Biếng ăn là một trong những nỗi lo lớn nhất của bố mẹ khi chăm sóc trẻ. Biếng ăn có nhiều loại, trong đó biếng ăn sinh lý là thường gặp nhất và hầu như trẻ em nào cũng đã từng trải qua. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu để có sự chuẩn bị tốt nhất để đối đầu với biếng ăn sinh lý của con nhé.
Biếng ăn sinh lý là gì
Trong suốt quá trình phát triển của trẻ, có những giai đoạn phát triển mà sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ khiến cho trẻ không muốn ăn, chán ăn, hoặc ăn ít. Người ta gọi giai đoạn đó là biếng ăn sinh lý, nguyên nhân chỉ là do sự phát triển nội tại của bé để phân biệt với biếng ăn bệnh lý (nguyên nhân do bệnh) hoặc biếng ăn tâm lý (nguyên nhân do môi trường bên ngoài tác động).
Biếng ăn sinh lý thường xuất hiện ở độ tuổi nào
Thực ra, biếng ăn sinh lý có thể xảy ra ở nhiều độ khác nhau và thay đổi tùy theo sự phát triển của từng trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung thì biếng ăn sinh lý thường ở các giai đoạn phát triển như sau:
1. Giai đoạn mọc răng
Trong giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi là giai đoạn trẻ sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên. Tùy theo bé mà cơ thể sẽ phản ứng mạnh hay nhẹ đối với hiện tượng mọc răng. Có bé sẽ bị sốt cao liên tục, có bé chỉ sốt nhẹ thoáng qua, có bé thì đột nhiên ăn ít đi hoặc bỏ ăn vài ngày. Mặt khác, trong giai đoạn này thì bé sẽ tăng cường khám phá thế giới bằng miệng.
2. Giai đoạn nhà trẻ
Khoảng từ 16 - 18 tháng, trẻ đã biết đi và biết chạy nhảy nên có thể trẻ ham chơi mà quên ăn trong giai đoạn này. Cũng có thể, trong giai đoạn này bé sẽ được bố mẹ cho đi nhà trẻ và bé sẽ cảm thấy hụt hững vì thay đổi môi trường nên cũng sẽ không thích ăn.
3. Tuổi lên 3
Giai đoạn lên 3 là cột mốc đánh dấu sự phát triển mạnh về nhận thức và quan sát, trẻ thường bắt chước người lớn và có những so sánh với bạn bè. Ở giai đoạn này, trẻ nhận ra bản thân mình là một cá thể riêng biệt, khác với người khác. Trẻ tự chủ hơn, đòi tự làm và không cho cha mẹ giúp. Giai đoạn này cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển về cảm xúc của trẻ.
Trong các giai đoạn trên, tình trạng biếng ăn có thể sẽ xảy ra một cách đột ngột. Đây là biếng ăn sinh lý do ảnh hưởng của quá trình phát triển bình thường của trẻ nên bố mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Đối với hiện tượng mọc răng, có thể trẻ sẽ ăn uống bình thường sau vài ngày hoặc một tuần, nhưng đối với các giai đoạn khác có thể tình trạng biếng ăn sinh lý của trẻ sẽ kéo dài hơn. Bố mẹ cần theo dõi quá trình phát triển của con để đưa ra những can thiệp kịp thời.
Biếng ăn sinh lý có cần điều trị không
Như chúng ta đã tìm hiểu, biếng ăn sinh lý nguyên nhân do sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ nên không cần phải dùng thuốc điều trị. Bố mẹ không nên la hét, đánh đòn trẻ khi trẻ trải qua giai đoạn biếng ăn sinh lý, vì như vậy có thể làm phát sinh tâm lý sợ hãi và gây ra biếng ăn tâm lý cho trẻ.
Tuy biếng ăn sinh lý không cần phải điều trị. Nhưng bố mẹ nên thực hiện một số điều sau khi phát hiện trẻ biếng ăn:
- Kiểm tra xem trẻ có gì bất thường không: bố mẹ cần kiểm tra kỹ để loại trừ biếng ăn bệnh lý. Trong đó xem kỹ bé có sốt không, có đầy bụng, khó tiêu không, có ợ hơi, ợ chua không, hay có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe không.
