Đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non bao gồm những điều quan trọng mà cha mẹ nên lưu ý. Vì, nếu nắm được chúng, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc giúp trẻ hòa nhập vào môi trường “học tập” nghiêm túc đầu tiên của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm đó cụ thể như thế nào nhé.
1. Sự phát triền kỹ năng của trẻ mầm non
Ở độ tuổi mầm non, trẻ đã đạt được một số mốc phát triển quan trọng giúp con sẵn sàng cho môi trường học tập nghiêm túc đầu tiên của đời mình. Chúng bao gồm:
1.1. Khả năng nói chuyện lưu loát, rõ ràng
Để trẻ có thể phát triển tốt ở môi trường mầm non, chúng cần phải có khả năng nói chuyện lưu loát rõ ràng (hoặc một hình thức giao tiếp khác như ngôn ngữ ký hiệu). Đây không chỉ là về phát âm mà còn là diễn đạt suy nghĩ và mong muốn của mình.
Nếu trẻ có thể giao tiếp hiệu quả, chúng sẽ thấy tự tin hơn khi nói chuyện cũng như giúp giáo viên biết được khi nào mình đã hiểu rõ một khái niệm hay khi nào cần được hướng dẫn nhiều hơn.
Kỹ năng giao tiếp cũng giúp trẻ hòa đồng và kết nối mạnh mẽ hơn với bạn bè đồng trang lứa và giúp con trở thành một phần của cộng đồng ở môi trường học tập.
Nếu trẻ đang đi học mẫu giáo mà gặp khó khăn trong việc hình thành âm thanh hoặc lời nói, có vẻ bối rối khi được chỉ dẫn, không đặt câu hỏi như những trẻ khác hoặc chậm hơn trẻ khác cùng độ tuổi, thì bạn cũng đừng hoảng sợ. Theo Hiệp hội Ngôn ngữ-Nghe-Nói Hoa Kỳ thì rối loạn ngôn ngữ ở tuổi mầm non là khá phổ biến. Nếu bạn thấy trẻ có những biểu hiện này, hãy trao đổi với một chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để được tư vấn về cách giúp trẻ phát triển một cách bình thường.
Trẻ độ tuổi mầm non đã có thể nói chuyện lưu loát rõ ràng. Ảnh Internet
1.2. Khả năng hiểu câu hỏi
Các câu hỏi tạo thành xương sống của việc giảng dạy trong quá trình học tập dựa trên yêu cầu. Chúng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng sáng tạo của trẻ. Do đó, điều quan trọng là trẻ hiểu được cách trả lời câu hỏi và có thể tự đặt câu hỏi trước khi học mẫu giáo.
Bạn hãy bắt đầu dạy trẻ cách hỏi và trả lời ở độ tuổi 2-4 tuổi. Ban đầu, hãy hỏi trẻ những câu hỏi cơ bản gây tò mò cho trẻ về thế giới xung quanh. Trẻ cũng nên được học cách trả lời câu hỏi của bạn và những người lớn khác (như thầy cô giáo) và hiểu ý nghĩa của các từ nghi vấn như ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao và làm thế nào.
Trong khi nhiều trẻ em trong độ tuổi mầm non thích đặt câu hỏi “Tại sao?” cho tất cả mọi thứ, một số trẻ khác lại ít làm như vậy hơn. Nếu trẻ nhà bạn thuộc nhóm thứ hai, hãy nhẹ nhàng khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Ví dụ bạn có thể hỏi trẻ “Con có muốn hỏi gì về việc này không?” hay “Con có câu hỏi nào không?”. Đôi khi trẻ có hàng núi câu hỏi trong đầu và đơn giản chỉ cần một lời khuyến khích để thể hiện chúng ra ngoài.
Dạy trẻ độ tuổi mầm non cách hỏi và trả lời là điều cần thiết. Ảnh Internet
1.3. Khả năng nhận biết số và chữ
Mặc dù trẻ em không cần phải thành thạo bảng chữ cái khi bước vào học mẫu giáo , nhưng trẻ nên nhận biết được hầu hết các chữ cái (có thể nhầm lẫn trong một khoảng thời gian). Nhiều trẻ mẫu giáo đã có thể ghép vần, dù rằng đây là kỹ năng mà giáo viên sẽ chỉ dạy cho trẻ trong suốt thời gian học mẫu giáo và những năm sau đó.
