Đã bao giờ khi con tìm đến chia sẻ, bạn bị phân tâm, không thật sự chú ý đến câu chuyện và cho rằng "chuyện trẻ con".
Thực tế lắng nghe con là một trong những việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm với tư cách là cha mẹ. Việc này không chỉ có giá trị tức thời mà còn hình thành mối quan hệ gần gũi, tin tưởng giữa bạn và trẻ. Sau này, khi trẻ lớn, thói quen này giúp trẻ thoải mái chia sẻ những chuyện khó nói với gia đình. Đây là điều quý giá không phải phụ huynh nào cũng có thể sở hữu.
Tiến sĩ Michael Nichols, tác giả cuốn The Lost Art of Listerning, cho rằng lắng nghe là cách tốt nhất thể hiện sự đồng cảm của bạn với trẻ. "Việc này cho trẻ thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng cũng quan trọng, được nhìn nhận như một người lớn", ông nói.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể liên tục bị trẻ gọi, kể những câu chuyện không đầu không cuối về trường lớp, bạn bè hay bộ phim hoạt hình vừa xem. Đôi lúc, việc này khá phiền phức và mất thời gian. Do đó, bạn nên áp dụng một số cách sau để việc lắng nghe con được dễ dàng hơn, giúp hai bên đều thấy thoải mái.
Sẵn sàng lắng nghe
Nếu trẻ đang nói điều gì đó, hãy dừng việc bạn đang làm nếu có thể, chẳng hạn đóng laptop lại và chú ý đến những điều trẻ đang cố diễn đạt. Tiến sĩ tâm lý học Tina Payne Bryson, đồng tác giả cuốn sách The Whole-Brain Child, giải thích hành động này thể hiện việc bạn có thời gian dành cho trẻ và câu chuyện của chúng cũng quan trọng với bạn. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe mà còn tạo thói quen tốt, lịch sự cho chính bạn khi nghe người khác nói bằng việc tập trung và để các thiết bị điện tử ra xa.
Ảnh: Parents
Tập trung
Trẻ em thường diễn đạt một cách lộn xộn, nếu không tập trung, bạn rất dễ không hiểu câu chuyện, cảm thấy bực bội vì không hiểu trẻ đang cố nói gì. Trong trường hợp mất tập trung hoặc không theo kịp những gì trẻ nói, bạn có thể đề nghị trẻ nhắc lại. Việc rèn sự tập trung cũng có lợi cho bạn trong các cuộc hội thoại khác.
Đặt câu hỏi
Khi đặt câu hỏi, trẻ sẽ thấy rằng bạn thật sự hiểu câu chuyện chứ không chỉ nghe rồi để đó. Ngoài ra, khi hỏi, bạn sẽ biết đứa trẻ đang mong đợi điều gì. Những câu hỏi cơ bản được các chuyên gia gợi ý, gồm: "Con có cần giúp đỡ không hay chỉ muốn chia sẻ?", "Thầy cô/bạn bè làm vậy với một mình con hay cả những người khác?", "Con có biết lý do tại sao không?"... Việc hỏi lại cũng giúp bạn xác nhận xem câu chuyện trẻ kể có thật không hay các em đang bịa ra để thu hút sự chú ý hoặc đòi hỏi một điều gì đó.
Nhiều trường hợp, bạn chỉ cần nói "Con đang buồn à?" hoặc "Con tức giận phải không?" để xác nhận tâm trạng của trẻ. Những đứa trẻ khi tìm đến người lớn đôi khi chỉ để bố mẹ biết chúng đang không vui. Bạn cũng có thể tận dụng các câu hỏi để xác nhận lại vấn đề một lần nữa xem đã hiểu đúng hay chưa.
Góp ý
Ngoài việc nghe trẻ nói bằng tai, bạn cũng cần quan sát thái độ, cách nói để điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn, vì quá tức giận, trẻ chửi bậy và dùng những từ ngữ không phù hợp khi nói về người lớn, bạn cần điều chỉnh và góp ý ngay song song với việc lắng nghe.
Lắng nghe để tìm ra cách giải quyết tốt nhất, không phải lúc nào cũng vào hùa với trẻ. Bạn cần giữ cái đầu lạnh, đóng vai trò là trọng tài trong những câu chuyện của trẻ để đưa ra những góp ý thông minh, tránh làm tổn thương hoặc để trẻ nghĩ mình lúc nào cũng đúng.