Virus corona chủng mới (2019-nCoV) có thể lây lan qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (thông qua ho, hắt hơi, bắt tay...). Cha mẹ và nhà trường chuẩn bị gì để bảo vệ con trước dịch bệnh?
Tính đến trưa 3-2, toàn thế giới đã có 17.389 ca nhiễm bệnh do virus corona chủng mới (2019-nCoV), 362 ca tử vong. Riêng Việt Nam có 8 ca nhiễm bệnh. Theo Bộ Y tế, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (thông qua ho, hắt hơi, bắt tay...).
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, người lớn cần làm gì để con an toàn? Làm sao để trẻ đến trường mà không bị lây nhiễm virus corona? Cần làm gì để trẻ tăng cường đề kháng và giúp con biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh?
Các chuyên gia đã có những chia sẻ thiết thực, hữu ích tại chương trình tọa đàm - tư vấn trực tuyến "Để trẻ an toàn trong mùa dịch corona" do Tuổi Trẻ tổ chức chiều 3-2.
Chủ động phòng dịch nhưng không hoang mang
Mở đầu chương trình, ông Trần Xuân Toàn - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ: Những ngày gần đây, nhiều tin tức, sự kiện liên quan đến dịch bệnh tràn ngập trên các trang báo. Phải nói là phụ huynh rất hoang mang, làm sao để mọi người bình tĩnh và có những giải pháp cho cá nhân và cộng đồng.
Ông Toàn đặt câu hỏi đầu tiên dành cho ông Nguyễn Văn Hiếu: gần 18h hôm qua UBND TP.HCM cho phép học sinh toàn TP nghỉ học, ngành GD-ĐT TP có các bước chuẩn bị như thế nào để đón học sinh trở lại trường?
Ông Hiếu thông tin: "Riêng tại TP.HCM đã có rất nhiều cuộc họp trong ngày thứ 7 và chủ nhật vừa qua để đối phó với corona. Ngành GD-ĐT TP.HCM cũng theo sát, cảnh giác cao độ nhưng không hoang mang.
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta đối mặt với dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, khi TP xuất hiện 3 ca dương tính với corona, trước sự lo lắng của phụ huynh, TP đã cho học sinh nghỉ học 1 tuần.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong thời gian 1 tuần này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống: chuẩn bị cơ sở vật chất để kiểm tra thân nhiệt; một số hiệu trưởng tạo group, nhà trường mời chuyên gia tập huấn cho GV, chuyên gia y tế trường học để thực hiện các biện pháp phòng, chống corona; trang bị khẩu trang dự phòng, nước rửa tay, nước súc họng, máy đo thân nhiệt, không phải dồn ngay cửa trường, đưa về lớp rồi đo thân nhiệt, quan sát sức khỏe học sinh. Làm sao mỗi người đều sẵn sàng, chủ động và không hoang mang".
Khi học sinh nhập học đồng loạt, một số trung tâm ngoại ngữ đo thân nhiệt học sinh ngay cổng trung tâm. Nhưng đối với những học sinh đã từng đi chơi ở những vùng dịch thì các trường phải làm như thế nào?
Trao đổi tại chương trình, thạc sĩ Đỗ Ngọc Chi - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - cho biết: "Thứ 6 vừa rồi nhà trường đã có một buổi họp khẩn, phối kết hợp với Ban thường trực cha mẹ học sinh của trường, nhờ giáo viên chủ nhiệm tuyển thông tin đến từng lớp để nắm bắt: học sinh đi chơi hoặc có tiếp đón thân nhân ở những vùng dịch về để báo cáo về trường; tuyên truyền vận động học sinh có thân nhân từ Trung Quốc đến chơi nhà nên ở nhà 14 ngày...".
Thạc sĩ Đỗ Ngọc Chi - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ: "Chúng ta cho học sinh nghỉ 1 tuần để cùng nhau thiết lập 1 khoảng an toàn, rà xem còn lỗ hổng nào để bảo vệ trẻ em là rất tốt. Chẳng hạn, nếu phát hiện trẻ sốt ngay cổng trường hoặc phát hiện trẻ ho, hoặc lọt 1 bé vào…thì phải làm gì?
Tức là chúng ta nên xây dựng những kịch bản để phòng, tránh trước. Nên có 1 phòng dành cho bé sốt chứ không thể kêu con đứng ở đây đợi ba con đến đón.
Cạnh đó, giáo dục cách bảo vệ và tự bảo vệ bản thân, thói quen rửa tay; càng ít tập trung học sinh thì càng ít nguy cơ. Thời điểm này, phụ huynh nên rèn và dạy cho các em một số kỹ năng để phòng chống bệnh: tuần sau đi học thì phải làm gì, bây giờ ở nhà cần làm gì...
Ngoài ra, cũng phải thông tin rõ ràng để học sinh hiểu: Kể từ khi con từ Trung Quốc về Việt Nam thì con cần nghỉ học 14 ngày rồi mới đi học".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhấn mạnh: nếu em bé không có yếu tố nguy cơ, ba mẹ hãy chăm sóc bé như 1-2 tháng trước. Còn bé có yếu tố nguy cơ, hãy đưa bé đi bệnh viện nhiệt đới, nhi đồng để được bác sĩ khám, tư vấn.