Chữ số cũng rất quan trọng. Vào thời điểm trẻ vào mẫu giáo, con đã có thể đếm được số đến giá trị khá cao (tùy vào trẻ).
Để giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận biết chữ và số , bạn hãy biến việc học thành trò chơi. Bạn hãy yêu cầu trẻ chỉ ra các chữ cái cụ thể trên các dấu hiệu và thách thức trẻ xác định các số có một chữ số trên đồng hồ thậm chí bảng điểm.
Bạn nên dạy trẻ nhận biết được chữ cái khi bước vào học mẫu giáo. Ảnh Internet
1.4. Khả năng hiểu khái niệm về thời gian
Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng rằng hiểu khái niệm về thời gian nghĩa là trẻ có thể cho bạn biết mấy giờ. Tuy nhiên đó không phải là trường hợp chúng ta đang nói đến. Khi trẻ lên bốn hoặc năm tuổi, chúng nên hiểu được rằng thời gian trôi qua cũng như hiểu các khái niệm như: bây giờ, trước đây, sớm, muộn, hôm qua, ngày mai,…
Nhiều đứa trẻ nhận ra người lớn đeo đồng hồ và đồng hồ giúp xác định được thời gian ngay cả khi chúng không tự biết được ngày giờ.
Bạn hãy nhớ rằng ở thời kỳ này trẻ có xu hướng dùng các sự kiện để đánh dấu thời gian trôi qua. Do đó có thể trẻ không thể cho bạn biết thời gian trên đồng hồ hoặc nhớ các ngày trong tuần. Trẻ sẽ nhớ bằng cách dùng một sự kiện trẻ đã hoặc sắp trải qua để ghi nhớ ngày giờ hoặc thời gian.
Ví dụ: ngày mai trẻ sẽ đi thăm sở thú, tuần trước trẻ đã đi thăm bà ngoại, trẻ sẽ đưa chó đến công viên vào tối nay,…
Miễn là trẻ đánh dấu được thời gian một cách chính xác (theo cách của mình) bạn hãy khuyến khích trẻ duy trì thực hiện.
Trẻ sẽ có cách ghi nhớ khái niệm thời gian theo kiểu của mình, bạn hãy khuyến khích trẻ duy trì. Ảnh Internet
1.5. Khả năng kể một câu chuyện
Khi trẻ đến tuổi học mẫu giáo, con đã có thể kể một câu chuyện đơn giản với đầy đủ ba phần mở đầu, nội dung và kết thúc. Những câu chuyện mà trẻ kể không nhất thiết phải là chuyện dài hoặc phức tạp mà quan trọng là chúng có một khởi đầu dễ nhận biết, một nội dung và kết thúc đặc trưng. Khả năng kể lại giai thoại đơn giản chính là cột mốc về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Bạn có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng này bằng cách khuyến khích con kể cho bạn nghe về ngày của mình.
Hầu hết trẻ em sẽ bắt đầu câu chuyện với câu “Hôm nay con…”, “Hôm qua chúng ta đã…”, hay “Mẹ thử đoán xem ông ngoại đã làm gì?” hoặc bất cứ một câu mở đầu nào mà trẻ đã từng nghe cha mẹ và những người lớn khác nói chuyện. Sau đó, trẻ sẽ giải thích chuyện gì đã xảy ra, ví dụ như “Ông ngoại đã cưỡi tàu lượn siêu tốc!”. Bạn có thể không hoàn toàn hiểu chính xác những gì đã xảy ra, nhưng ý chính mà trẻ muốn kể nên nằm ở đoạn này. Cuối cùng, trẻ nên kết thúc câu chuyện theo cách riêng của mình như “Con đã chơi rất vui”, hay “Con rất muốn thử lại lần nữa.”
Trẻ có khả năng kể câu chuyện một cách đầy đủ. Ảnh Internet
1.6. Khả năng nhận diện được mô hình
Học cách nhận biết các mô hình là rất quan trọng để giúp trẻ hiểu được các khái niệm toán học cơ bản. Đối với trẻ mẫu giáo, việc này có thể rất đơn giản, ví dụ như nhận ra một hình dạng lặp lại trong một dãy các mô hình.
