Cùng vào bếp với con không chỉ giúp tình cảm mẹ con thêm gắn kết mà còn giúp bé có những lỹ năng đầu đời về chuyện bếp núc.
ảnh minh họa
Chọn thời gian phù hợp
Nếu sắp nhờ con cùng giúp mình nấu ăn trong nhà bếp, thì bạn cũng không muốn có lịch thời gian eo hẹp, đúng không nào. Thay vì nhờ con phụ giúp bữa tối mà bạn phải nấu thật nhanh, bạn nên để việc đó đến chiều cuối tuần khi thời gian của cả hai đều không vội vã nhé.
Với trẻ nhỏ, bạn nên lựa chọn lúc chúng khỏe khoắn và không dễ bị làm thất vọng. Cũng nên nhờ một người lớn tuổi khác cùng ở nhà bếp để giúp bạn quan sát “đầu bếp cấp dưới” của mình nhé.
Để trẻ lên thực đơn
Ít nhất một tối một tuần, hãy để con bạn quyết định các món ăn của ngày hôm đó. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để dạy cho bé biết một bữa ăn cần có những món gì để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe.
Đi chợ cùng nhau
Giữa vô vàn thực phẩm sắc màu hấp dẫn, bạn sẽ khiến trẻ thấy việc chuẩn bị cho bữa ăn thật thú vị. Hãy hỏi trẻ muốn mua gì cho bữa tối trong quá trình đi mua sắm và thế là bạn đã góp phần đưa bé vào bếp cùng với mẹ.
Chọn công việc thích hợp cho bé
Đối với trẻ nhỏ, bạn nên bắt đầu với những món ăn đơn giản. Đó có thể là công thức món salad trộn hoặc món bánh xốp nướng dễ dàng có thể giúp trẻ bắt đầu vào bếp thoải mái. Đó có thể không cần là những công việc cần đụng dao kéo mà đơn giản chỉ là rửa rau quả, đập trứng và đánh trứng, hay bao bột lên những miếng thịt, cá.
Khi đã chọn một công thức nào đó, bạn nên nghĩ các bước nào mà con có thể tự thực hiện được. Chẳng hạn như trẻ nhỏ có thể phụ đổ các thành phần ra tô; còn trẻ lớn hơn có thể lường và thêm thành phần vào mà không cần người lớn giúp đỡ.
Tập cho con cách dùng các đồ vật trong bếp an toàn
Cho trẻ biết các quy tắc ở nhà bếp, chẳng hạn như phải rửa tay và không được sờ vào các nút bấm của lò hoặc dao. Thường xuyên nhắc trẻ vật nào có thể chạm vào được và vật nào có thể làm chúng bị thương.
Các mẹ còn nên tập dần cho con cách dùng dao kéo trong bếp sao cho an toàn nhất có thể.
Không quá nghiêm khắc
Khi con mới bắt đầu nấu ăn, mẹ phải biết chấp nhận mớ hỗn độn mà con tạo ra trong căn bếp xinh xinh của nhà mình. Mẹ nên sẵn sàng để đón nhận những sai sót của con và sửa dần dần. Không nên la mắng, trách móc vì như thế lần sau con sẽ không dám bén mảng tới căn bếp nữa đâu.
Thay vì đó, mẹ có thể nhận xét những sai sót của con một cách nhẹ nhàng, tích cực như: hình như con cho hơi nhiều muối vào canh phải không nhỉ? Món trứng con cần phải rán chín hơn một chút xíu nữa thôi con ạ…..
Bên cạnh đó, những lời khen ngợi cũng sẽ giúp con cảm thấy được động viên, khích lệ hơn sau thất bại của mình.