Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển thể chất, khả năng đề kháng miễn dịch cũng như sức khỏe con người. Mỗi giai đoạn khác nhau của đời người, đều có những yêu cầu khác nhau về dinh dưỡng; do đó dinh dưỡng chuyên biệt là vô cùng cần thiết.
Con người từ khi mới là bào thai, sinh ra, trưởng thành và đến khi già trải qua nhiều giai đoạn như: bào thai trong bụng mẹ, giai đoạn dưới 2 tuổi, trẻ trước tuổi học đường, học sinh tiểu học, rồi đến trẻ vị thành niên và thành niên, đến trưởng thành và về già.
Một trong những giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và sức khỏe cũng như về tương lai của mỗi con người phụ thuộc vào giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ, giai đoạn trẻ vị thành niên và thành niên. Chế độ dinh dưỡng phù hợp và chuyên biệt sẽ tạo nên nền tảng vững chắc trong những năm đầu đời, giúp trẻ đạt đến tầm vóc và trí tuệ tối đa trong tương lai.
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, dinh dưỡng của mỗi người tùy theo tuổi, giới, tình trạng sinh lý, mức độ hoạt động thể lực. Ứng với mỗi một giai đoạn trong chu kỳ vòng cần một chế độ chuyên biệt, phù hợp với từng cá thể.
Trẻ em phát triển theo từng cột mốc
Cùng với thời gian, trẻ em không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn lớn lên theo từng cột mốc của sự phát triển. Cột mốc phát triển là những hoạt động, các kỹ năng về thể chất, tinh thần và giao tiếp trong suốt quá trình lớn lên của trẻ. Bên cạnh các chỉ số về chiều cao và cân nặng, thì các hoạt động và kỹ năng sẽ là cơ sở để đánh giá sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ tại một thời điểm nhất định.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: dinh dưỡng, di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố dinh dưỡng quyết định đến 32%, đây là yếu tố quan trọng nhất để có các giải pháp can thiệp và đem lại hiệu quả cao.
Vòng lặp suy dinh dưỡng trẻ em
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) khi còn nhỏ đặc biệt trong 2 năm đầu đời sẽ có nguy cơ cao trở thành những trẻ tuổi vị thành niên bị còi cọc (nhẹ cân và thấp còi); những nữ vị thành niên bị SDD không có khả năng đuổi kịp tốc độ phát triển so với các bạn cùng trang lứa mà không bị SDD. Những nữ vị thành niên này có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả khi mang thai sẽ sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (cân nặng sơ sinh < 2.500g). Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp lại có nguy cơ bị SDD cao hơn, đó là vòng xoắn luẩn quẩn của SDD.
Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng cân đối theo nhu cầu lứa tuổi và lối sống lành mạnh cần phải thực hiện sớm, khi trẻ ở giai đoạn vị thành niên và thành niên; để có một vòng đời mới “thế hệ trẻ mới sinh ra” thoát khỏi vòng xoắn của SDD một cách bền vững.
Sự phát triển của cơ thể trẻ em kể cả phát triển của bào thai có liên quan chặt chẽ tới tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ và giai đoạn trước khi bà mẹ có thai. Vì vậy, chăm sóc bà mẹ giai đoạn trước khi mang thai và 3 tháng thai đầu là điều kiện tiên quyết, quyết định sự phát triển chiều cao, cân nặng sơ sinh của trẻ.
Dinh dưỡng không đầy đủ bắt đầu từ trong bào thai, sẽ ảnh hưởng suốt cả cuộc đời, đặc biệt các trẻ gái và phụ nữ. Tác động của nó không chỉ là cuộc đời của một người, tức là bản thân người phụ nữ đó, mà còn liên quan tới cả thế hệ mai sau.
Dinh dưỡng bà mẹ khi mang thai
Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Thai nhi cảm nhận, giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua người mẹ. Vì vậy, khẩu phần ăn của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Những người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và được bổ sung đủ các vi chất dinh dưỡng sẽ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh. Dinh dưỡng không đầy đủ trong giai đoạn mang thai sẽ làm trẻ chậm lớn và tuổi dậy thì cũng muộn hơn so với trẻ đã đầy đủ dinh dưỡng. Người mẹ trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của thai, cơ thể mẹ tăng tích lũy mỡ là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh con. Nếu người mẹ được ăn uống tốt, đầy đủ các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng sẽ tăng cân tốt (10-12kg) và thai nhi phát triển tốt.
Nhu cầu về dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai như sau:
Nhu cầu về năng lượng: Để đạt mức tăng cân từ 10 -12kg vào cuối thai kỳ, các bà mẹ cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500Kcal/ngày (tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2.260Kcal/ngày đối với người lao động nhẹ và 2.550 Kcal/ngày đối với người lao động trung bình.
Nhu cầu về chất đạm: Chất đạm cho phụ nữ mang thai trong thời kỳ 3 tháng cuối phải đạt tới 70g ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số ≥ 30%. Số lượng protein có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20 gam protein, 100g đậu phụ cung cấp 10g protein.
Nhu cầu về lipid: Chất béo cần cung cấp 20%-30% năng lượng khẩu phần, nên dùng các chất béo không no có nhiều nối đôi có nhiều trong rau xanh, một số dầu ăn (dầu cá, ô liu,..), một số loại cá mỡ. Nhu cầu lipid của bà mẹ mang thai cũng tăng theo tháng tuổi của thai nhi từ 50 - 70 gam/ngày, tỉ lệ lipid động vật/lipid tổng số là 60%.
Sắt và acid folic rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/ axít folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng.
Dinh dưỡng trẻ vị thành niên và thành niên
Can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ tuổi vị thành niên và thành niên hết sức quan trọng, giai đoạn này trẻ phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục... Cân nặng trung bình tăng từ 3-5kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7cm/năm với trẻ vị thành niên, trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Do đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi nhu cầu rất cao để đáp ứng cho tốc độ phát triển cũng như hoạt động. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị cho lứa tuổi này, trước hết là nhu cầu về năng lượng cần đạt từ 2.100-2.200Kcalo/ngày/nữ và 2.100-2.900Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu trên, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.
Khoáng chất không thể thiếu với bà mẹ mang thai và trẻ vị thành niên là sắt: Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển oxy, co
2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sắt của trẻ vị thành niên đáp ứng được thông qua chế độ ăn giàu sắt có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Cho nên, ngay từ tuổi vị thành niên cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12-18mg/ngày, trẻ gái cần 20mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như: thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà...
Thực hiện chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho từng đối tượng là yếu tố quyết định để trẻ phát triển mức tối ưu khi trưởng thành cả về chiều cao, cân nặng, sức khỏe, trí tuệ. Trẻ vị thành niên có sức khỏe tốt là nguồn nhân lực tốt, có chất lượng cao trong lao động, sản xuất; sẽ tạo ra của cải, vật chất hữu ích cho gia đình và xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.