Trẻ cũng có thể nhận ra một trật tự nào đó trong cuộc sống hàng ngày chẳng hạn như: đánh răng sau khi ăn sáng và sau đó đến trường sau khi đánh răng.
Để giúp trẻ học cách nhận biết các mô hình, khuôn mẫu hay lịch trình nào đó, bạn hãy giữ thói quen nhất quán ở nhà và hỗ trợ trẻ nếu con cần giúp đỡ trong lĩnh vực này. Ví dụ bạn có thể bắt đầu bằng việc cùng chơi với trẻ sử dụng hai loại hình khối hoặc mô hình khác nhau.
1.7. Khả năng nắm bắt các kỹ năng toán học cơ bản
Ngoài các mô hình, trẻ mẫu giáo cũng nên được làm quen với một vài kỹ năng toán học cơ bản khác. Chúng bao gồm sự hiểu tỷ lệ một đối một có nghĩa là trẻ có thể nhìn hoặc nghe thấy một con số sau đó biết chọn ra số đối tượng tương ứng với con số đó.
Ngoài ra, khả năng sắp xếp, phân biệt các loại đối tượng khác nhau cũng là một kỹ năng toán học quan trọng khác.
Trẻ độ tuổi mẫu giáo nên được làm quen với một vài kỹ năng toán học cơ bản. Ảnh Internet
Bạn có thể giúp trẻ thực hành bằng cách cung cấp các dụng cụ để trẻ thực hiện thao tác toán học. Ví dụ như yêu cầu trẻ sắp xếp các đồ vật cùng màu hoặc cùng hình dạng vào các thùng chứa khác nhau.
1.8. Khả năng điều khiển sự vận động của cơ bắp
Mặc dù khả năng cầm bút chì và viết chưa thực sự cần thiết khi trẻ bước vào mẫu giáo. Nhưng trẻ cần học cách phối hợp và điều khiển cơ bắp để có thể tập viết một cách dễ dàng.
Để giúp trẻ trong vấn đề này, Hiệp hội Giáo dục trẻ em Quốc gia ( National Association for the Education of Young Children hay NAEYC) khuyên bạn nên khuyến khích trẻ rèn luyện cơ bắp thông qua những công việc và trò chơi hàng ngày như ăn bằng muỗng, nĩa hay vẽ bằng cọ. Hoạt động rót nước trái cây có thể giúp trẻ luyện tập giữ tay ổn định. Trong khi Play-Doh (một hợp chất gồm bột, nước, muối, borax và dầu khoáng để trẻ sử dụng trong việc tạo mô hình hoặc thực hiện các môn thủ công hay nghệ thuật) và đất sét hay cát sẽ giúp trẻ tăng cường cơ bắp tay.
Rèn luyện giúp trẻ tăng cường cơ bắp tay và tập giữ tay ổn định là một phần quan trọng trong việc dạy trẻ độ tuổi mầm non. Ảnh Internet
2. Sự phát triển thể chất của trẻ mầm non
2.1. Các hoạt động thể chất trẻ mầm non có thể thành thạo
Đối với hoạt động thể chất mà trẻ mầm non có khả năng đã thành thạo, mặc dù có một số hoạt động tiêu biểu với độ tuổi nhưng bạn cần lưu ý là mỗi trẻ là duy nhất và có thể khác biệt so với trẻ khác. Vì vậy nếu thể chất của trẻ chưa đáp ứng được một hoạt động, không có nghĩa là sự phát triển của con gặp vấn đề mà con có thể đạt được vào một thời điểm khác.