- Kiểm tra môi trường xung quanh có thay đổi không: người chăm sóc trẻ có thay đổi không, có đổi trường học không, có đổi sữa không, thời tiết có thay đổi không.
- Kiểm tra tâm trạng trẻ có thay đổi không: có thường hay khóc nhè không, có thường giận dỗi, buồn bực không, có thường hay kể chuyện cô giáo, bạn bè không.
Nếu sau khi kiểm tra và không tìm thấy bệnh lý gì và bố mẹ xác định là trẻ biếng ăn sinh lý, bố mẹ nên áp dụng một số cách sau đây để giúp trẻ vượt qua giai đoạn biếng ăn.
- Chia nhỏ lượng thức ăn
Bố mẹ có thể giảm lượng thức ăn mỗi bữa (nhưng tăng số bữa ăn lên) để trẻ không cảm thấy là mình đang ăn ít đi.
- Trang trí món ăn sinh động
Bố mẹ trang trí những món ăn một cách bắt mắt có thể giúp trẻ cảm thấy thích thú và ăn ngon hơn.
- Tăng cường trái cây
Nếu bữa chính ăn ít thì bố mẹ có thể tăng cường trái cây ở các bữa phụ. Trái cây có chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể kích thích vị giác nên sẽ tốt cho trẻ.
Những điều không nên làm khi trẻ biếng ăn sinh lý
Để tránh biếng ăn kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trẻ, bố mẹ lo lắng và thực hiện nhiều biện pháp để giúp con ăn ngon là hoàn toàn hợp lý. Nhưng bố mẹ nên tránh các sai lầm sau đây:
- La mắng, đánh đập: con đang ở trong giai đoạn "khó ở" và không muốn ăn, bố mẹ nên ân cần hỏi han và quan sát thay vì nóng vội la mắng con. Không hiếm ông bố, bà mẹ thậm chí còn đánh mắng con khi con có hành động chống đối như từ chối ăn, ngậm không nhai, giả bộ nôn ói…
- Cố ép con ăn: nhiều người thấy con không ăn thì tìm mọi cách để ép con ăn. Từ van xin nài nỉ đến hâm dọa, từ đó không hiếm những bữa ăn kéo dài trên 1 giờ đồng hồ. Thực ra, ăn uống là quan trọng, nhưng bé không ăn 1 bữa hoặc ăn ít trong vài ngày cũng không thể làm ảnh hưởng đến trẻ. Do đó, đừng cố nài nỉ bé ăn cả ngày sẽ khiến cho bé bị ám ảnh.
- Lo lắng thái quá: ngày nay hầu hết con cái đều là cành vàng lá ngọc. Khi thấy trẻ biếng ăn nhiều người đã lo lắng một cách thái quá. Ai chỉ cho ăn gì cũng cho ăn, ai nói gì cũng làm thậm chí đến mức ngu muội. Thực ra, con cái thì ai cũng thương, nhưng khi nghe người ta nói cái gì bố mẹ cũng phải bình tâm suy nghĩ trước khi áp dụng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia. Bố mẹ nên luôn ghi nhớ biếng ăn sinh lý thì không cần phải điều trị bằng thuốc nhé.
- Cho uống men tiêu hóa: đây cũng là một sai lầm rất thường gặp của bố mẹ. Men vi sinh/ men tiêu hóa giúp cân bằng lợi khuẩn đường ruột, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Nhưng vấn đề là hệ vi khuẩn của trẻ có rối loạn bao giờ đâu mà cần cân bằng!!! Sử dụng men tiêu hóa trong các trường hợp này người ta sẽ gọi là lạm dụng, ngoài tốn tiền không mang lợi ích thì nó có thể còn gây hại cho trẻ. Nếu sử dụng thời gian dài trên 1 tháng sẽ gây phụ thuộc men tiêu hóa, sinh ra tiêu chảy.