Ngủ đủ là chìa khóa cho sức khỏe tốt và hoạt động hiệu quả trong mọi giai đoạn của đời người, đặc biệt là đối với trẻ em. Ngủ kém có thể gây ra chậm phát triển ở trẻ em.
Bên cạnh đó, không chỉ việc ngủ đủ thời gian mới cần thiết, mà đi ngủ vào thời điểm nào trong ngày cũng giữ vai trò quan trọng đối với phát triển thể chất, cảm xúc và nhận thức của trẻ nhỏ.
Nhấn để phóng to ảnh
Đi ngủ sớm vào một thời điểm nhất quán là việc đặc biệt quan trọng để trẻ nhỏ chuyển từ chế độ ngủ 2 giấc (ngủ trưa và ngủ đêm) sang ngủ 1 giấc (chỉ ngủ đêm) mỗi ngày.
Khoa học đã chứng minh ngủ muộn có liên quan đến các vấn đề khó đi vào giấc ngủ và ngủ kém. Từ đó sẽ dẫn đến các vấn đề về khả năng tập trung, trí nhớ và hành vi của trẻ em.
Ngủ sớm là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất
Nghiên cứu trước đây cho biết trẻ em trước độ tuổi đến trường không được ngủ đủ thời gian thì có nguy cơ bị béo phì. Cụ thể là những trẻ đi ngủ vào giờ sớm đều đặn hàng ngày thì khi trưởng thành giảm ½ nguy cơ bị béo phì. Một nghiên cứu ở Úc với đối tượng là 1.250 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 8 cho biết kể cả có những điều chỉnh về hoạt động xã hội và lối sống thì những trẻ em thường xuyên đi ngủ muộn, sau 9 giờ 30 tối, thì 3 năm sau cũng có cân nặng trung bình cao hơn từ 1,5 kg đến 2,5 kg so với những trẻ em đi ngủ sớm hơn, vào khoảng 7 giờ tối.
Hiện chưa có kết luận chính thức về mối liên quan chính xác giữa thời điểm đi ngủ và nguy cơ béo phì. Có thể việc thức khuya khiến trẻ ăn thêm đồ ăn, trong đó có đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe hoặc uống thức uống có chứa caffeine. Một lý do khác có thể là yếu tố sinh lý học. Đồng hồ sinh học điều khiển giấc ngủ cũng có vai trò thiết yếu trong việc sản sinh ra hóc môn, chuyển hóa glucose và cân bằng năng lượng trong cơ thể.
Mấy giờ là giờ đi ngủ muộn?
Thói quen giấc ngủ được hình thành bởi nhiều yếu tố sinh học và văn hóa. Khi cha mẹ đặt ra giờ đi ngủ cho trẻ, họ bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa, lối sống và kiến thức của họ về tầm quan trọng của giấc ngủ.
Các chuyên gia đã có những hướng dẫn về thời gian ngủ cho mỗi độ tuổi, nhưng thời điểm trẻ nhỏ cần đi ngủ thì chưa được xác định rõ ràng. Theo nhà nghiên cứu Yaqoot Fatima ở Hiệp hội Giấc ngủ Australia, thời gian đi ngủ phù hợp đối với trẻ trước độ tuổi đến trường là khoảng 7 giờ đến 8 giờ tối để đảm bảo các bé được ngủ đủ thời gian. Cha mẹ nên giúp trẻ tạo thói quen đi ngủ sớm và đều đặn. Ngủ thất thường sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi ở trẻ.
Những năm đầu đời là thời gian vô cùng quan trọng hình thành những nền tảng sức khỏe và thói quen tốt cho cuộc đời sau này. Phát triển thói quen đi ngủ lành mạnh có thể đưa trẻ vào con đường đúng đắn để khi trưởng thành các bé sẽ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.