Những hoạt động thể chất cụ thể mà đa số trẻ mầm non đã đạt được:
Trẻ 3 tuổi có thể:
- Leo trèo tốt
- Chạy vững
- Đạp được xe ba bánh
- Đi lên và xuống cầu thang với mỗi bước là một chân đặt ở một bậc thang
- Rửa và lau khô tay
Trẻ 3 tuổi có thể đạp được xe ba bánh. Ảnh Internet
Trẻ 4 tuổi có thể:
- Nhảy lò cò và đứng trên một chân được đến 2 giây
- Đổ (chất lỏng) và cắt (rau củ, thức ăn) dưới sự giám sát của người lớn; nghiền thức ăn
- Bắt được quả bóng trong hầu hết các lần chúng nảy
- Vẽ người có 2-4 phần cơ thể
- Sử dụng kéo
Trẻ 5 tuổi có thể:
- Đứng trên 1 chân trong 10 giây hoặc hơn
- Nhảy chân sáo
- Lộn nhào
- Sử dụng thành thạo muỗng, nĩa thậm chí là dao ăn
- Ngồi xích đu và leo trèo
Trẻ 5 tuổi đã có thể thực hiện nhiều hoạt động khó. Ảnh Internet
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thể chất của trẻ
Sự tăng trưởng và phát triển thể chất ở trẻ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ trở nên cao hơn, khỏe hơn hay to hơn. Nó liên quan đến một loạt các thay đổi về kích thước cơ thể, thành phần và tỷ lệ. Các yếu tố sinh học và môi trường cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất của trẻ, cụ thể như sau:
2.2.1. Sự phát triển trí não
Mặc dù khả năng vận động của trẻ mầm non là xuất hiện do sự tăng trưởng và phát triển thể chất, nhiều kỹ năng vận động mới cũng là kết quả của sự phát triển trí não.
Nói cách khác, những chuyển động của trẻ không chỉ đơn giản là việc sử dụng tay và chân. Bạn hãy thử suy nghĩ về một đứa trẻ đang đá bóng qua lại với một bạn hoặc người lớn nào khác. Trẻ có thể thực hiện nhiệm vụ này không chỉ nhờ việc biết làm chủ và phát triển kỹ năng mà còn nhờ khả năng của bộ não tổng hợp các thông điệp được truyền từ thính giác và thị giác. Sau đó trẻ sẽ đưa ra quyết định phù hợp như điều chỉnh chuyển động, đá bóng mạnh hay nhẹ, chờ đợi nếu cần và đá bóng trở lại cho người cùng chơi.
Bạn có thể giúp đỡ trẻ tăng cường sự phát triển trí não bằng cách cho trẻ tham gia vào các tương tác có ý nghĩa, cho phép chúng hình thành sự kết nối với môi trường xung quanh. Đồng thời tạo ra sự hiểu biết về cách mọi thứ hoạt động, cách xử lý tình huống, cách đối xử với người khác, cách đối phó với cảm xúc và cách vận hành cuộc sống hàng ngày.
Khi làm như vậy, bạn không những giúp trẻ cải thiện các kỹ năng hiện có mà còn giúp con tiếp thu những kỹ năng mới.
Kỹ năng vận động của trẻ mầm non cũng là kết quả của sự phát triển trí não. Ảnh Internet
2.2.2. Yếu tố di truyền
Gen di truyền đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng quá trình phát triển thể chất cũng xảy ra do sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường. Vì vậy bạn hãy tạo ra môi trường phong phú và kích thích để giúp thúc đẩy sự phát triển thể chất của trẻ một cách tối ưu.
2.2.3. Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Đặc biệt ở những giai đoạn não và cơ thể phát triển quá nhanh, trẻ cần có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cung cấp đủ các loại vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Để giúp trẻ trong vấn đề này, bạn hãy làm gương bằng những thói quen ăn uống lành mạnh.
2.2.4. Yếu tố văn hóa
Bên cạnh các yếu tố trên thì văn hóa cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Môi trường trẻ sống, nguồn gốc và hoàn cảnh sống cụ thể cũng tác động đến cách trẻ phát triển và thành thạo các kỹ năng vận động. Vì vậy, bạn cần tôn trọng những điều này để giúp trẻ đạt được tiềm năng đầy đủ của chúng.
Môi trường và hoàn cảnh sống cụ thể cũng tác động đến cách trẻ phát triển kỹ năng vận động. Ảnh Internet
3. Đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non
Ngoài sự phát triển về thể chất và kỹ năng, tâm lý của trẻ mầm non cũng có nhiều đặc điểm rất đáng quan tâm, cụ thể gồm:
- Trẻ đang học cách hiểu nhu cầu và cảm xúc của người khác. Chúng có thể rất thông cảm với bạn bè, chia sẻ đồ chơi và chờ đến lượt ít nhất một số lần.
- Trẻ đôi khi có thể cảm thấy ghen tỵ về mối quan hệ giữa bạn và người khác (kể cả với bố/mẹ chúng.)
