sao… dần dần vô tình sẽ hình thành trong con suy nghĩ lối mòn rằng khả năng của bản thân chỉ có thể như vậy con tự thu hẹp bản thân trong vòng giới hạn đó
Luôn biết cách động viên khích lệ bé
“Khi tôi muốn con an tâm, tôi sẽ ôm lấy con, thì thầm vào tai con những lời an ủi và quan trọng nhất, tôi luôn bên cạnh con”.
Cùng con tham gia các hoạt động ngoại khóa
Khuyến khích tham gia hoạt động ngoài trời thay vì ở nhà xem tivi hoặc chơi điện tử. Các hoạt động ngoại khóa của các em rất phong phú: chơi thể thao, ngắm hoa, leo núi hay thăm quan các bảo tàng… Những hoạt động ấy thường có sự tham gia của bố mẹ. Không chỉ đứng trông cho các con chơi mà hơn nữa bố mẹ sẽ cùng tham gia với con, chia sẻ với con những khoảnh khắc vui vẻ của tuổi thơ ấu. Sau những buổi ngoại khóa như vậy, các bố mẹ sẽ thấy khoảng cách trong việc làm bạn cùng với con sẽ rút ngắn đi, hiểu con và yêu con hơn nữa. Hãy tìm và tham gia ngay một buổi trải nghiệm ngoại khóa ngay trong hè này để “làm bạn cùng con” các bố mẹ nhé.
Cùng con tham gia các hoạt động ngoại khóa
Tạo ra những kỉ niệm đẹp
Thường những người có ký ức đẹp sẽ giàu tình cảm hơn, nhân hậu hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, những ai có tuổi thơ hạnh phúc sau này cũng có nhiều khả năng thành công hơn.
Bố mẹ có thể tạo cho con những tình cảm, những kỉ niệm đẹp để con luôn nhớ về khi nó ở xa bố mẹ, rằng nó đã có một gia đình hạnh phúc biết bao, bố mẹ nó yêu nó biết bao, nó cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi nghĩ về gia đình của nó điều này sẽ khiến con cái luôn gần bố mẹ, nó như sợi dây tình cảm gắn kết bố mẹ với con cái. Để những lúc vấp ngã trên đường đời nó sẽ không quá khó khăn để vượt qua. Bố mẹ hãy dành cho con những ngày nghỉ có thể đưa con đi chơi công viên, đi đến một địa điểm du lịch nào đó, hoặc tham gia chơi các trò chơi ngoài trời để gắn kết tình cảm, qua đó để lại những kỉ niệm đẹp.
Viết cho tuổi thơ bé những kỉ niệm đẹp
Đừng lấy cớ rằng mình bận quá nhiều công việc nên không có thời gian để chơi với con cái. Thực ra bạn chỉ cần dành mỗi ngày 30 phút thôi cũng đủ có những giây phút vui vẻ bên con rồi. Có thể trong thời gian chờ cơm mẹ nấu thì bố có thể ngồi xếp các trò chơi với con, hoặc để ý xem con thích trò gì mình có thể nói với con “ cho bố chơi với” con đang muốn có người chơi cùng mình, nên chắc chắn con bạn sẽ rất hào hứng.
Thể hiện những cử chỉ yêu thương
Chúng ta tìm mua sữa tốt cho con mà quên việc thể hiện tình cảm. Điều này giống như ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu hơi ấm.
Bạn nên thường xuyên thể hiện những cử chỉ yêu thương với con để tăng thêm tình cảm, bố mẹ và con cái gần gũi nhau hơn, đôi khi chỉ bằng một cử chỉ nhỏ thôi mỗi buổi sáng trước khi con đi học mà bạn không đưa con đi bạn có thể thơm con một cái lên trán và nói với con “ con ngoan của mẹ đi học chăm chỉ nha!” chỉ vậy thôi, nhưng trong lòng con sẽ có những cảm nhận về tình cảm mà bố mẹ dành cho nó.
Thể hiện những cử chỉ yêu thương với con để tăng thêm tình cảm giữa bố mẹ và con cái hơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ thích những hành động yêu thương và thể hiện tình cảm của cha mẹ. Điều đó giúp chúng cảm thấy được yêu thương và sẽ tôn trọng bản thân hơn, chỉ đơn giản là một cái ôm là có thể khiến bạn và con đều cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, nó còn hạn chế nguy cơ trẻ trở nên hung hăng, chối bỏ xã hội hay những rối loạn hành vi khi trưởng thành. Với trẻ vị thành niên, những hành động yêu thương có thể khiến chúng cảm thấy bối rối, ngượng ngùng với bạn bè, khi đó bạn hãy thay bằng những lời động viên, hay thể hiện sự thấu hiểu với những vấn đề con gặp phải.
Cố gắng trả lời những câu hỏi ngốc nghếch đáng yêu của con
Khi con học cách nói chuyện, con thường hỏi mẹ các câu hỏi ngốc nghếch đáng yêu như: “Tại sao bầu trời lại có màu xanh hả mẹ?” hay “Tại sao con chó lại có bốn chân thế mẹ?”.
Các câu hỏi này được lặp lại thường xuyên khiến bạn cảm thấy khó chịu và bực mình. Nhưng bạn cần phải giữ bình tĩnh trong những lúc như thế này. Bạn không cần phải trả lời một cách khoa học, chính xác cho tất cả các câu hỏi của con, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không làm hạn chế trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con bằng cách bắt con giữ im lặng.
Trả lời những câu hỏi ngốc nghếch của bé
Bé nhà tôi rất hay tò mò, thường xuyên đặt các câu hỏi “tại sao” cho bố mẹ và ông bà. Mỗi lần như thế, tôi thường trả lời cháu một cách cẩn thận, luôn tìm cách gợi khả năng liên tưởng và sáng tạo của con.
