Viêm VA, Amidan là bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất ở trẻ em với tỉ lệ mắc lên tới 24%. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết… ở trẻ.
Trẻ dễ mắc viêm VA, viêm amidan ở độ tuổi nào?
VA còn có tên gọi khác là Amidan vòm là một khối bạch huyết nằm ở vòm họng, phía trên lưỡi gà và sau mũi. VA, amidan có nhiệm vụ nhận diện virus vi khuẩn, tạo kháng thể và tiêu diệt virus vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập thông qua đường mũi họng. Cũng bởi thường xuyên tiếp xúc với virus, vi khuẩn nên VA rất dễ bị chúng tấn công dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm.
Các khối amidan phát triển nhanh khi trẻ 1-2 tuổi, hoàn thiện đầy đủ khi trẻ 3-7 tuổi sau đó teo dần. Khi trẻ 15 tuổi, VA gần như tiêu biến hoàn toàn. Chính vì vậy, tình trạng viêm VA, amidan thường chỉ xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 1 – 7 tuổi. Đây là bệnh dễ mắc và có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách.
Trẻ từ 1 - 7 tuổi là thời điểm dễ mắc viêm VA, viêm amidan cao nhất
Tại sao trẻ lại dễ mắc viêm VA, amidan?
Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi từ 1 - 7 tuổi rất dễ bị viêm VA, amidan do trẻ bắt đầu đi học, rời xa vòng tay gia đình. Tại môi trường ở lớp, virus và các vi khuẩn gây viêm amidan dễ dàng xâm nhập và lây lan từ bạn bè, xung quanh.
Ngoài ra, trẻ trong giai đoạn này có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây viêm VA, amidan. Đây cũng được xem là giai đoạn miễn dịch của trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như: ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, không gian ẩm mốc, bụi bẩn, thay đổi thời tiết… Một số trẻ có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ có cơ địa dị ứng, trẻ bị viêm nhiễm vùng họng, vệ sinh răng miệng kém… cũng là những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc viêm VA, amidan.
Ở độ tuổi 1 – 7 tuổi cũng là giai đoạn hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển toàn diện, hơn nữa, khi gặp các vấn đề về sức khỏe, trẻ thường có xu hướng thở bằng miệng nên bụi bẩn và các virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài dễ dàng tấn công ồ ạt khiến VA, amidan bị viêm nhiễm. Ngoài ra, do đường thở của trẻ hẹp và ngắn nên trẻ thường phải hít mạnh và thở nhanh hơn so với người lớn. Điều này càng khiến trẻ hít nhiều không khí hơn, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus, vi khuẩn gây bệnh.