Nếu 1 bé bị sốt thì phụ huynh phải làm thế nào? Bác sĩ Khanh hướng dẫn: "Nếu bé sốt mà có nguy cơ nhiễm corona thì phải tới Bệnh viện Nhiệt đới hoặc Nhi Đồng 1, nếu không có nguy cơ thì điều trị bình thường".
Trong trường hợp tới bệnh viện nhi mà quá tải thì phụ huynh đưa bé về nhà và tự mua thuốc điều trị được không? "Trong bệnh viện chắc chắn sẽ vẽ đường đi, em bé bình thường đi đường nào, em bé nghi ngờ bị nhiễm corona đi đường nào. Vì vậy, phụ huynh không phải lo lắng quá. Ngay cả các nhân viên trong bệnh viện như bảo vệ, giữ xe…đều được huấn luyện để hướng dẫn phụ huynh".
Tăng cường đề kháng cho trẻ ra sao?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hậu - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần có chế độ ăn uống như thế nào để đủ sức khỏe phòng dịch bệnh? Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hậu - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - tư vấn: "Tùy lứa tuổi mà có chế độ khác nhau. Bé đã đến trường, ăn uống sẽ tốt hơn ở nhà bởi ở nhà thích ăn giờ nào thì ăn.
Để tăng cường miễn dịch, đầu tiên phải ăn uống đầy đủ chất trước đã. Nhiều người cho rằng mùa dịch này không được ăn thịt. Như vậy là sai, nên chọn những loại đạm dễ tiêu, rửa tay kỹ, rửa dụng cụ nấu nướng kỹ càng, nấu chín thức ăn.
Ngoài ra, cần bổ sung rau củ, trái cây. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy chúng ta uống vitamin C thì chống được virus nhưng vitamin giúp cho hệ miễn dịch tốt là vitaminA, vitamin C. Những thức ăn giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn như kẽm, selen như các loại thịt, các loại hạt, những thức ăn có tính dầu giúp sát trùng đường hô hấp tốt cho giai đoạn này.
Đặc biệt cần cung cấp đủ nước. Bên cạnh dinh dưỡng thì cần cho em bé ngủ đủ giấc, cần hướng dẫn cho bé những biện pháp cần làm để các con hiểu và thực hiện".
Làm sao để xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gia đình? Thạc sĩ, dược sĩ Ngô Huyền Trang - giám đốc sản phẩm Công ty Sữa VitaDairy cho biết: "Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối thì cần đa dạng thực phẩm và chú ý đến độ tươi, mới của thực phẩm. Đối với trẻ em thì cần bổ sung sữa".
Thạc sĩ, dược sĩ Ngô Huyền Trang - giám đốc sản phẩm Công ty VitaDairy
Đề phòng corona sao cho hiệu quả?
* Nếu trong 1 trường học có trẻ nhiễm bệnh thì kịch bản của ngành giáo dục là gì?
- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Cái chính mà ngành GD-ĐT tự nhắc nhở nhau là phát hiện sớm. Và các trường phải làm vệ sinh các phòng, không mở máy lạnh mà mở cửa thông thoáng tất cả phòng ốc. Trong nhà trường, vai trò hiệu trưởng rất quan trọng, quan tâm sâu sát, nhắc nhở giáo viên để quan sát, theo dõi và sớm phát hiện bệnh, nếu có.
Những ngày này, phụ huynh vẫn phải đi làm, những nhóm trẻ hoạt động không phép trong thời gian này có thể xuất hiện. Tôi đã đề nghị phòng GD-ĐT và UBND các phường, xã kiểm tra các nhóm trẻ không phép để phòng, tránh corona.
* Khi đi ra ngoài, liệu có khả năng hít phải virus corona?
- BS Trương Hữu Khanh: Corona là 1 loại virus hô hấp, nó là con virus ở động vật nhưng lây sang người. Nó nằm trong vùng hầu họng, người bệnh hắt hơi, ho trong giọt bắn ra chứa virus. Rồi nó có thể rớt xuống bàn, mình để tay trên bàn rồi bắt tay người khác, tay đó đưa lên sờ vào miệng, mũi,..Nó nằm trong không gian nhỏ, hẹp, lơ lửng, mình đi vô mình hít phải là nhiễm bệnh.
Virus corona tồn tại trong 5 ngày, độ ẩm càng cao thì nó càng yếu đi (nhưng không chết). Không gian chật hẹp thì nồng độ virus sẽ cao.
Nhiệt độ trên 25 độ và độ ẩm 50% thì virus rất yếu; không gian loãng đi, ánh nắng tràn vào thì virus loãng đi, khả năng tấn công của nó yếu đi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Làm thế nào để có hệ miễn dịch tốt nhất?
- Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hậu: Chế độ ăn cân đối và đa dạng. Riêng em bé nhỏ còn được bú mẹ phải tận dụng bú mẹ. Một số người cho rằng nên ăn nhiều cam, quýt, chanh vì giàu vitamin C, nhưng nếu những trái cây này không còn tươi thì lượng vitamin C không còn nhiều; thịt cá có nhiều đạm nhưng rã đông rồi lại cấp đông thì rất có thể lợi thành hại.