Thực tế chứng minh rằng, trẻ hay hỏi “tại sao…?” thường là những đứa trẻ rất thông minh, nên khi thấy con hỏi nhiều như vậy đừng vội vàng bảo con “nói lắm”.
Trò chuyện với con, lắng nghe những câu chuyện của con
Quá dễ dàng để nói bé phải làm gì và không được làm gì. Thế nhưng đó không phải là giao tiếp! Đó là mệnh lệnh. Thay vì nói “Mau vào cất cặp đi, hãy hỏi: “Ở trường hôm nay có gì vui không?”
Con càng lớn thì càng có nhiều bí mật và không gian riêng tư. Nếu bạn không gần con, bạn sẽ bị con đẩy ra khỏi không gian của chúng. Bé đi học, bạn đi làm, một ngày dồn lại còn có bao nhiêu thời gian bên con? Khi đó, bé có bao nhiêu chuyện để kể: chuyện bạn Bi ở lớp, chuyện cô dạy bài con cò… và vì thế, dù bé còn nói lắp, các câu chuyện chưa thật gãy gọn, thì cũng hãy lắng nghe thật nghiêm túc.
Liệu có bao nhiều người mẹ có thể ngồi nghe tâm sự của con? Liệu bao nhiêu đứa trẻ thực sự coi mẹ như một người bạn thân để tâm sự? Mẹ là người xứng đáng được nghe những tâm sự, hay bí mật thầm kín trong lòng con. Hãy tạo cho con cảm giác gần gũi, thân thiết để con thêm tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với mẹ. Muốn con chia sẻ với mình thì chính bạn cũng phải học cách tâm sự với con.
Trò chuyện cởi mở như một người bạn với con, cho phép trẻ được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân là một việc rất cần thiết và hữu ích. Hãy cố gắng trở thành một người bạn của con và để con cảm thấy hạnh phúc khi có một người mẹ quan tâm và muốn biết những điều đang diễn ra trong cuộc sống của con.
Chơi cùng bé
Đây có thể nói là cách tốt nhất để cha mẹ có thể hiểu được tâm lý của trẻ nhỏ. Cha mẹ càng dành nhiều thời gian chơi với con thì trí tuệ của trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển. Cùng trẻ sáng tạo ra những trò chơi hấp dẫn, kích thích trí não là cách tốt nhất giúp bé cải thiện hành vi, hình thành sự tự tin và nhận ra giá trị bản thân. Chơi cùng con cũng là cách để mẹ con – bố con gần nhau. Với các em bé gái, được cùng mẹ chơi búp bê hay đồ hàng là một niềm vui, còn với bé trai, đá bóng với bố là niềm hãnh diện!”
Không những thế, chơi với con còn là “phương thuốc trị liệu” kỳ diệu, vì đó là khoảng thời gian để bạn tách ra khỏi những toan tính, lo âu, dằn vặt đầy stress của cuộc sống đời thường, chỉ dành sự chú ý cho thiên thần bé bỏng – người có thể dạy bạn cách thư giãn, cách thể hiện cảm xúc và cảm nhận tình yêu thương.
Qua đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng được thắt chặt, giúp bạn đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ, đồng thời cũng để chính cha mẹ được thưởng thức những niềm vui mà việc chơi với con đem lại.
Giữ lời hứa
Lời hứa luôn quan trọng với bất kỳ ai. Trẻ em không là ngoại lệ. Bố mẹ hãy giữ lời hứa và cố gắng thực hiện lời hứa đó, không hứa với trẻ khi cảm thấy không chắc chắn. Khi đã hứa: “Tối nay chúng ta sẽ cùng đi chơi”, bạn phải thực hiện điều đó! Giữ lời hứa là rất quan trọng với con trẻ, nếu hứa mà không làm, bé sẽ rất buồn và nếu việc này liên tục diễn ra, bạn đã vô tình cho bé thấy, lời hứa cũng… chẳng là gì.
Vì vậy, khi đã hứa với con trẻ điều gì, bố mẹ nên cố gắng thực hiện lời hứa của mình để khiến trẻ luôn cảm thấy vững chãi, tin cậy vào bố mẹ đồng thời giúp trẻ hình thành thói quen giữ lời hứa sau này.
Tặng bé sự ngạc nhiên
Thỉnh thoảng khi đi chợ, còn lại chút tiền thừa, sao không thử mua tặng bé một món quà bất ngờ như một chiếc kem, một cục tẩy hay chiếc gọt bút chì. Trẻ con sẽ thấy thật tuyệt vời khi bạn làm chúng ngạc nhiên và vì bé biết bạn yêu bé.
Ngày của bé
Ít nhất hai hoặc ba tuần bạn cũng nên dành cho bé một ngày đặc biệt – Ngày của bé. Ngày bạn sẽ cùng bé nấu ăn, chơi đồ hàng, đạp xe, hay đi chơi công viên. Hãy cùng với bé làm cho Ngày của bé thật đặc biệt, để bé luôn háo hức chờ đón!
Hãy cùng với bé làm cho “Ngày của bé” thật đặc biệt, để bé luôn háo hức chờ đón!
Ngày nay bố mẹ luôn cho rằng chỉ cần cho con một cuộc sống đầy đủ là đã hoàn thành được vai trò của cha mẹ, tuy nhiên như vậy họ mới chỉ hoàn thành được nghĩa vụ chứ chưa thể hiện tình cảm mà họ dành cho con cái của mình. Để một đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường có sự phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần, thì các bậc cha mẹ cần phải cho bé cảm nhận được tình cảm sự yêu thương của mình bằng cách bố mẹ làm bạn với con.