Đau đầu ở trẻ em là một tình trạng bệnh lý thường gặp, chiếm đến 90% trẻ em ở tuổi học đường. Thế nhưng, không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ về bệnh này.
Không ai nghĩ rằng trẻ em lại bị đau nhức đầu, thế nhưng thực tế cho thấy nhức đầu rất phổ biến ở trẻ em. Có khoảng 20% trẻ em từ 5–17 tuổi bị đau đầu mỗi năm. Chính vì vậy, nếu bé nói với bố mẹ rằng trẻ bị đau đầu, bạn đừng quá lơ là nhé.
Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em
Một số lý do khiến trẻ bị đau đầu gồm:
- Căng thẳng
- Khóc quá nhiều
- Bé bỏ bữa, ăn uống không ngon
- Mất nước (thường gây nhức đầu ở trẻ em và người lớn)
Để xác định được nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em thì bạn cần hiểu về những loại đau nhức đầu thường gặp.
Các loại đau đầu ở trẻ em thường gặp
Có hai loại nhức đầu: chứng đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Thông tin cụ thể của 2 chứng đau đầu ở trẻ nhỏ này bao gồm:
Đau đầu nguyên phát
Đau căng đầu và đau nửa đầu là hai dạng đau đầu nguyên phát phổ biến nhất. Đau đầu vùng trán thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và chỉ kéo dài trong vài phút. Cơn đau nhức thường được mô tả như một cảm giác bị xiết chặt ở hai bên đầu, thỉnh thoảng xuất hiện ở trán, phía sau đầu và cổ hoặc cả hai khu vực này.
Có khoảng 10% các bé ở độ tuổi thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu. Những cơn nhức đầu thường bắt đầu đột ngột, theo kiểu mạch đập và thường nhức đầu ở một bên. Một số bé có thể cảm thấy đau cả hai bên. Sự tiến triển của cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, đôi khi cả ngày. Buồn nôn, nôn thường kết hợp với cơn nhức đầu.
Đau đầu thứ phát
Một số tình trạng khiến trẻ bị đau đầu thứ phát :
- Chấn thương ở cổ
- Các vấn đề về xoang, mắt, răng, tai hoặc các bộ phận khác
- Bị trầm cảm nhẹ hoặc nghiêm trọng
- Nhiễm trùng.
Đôi khi, trẻ bị đau đầu có thể là dấu hiệu của khối u. Do đó, bạn nên chú ý nếu bé nói với bạn bé bị nhức đầu nhé.
Đau đầu từng cụm
Đau nhức đầu từng cụm thường xuất hiện ở những bé từ 10 tuổi trở lên. Những cơn nhức đầu thường bắt đầu ở một bên, xuất hiện đột ngột, cường độ mạnh, trước tiên ở trong và xung quanh mắt rồi lan ra nửa cổ, nửa mặt, nửa đầu. Các cơn đau thường kéo dài khoảng một tuần hoặc một tháng. Nếu bé bị đau, bạn sẽ thấy phía bên đau của bé bị tắc mũi, đỏ mặt, co đồng tử, sụp mí mắt, lồi mắt và các triệu chứng khác.
Các biện pháp điều trị cho trẻ bị đau đầu tại nhà
Một số biện pháp trị đau đầu ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Thuốc giảm đau ibuprofen hoặc acetaminophen thường được dùng để dùng để điều trị đau đầu cho trẻ em. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé dùng aspirin. Cách tốt nhất là bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng thuốc.
- Để điều trị chứng đau nửa đầu, bác sĩ kê cho bé uống Antofan, một loại thuốc an toàn và hiệu quả cho các bé. Loại thuốc này sẽ giúp giảm đau, kiểm soát các triệu chứng nôn, buồn nôn.
Đôi khi, dùng thuốc không đúng cũng gây ra đau đầu cho trẻ. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào nhé.
Một số loại thảo mộc tự nhiên giúp giảm đau đầu ở trẻ nhỏ:
- Cúc thơm có tác dụng điều trị và phòng ngừa đau nửa đầu
- Cho bé hít dầu oải hương hoặc dầu bạch đàn cũng giúp giảm đau đầu
- Đinh hương cũng có tính chất giảm đau. Thêm đinh hương vào thức ăn của bé hoặc cho bé nhai sống
- Quế có tác dụng giảm căng thẳng. Bố mẹ có thể thêm một nhúm quế vào ly sữa ấm để giúp bé cảm thấy bớt đau
- Dầu bạc hà có tác dụng xoa dịu các dây thần kinh, giúp giảm triệu chứng đau căng đầu. Lấy một hoặc hai muỗng dầu bạc hà trộn với hạnh nhân, xoa hai bên thái dương để điều trị
Những biện pháp này không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nếu bạn không an tâm, hãy đưa bé đến khám bác sĩ để có những phương pháp điều trị thích hợp.
Khi nào nên lo lắng?
Đau đầu ở trẻ em thường là do chứng đau nửa đầu, căng thẳng và mất nước. Tuy nhiên, nếu bé có các triệu chứng sau thì bạn nên quan tâm:
- Mất ý thức
- Đau dai dẳng
- Càng ngày càng đau dữ dội hơn
- Xảy ra thường xuyên trong tháng
- Bé thường đau khi tỉnh dậy và cơn đau không biến mất dù bé đã ngủ đủ giấc
- Đau đầu đi kèm với các triệu chứng như sốt, đau cổ, buồn nôn, giảm thị lực…
Nếu bé có các dấu hiệu trên, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị ngay nhé.
Các triệu chứng đau đầu ở trẻ em
Mỗi loại nhức đầu sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng này chủ yếu khác nhau về cường độ của cơn đau, thời gian và những ảnh hưởng của nó đến các hoạt động hằng ngày của bé. Ví dụ, chứng đau nửa đầu thường đi kèm với:
- Thị lực giảm
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn và ói mửa
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Các triệu chứng của chứng đau căng đầu:
- Cơn đau có mức độ nhẹ đến vừa và âm ỉ
- Đau nhức thường xảy ở hai bên đầu
- Thói quen ngủ của bé thay đổi
- Đau ở vai và cổ.
Những triệu chứng ở trẻ dưới đây cho thấy đau đầu là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng:
- Thường xuyên bị đau đầu
- Đột ngột đau dữ dội
- Đau đầu khi thức dậy
- Đau dữ dội hơn khi bé ho, hắt hơi hoặc di chuyển đầu
- Nhức đầu âm ỉ, mức độ từ nhẹ đến nặng
- Buồn nôn hoặc nôn mỗi khi đau đầu
- Thị lực giảm
- Thay đổi tính cách
- Chân trở nên yếu đi, gặp khó khăn khi di chuyển
- Động kinh.
Phòng ngừa đau đầu ở trẻ em như thế nào?
Bạn có thể giúp bé phòng ngừa trẻ bị đau đầu bằng những biện pháp dưới đây:
- Không cho bé tiếp xúc với tiếng nhạc quá lớn hoặc đèn quá sáng và tránh căng thẳng quá mức.
- Ngủ đủ giấc, thiếu ngủ thường là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em.
- Nếu bé bị đau nửa đầu, hãy giữ cho môi trường xung quanh càng yên tĩnh càng tốt.
- Sợ hãi và lo lắng thường gây ra nhức đầu. Do đó, hãy cho bé tập một vài bài tập thở hoặc ngồi thiền để giảm căng thẳng.
- Cho bé ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây tươi, rau xanh, tránh những món ăn có quá nhiều dầu mỡ.
- Cho bé uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng đau đầu do mất nước.