Một trong những điều giúp bạn giáo dục tốt con mình, rèn luyện trẻ và tăng cường sự gắn kết với bé chính là đưa con cùng vào bếp. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thích khoảng không gian này. Vậy làm thế nào để con có thêm hứng thú cùng cả nhà tham gia nấu ăn, phụ ba mẹ?
Càng hiện đại, cha mẹ và con cái càng dễ có khoảng cách nhiều hơn. Một ngày, rất nhiều phụ huynh không có đủ thời gian ở bên con. Vì lẽ đó mà con làm việc của con, cha mẹ làm việc của cha mẹ. Lâu dần, khoảng cách này trở thành rào cản, khiến hai thế hệ khó giao tiếp với nhau, khó chia sẻ cùng nhau. Để tránh điều đó, bạn nên cho con tham gia vào những hoạt động chung của cả nhà một cách thường xuyên hơn. Những việc đó có thể là nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ… vừa giúp bạn nhẹ bớt việc nhà, lại giúp con mình khéo léo, chăm chỉ hơn.
Mẹo để trẻ hào hứng hơn khi vào bếp
Nếu con bạn yêu thích vào bếp, vui đùa và cùng cả nhà làm việc thì thật đáng mừng. Đứa trẻ của bạn không những hiểu chuyện, ngoan ngoãn mà còn rất hòa đồng và chăm chỉ. Bạn chỉ cần phát huy việc này và thường xuyên cổ vũ bé để bé tiếp tục có thêm niềm vui khi vào bếp.
Dạy trẻ vào bếp là điều nên làm
Tuy nhiên, không phải 100% trẻ đều thích được vào bếp cùng cha mẹ, nhất là đối với những bé trai hiếu động và mê chơi. Có một số bé xem điều này như là công việc bắt buộc, một số bé tỏ ra thờ ơ, chán nản, thậm chí phản kháng mạnh mẽ mỗi lần vào bếp và phải đụng tay đụng chân vào làm việc.
Đối với những đứa trẻ như vậy, bạn càng không nên ép buộc, điều đó chỉ khiến trẻ trở nên chán ghét và cáu bẳn hơn. Hãy áp dụng một số cách thức sau:
1. Tạo niềm vui cho con thấy khi vào bếp
Cùng bé nấu ăn cũng ngầm hiểu rằng chúng ta đang cho trẻ thấy một điều giá trị, ở trong bếp cũng có đầy niềm vui không kém gì phòng khách, phòng ngủ hoặc phòng riêng của bé. Bạn tránh tỏ ra xung đột với người khác ở trong bếp, điều này khiến trẻ dè chừng rằng bếp là nơi căng thẳng, mệt mỏi và không muốn ở trong đó.
Nên rủ cả chồng vào cùng nấu ăn, khi bé thấy cả cha mẹ đều ở trong bếp thì tự bé sẽ tò mò, muốn tham gia cùng việc nấu nướng thay vì phải ở một mình.
Trong quá trình nấu nướng, bạn cũng nên tỏ thái độ hào húng, vui vẻ. Điều này sẽ lan truyền những cảm xúc tích cực cho bé, giúp trẻ xem đây là công việc thú vị, rất đáng để tham gia.
2. Khen ngợi và cảm ơn trẻ
Nên dùng những câu khen ngợi bất cứ khi nào con trẻ làm được điều gì đó. Ví dụ, bạn có thể khen bé nhặt rau sạch, bé có vị giác tốt hoặc cảm ơn con mỗi lần con giúp cha mẹ nấu nướng…
Đây chính là những giá trị tuyệt vời đối với trẻ. Lời khen, lời cảm ơn có sức cổ vũ, động viên rất lớn. Nhờ đó mà trẻ thấy việc vào bếp hoàn toàn dễ chịu, có thể cho trẻ thể hiện được tài năng.
Nên khen ngợi và khuyến khích trẻ (Ảnh: internet)
3. Cùng trẻ làm việc
Bạn nên ở bên cạnh và hướng dẫn trẻ khi trẻ đang làm việc. Tránh để con làm một mình sẽ tạo cảm giác chán nản, không có người đồng hành. Khi nhặt rau, bạn có thể cùng con phân loại, khi rửa chén, bạn có thể rửa và nhờ con gác chén dĩa… Việc phối hợp cùng nhau như vậy giúp trẻ thấu hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết trong gia đình. Ngược lại, trong quá trình cùng con làm việc, bạn có thêm thời gian hướng dẫn bé, chỉ dạy con những điều hay trong công việc, cuộc sống.
4. Cho trẻ thưởng thức thành quả
Sau quá trình cùng con vào bếp, bạn nên khen thưởng con bằng những món ngon do chính con góp phần tạo nên. Có thể chủ động gắp cho con những miếng ngon, mô tả lại hương vị món ăn mà bạn cảm nhận được hoặc nói chuyện về những món mà con thích trong lần nấu nướng tiếp theo.
Việc cho trẻ thưởng thức thành quả giúp trẻ hiểu về giá trị của lao động. Từ đó, những lần sau, trẻ sẽ vui vẻ, hào hứng và có trách nhiệm hơn để vào bếp. Đây là một trong những cách nuôi dạy trẻ hiệu quả mà nhiều bà mẹ đang áp dụng.
Việc cho trẻ cùng nấu ăn cũng không quá khó, tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý để trẻ tránh một số nguy hiểm. Không nên cho trẻ tự ý dùng dao, lửa, gas… Đồng thời bạn cũng nên cân nhắc về độ tuổi của bé, để xem bé phù hợp với những công việc nào. Chúc bạn thành công!