Trong bài viết “Cách dạy con "thương cho roi, cho vọt…” của tác giả Trương Khắc Trà đã đưa ra một vài ví dụ về cách dạy con của những gia đình theo cách nghiêm trị, làm gương cho trẻ không tái phạm.
Nhằm tiếp tục đưa ra những ý kiến với mong muốn các bậc phụ huynh lựa chọn được cách dạy con tốt nhất, thầy Trần Trí Dũng có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Dạy con thế nào cho đúng? Câu trả lời tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không biết cách hoặc áp dụng quá khiên cưỡng dễ dẫn những hệ lụy gây ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con cái sau này.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/10/2016 có đăng bài viết "Cách dạy con" thương cho roi, cho vọt..." của độc giả Trương Khắc Trà, trong đó nội dung đề cập cách dạy con mang tính kỷ luật của một gia đình, mà theo nghĩa bóng có thể hiểu là "cho roi cho vọt...".
Vì thế ở đây tôi cũng xin trao đổi thêm về những cách dạy con trong xã hội ta hiện nay được xét trong mối quan hệ giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.
Các cụ nhà ta thường bảo "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" vì thế dạy con như thế nào cho đúng và hợp lý là tùy thuộc vào nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.
Ở đây khó có thể đưa ra một mẫu hình hoàn chỉnh mà chỉ có thể đưa ra những trao đổi để cùng tham khảo sao cho việc dạy con mang lại những hiệu quả tích cực.
Theo đó, việc dạy con được thực hiện theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào từng độ tuổi của con cái mà chúng ta có cách dạy phù hợp.
Một trong những yếu tố dường như có tính quyết định cho hiệu quả trong cách dạy con là nắm bắt tâm lý của con theo từng giai đoạn tuổi.
|
Có nên dạy con thành đứa trẻ vâng lời? (Ảnh: baolongan.vn). |
Ở đây, nếu bố mẹ quá khô cứng hoặc khiên cưỡng trong cách dạy con đều có thể kéo theo những hệ lụy, khiến cho con cái không phát triển được toàn diện về thể chất cũng như tinh thần.
Khi con ở độ tuổi Mầm non, mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn này là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, để chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Theo đó, nội dung giáo dục trẻ ở độ tuổi này phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông, bà, cha, mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết và thích đi học.
Ở độ tuổi đó, bố mẹ cần quan tâm con cái nhiều hơn như là chăm sóc những cây non.
Nắm bắt tâm lý trẻ để xem trẻ thích gì và không thích gì về nhu cầu vật chất cũng như tinh thần để đáp ứng mà không sa vào việc quá chiều chuộng trẻ. Kể cho trẻ một câu chuyện phù hợp với độ tuổi, dạy một bài hát hay để làm phong phú tâm hồn của trẻ là rất cần thiết.
Đặc biệt, ở độ tuổi này không nên mắng trẻ với âm lượng lớn hay dùng roi vọt để không ảnh hưởng đến tâm lí phát triển và thể chất của trẻ.
Rèn cho trẻ những thói quen về sự tự giác, biết sắp xếp những đồ chơi và đồ dùng cá nhân khác một cách ngăn nắp, sự đúng giờ cũng rất cần thiết cho trẻ ở độ tuổi này.
Khi con ở độ tuổi Tiểu học, mục tiêu của giáo dục nói chung trong giai đoạn này là nhằm giúp trẻ hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để trẻ tiếp tục học các lớp cao hơn.
Phương pháp dạy trẻ trong giai đoạn này là cần có sự kết hợp giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình để bảo đảm cho trẻ có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật.
Ở độ tuổi này được xem là sự hình thành gốc con người.
Tuy không cần quan tâm nhiều như ở độ tuổi Mầm non nhưng cha mẹ rất cần quan tâm đến những sở thích và mong muốn của con, rèn cho con ý thức tự giác, tính độc lập.
Trong việc dạy con, bố mẹ nên thường xuyên học cùng con, không nên giao cho con những bài tập quá nặng dễ gây ảnh hưởng về thể chất và tâm lý của trẻ, đặc biệt, tạo môi trường sống cho con thật tự nhiên, cũng là rất quan trọng đối với con cái ở độ tuổi này.
Đặc biệt bố mẹ cần làm gương, nghiêm túc trong cách sống là rất cần thiết đối với con trẻ trong giai đoạn đó.
Thái độ cư xử của người lớn sẽ là một liều thuốc tác động tích cực đối với quá trình hình thành nhân cách của con trẻ khi đó, có một vấn đề cần lưu ý, việc học thêm là không cần thiết đối với con trẻ ở độ tuổi này.
Khi con ở độ tuổi Trung học Cơ sở, đây là độ tuổi nhạy cảm nhất trong cuộc đời của con người, có ý nghĩa quyết định hình thành nhân cách, phát triển thể chất, hình thành nhận thức của con cái.
Giáo dục nhà trường trong giai đoạn này là nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục Tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Theo đó, giáo dục nhà trường trong giai đoạn này nhằm củng cố, phát triển những nội dung đã học ở Tiểu học, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về Tiếng Việt, Toán, Lịch sử dân tộc; kiến thức khác về Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp.