- Trẻ có thể thích những trò chơi đóng vai người lớn như bố và mẹ hay siêu nhân.
- Trẻ có thể thấy thế giới xung quanh thật đáng sợ. Để giúp trấn an con, bạn hãy cung cấp cho con thông tin về lịch trình hoạt động hàng ngày. Ví dụ như ăn gì vào bữa sáng, làm gì vào ban ngày và có chuyện gì đặc biệt vào bữa tối hay giờ đi ngủ hay không. Bạn cũng nên đưa ra giới hạn cho những hoạt động và hành vi của trẻ. Vì mặc dù trẻ có vẻ tự tin nhưng chúng sẽ thấy sợ hãi nếu cha mẹ không thể quản lý chúng.
- Trẻ có thể xa bạn mà không thấy buồn.
- Trẻ bắt đầu hình thành khiếu hài hước và có thể cười trong những tình huống vui nhộn.
- Trẻ có thể nhận biết được đâu là thật và đâu là tưởng tượng nên có thể “bịa” chuyện để làm bạn hài lòng.
- Trẻ có thể có một người bạn tưởng tượng, đặc biệt là khi chúng không có bạn chơi cùng. Đây là tình trạng phổ biến và bạn không cần phải lo lắng.
Trẻ độ tuổi mầm non thường chơi với người bạn tưởng tượng của mình khi trẻ không có bạn chơi cùng. Ảnh Internet
4. Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ
Việc hiểu được đặc điểm của trẻ mầm non là rất quan trọng khi bạn chăm sóc trẻ. Thông qua sự thay đổi về thể chất ở trẻ mầm non và khi bạn nắm được cách mà trẻ dùng cơ thể mình để biểu hiện cảm xúc, bạn quyết định được làm thế nào để lên kế hoạch nhằm hỗ trợ trẻ.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng mỗi trẻ là duy nhất và khác biệt, nên việc tham khảo thông tin từ các nguồn là cần thiết, nhưng bạn nên xây dựng những kế hoạch và lịch trình phù hợp với con mình.
Bạn có thể xem xét những thông tin sau đây:
- Lập những kế hoạch có ý nghĩa : trong các tương tác hàng ngày giữa bạn và trẻ, bạn có thể lập kế hoạch một cách có chủ đích các hoạt động cho phép bạn đánh giá cách trẻ phát triển và hoàn thiện các kỹ năng vận động của mình. Ví dụ: bạn quan sách cách trẻ di chuyển trong khi chơi tự do, cách chúng làm theo chỉ dẫn khi bạn hướng dẫn chúng thực hiện các hoạt động, hoặc cách chúng thao tác đồ vật trong tay khi bạn chơi với chúng. Bạn nên sử dụng các thông tin có giá trị này để lập kế hoạch cho các hoạt động có thể thúc đẩy hơn nữa kỹ năng của trẻ hoặc điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập cụ thể của từng trẻ.
- Hãy nhanh nhạy với nhu cầu của từng trẻ riêng biệt : khi bạn tham gia và các quan sát đã kể trên, hãy nhớ rằng mỗi trẻ là khác nhau và đôi khi trẻ không đạt được các mốc như mong đợi. Nếu bạn không chắc chắn về sự phát triển của con, hãy trao đổi với giáo viên của con để biết thêm thông tin. Nếu bạn thấy lo lắng, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn cách giúp đỡ trẻ hiệu quả nhất.
Cố gắng hiểu trẻ, thiết lập kế hoạch có ý nghĩa trong tương tác hàng ngày với trẻ sẽ giúp con hoàn thiện tốt các kỹ năng ở độ tuổi của mình. Ảnh Internet
Đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non là tổng hợp những sự thay đổi về thể chất, kỹ năng và cả tâm lý. Ở độ tuổi này, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ ương bướng vì một lý do mà ta nghĩ là không đáng kể. Tuy nhiên, do đây là một phần của quá trình phát triển, trẻ đôi khi thể hiện như vậy vì chúng chưa hiểu được cảm xúc của bản thân. Và việc của người lớn chúng ta là hãy quan sát trẻ và kiên nhẫn đồng hành cùng con để giúp con đối phó với sự thay đổi một cách tích cực nhất.
Theo Whitby School, Parent Toolkit & Virtual Lab School