Vì thế, đây là giai đoạn con cái đã bắt đầu hình thành tư tưởng sống.
Do đó, bố mẹ ở giai đoạn này cần củng cố những kỹ năng sống và vốn sống cho con; đặc biệt, hiểu con, biết con mong muốn gì.
Ở độ tuổi đó diễn biến tâm sinh lý của con thay đổi từng ngày, nếu không có sự quan tâm đúng mức dễ dẫn đến con cái lệch lạc về tư tưởng sống. Đặc biệt, thời điểm cuối của giai đoạn là thời điểm dậy thì và bắt đầu hình thành quan niệm về giới của con cái nên bố mẹ cần lưu ý.
Khi đó bố mẹ cần nói cho con hiểu, nhất là con gái về những biến đổi cơ thể để con không hoang mang.
Trong giai đoạn này, nhu cầu về giáo dục giới tính được đặt ra đối với con cái; nhân nói về giáo dục giới tính, tôi xin được kể một câu chuyện về cách dạy con của anh Tiến, một người hàng xóm của gia đình tôi.
Anh Tiến năm nay đã vào độ tuổi lục tuần, một điều đáng buồn là vợ anh đã mất từ lâu nên anh phải một mình nuôi cậu con trai khôn lớn.
Trong cách dạy con, anh thường làm bạn với con.
Khi bạn của con tới chơi là anh cũng ngồi cùng với chúng nó để xem lớp trẻ hiện nay nghĩ gì và hành xử như thế nào để từ đó anh có phương pháp giáo dục thích hợp.
Vừa làm bố và vừa làm mẹ nên anh cũng vất vả lắm, một lần, khi con đã vào độ tuổi dậy thì, anh đã cùng con trai đến thuê phòng ở một khách sạn.
Tới đó, anh liền thuê một cô gái bán dâm mà ngôn ngữ hiện thời thường gọi là "cave". Sau đó, anh yêu cầu cô gái này cởi bỏ hết quần áo, khi dó anh dẫn con trai lại gần và chỉ vào tất cả những bộ phận nhạy cảm của cô gái mà giải thích cho con những bộ phận đó dùng để làm gì, có chức năng gì.
Việc đó đã khiến cho cô "cave" phải thốt nên rằng: "từ khi em làm công việc này, em chưa thấy có một ông khách nào như anh".
Do hành nghề bán dâm đã lâu nên cô gái đã bị mắc bệnh xã hội. Vì thế anh Tiến đã mách cho cô gái cách chữa bệnh, do trong thời gian ở quân ngũ anh đã học được cách chữa bệnh bằng thuốc Nam.
Cô gái khỏi bệnh và sau đó đã đi làm công nhân tại một đồn điền cao su ở miền trong.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về cách dạy con của anh Tiến? Tôi nghĩ rằng đó là một cách dạy con theo giáo dục giới tính khá táo bạo và độc đáo mà không phải ông bố nào cũng làm được như thế.
Tất nhiên cách dạy này cũng không nên phổ biến vì những hệ lụy xã hội của nó.
Giáo dục giới tính hiện nay đang được xem là rất cần thiết đối với lứa tuổi học đường, tình trạng quan hệ tình dục quá sớm và mang thai ngoài ý muốn của những đối tượng là học sinh nhiều khi đã ở mức báo động.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh hiện nay mới chỉ dừng ở mức nhỏ hẹp khi có đề cập ở trong môn Sinh học và Giáo dục công dân mà chưa thành hệ thống; vì thế, các bố mẹ nên mua những sách tham khảo để bổ sung thêm cho con ở độ tuổi này, đó là điều rất cần thiết.
Khi con ở độ tuổi Trung học Phổ thông, giáo dục nhà trường trong giai đoạn này là nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục Trung học Cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Theo đó, phương pháp giáo dục nhà trường phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Ở độ tuổi đó, con cái đang ổn định dần về tư tưởng, nhận thức cũng đã được định hình vì thế bố mẹ nên giúp con hoàn thiện về nhân cách, tránh những thói hư tật xấu, bởi lẽ những thói quen không tốt nếu không được sửa ngay sẽ theo suốt cuộc đời con sau này, và có thể để lại những hệ lụy không hề nhỏ.
Cùng với giáo dục của nhà trường, bố mẹ cần định hướng thêm về tư tưởng cho con, đặc biệt là hướng nghề, chọn nghiệp; mua cho con những sách báo cần thiết để con có thêm thông tin và hoàn thiện nhận thức.
Khi con mắc lỗi, không nên dùng những lời quá nặng đối với con vì dễ làm con bị tổn thương, chạm lòng tự trọng và sinh ra tự ái tiêu cực.
Dạy con cùng với cách nuôi dưỡng tâm hồn, phát huy trí tuệ để con mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống sẽ quyết định phần nhiều đối với sự trưởng thành của con cái, đòi hỏi bố mẹ phải tinh ý và nắm được tâm lý phát triển của con.
Chăm lo con về sức khoẻ, thể chất và biết con mong muốn gì từ đó sẽ quyết định thành công trong việc nuôi dạy con cái.
Hy vọng rằng, với những quan điểm mang tính tham khảo trên đây, các bố mẹ sẽ có những giải pháp thích hợp trong việc nuôi dạy con mình.