Sở thích không chỉ là sự quan tâm với niềm vui thích đối với một lĩnh vực hay hoạt động nào, mà nó còn đem đến cho đứa trẻ nhiều giá trị cần thiết cho bước đường hội nhập xã hội sau này.
Sở thích là yếu tố đánh giá khả năng
Sở thích không hẳn chỉ là những thứ hay những điều mà mình ưa thích mà nó còn là một yếu tố để đánh giá khả năng phát triển hay năng lực của một đứa trẻ. Sở thích cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành công trong các hoạt động của mình.
Một nhà giáo dục Nhật Bản đã phát biểu: "Thiên tài chính là sự say mê một cách kiên trì với lòng ham thích" ông cũng nói: "Cách tạo ra một người tầm thường vô cùng đơn giản, đó là đừng để cho trẻ ưa thích một điều gì cả, chỉ cần thế thôi cũng đủ rồi !" Như vậy, chúng ta thấy chính sở thích được biểu lộ qua các trò chơi với những món đồ chơi, tuy không phải là một dự báo chính xác về thiên hướng nghề nghiệp sau này, nhưng nó lại là tiền đề cho một quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng của một đứa trẻ.
Nói cách khác là những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, chúng ta phải tìm kiếm và khơi gợi ở đứa trẻ lòng ham thích, trẻ có thể thích món này, thích món kia và dần dần sẽ tiến đến việc ưa thích vận động chơi đùa và tham gia những hoạt động trong gia đình, từ đó sẽ phát triển thành sự ham thích tìm hiểu, học tập. Ở đây, điều thúc đẩy và hình thành lòng ham thích của trẻ không gì khác hơn chính là sự ham thích của cha mẹ. Chính tấm gương qua sự bầy tỏ sự ham thích của người lớn, của các bậc cha mẹ là một yếu tố quan trọng hình thành sở thích nơi đứa trẻ. Như vậy, ngoài các yếu tố bẩm sinh thì sở thích cũng có thể được hình thành và phát triển qua sự bắt chước, qua việc tạo dựng cho trẻ những môi trường và điều kiện thích hợp và nhất là để cho trẻ có thể chọn lựa một cách tuỳ ý.
Sở thích sẽ đem đến hạnh phúc
Sở thích là bước đầu cho sự say mê, có thể trẻ thích nhiều thứ bởi vì hầu như tất cả đều mới mẻ với sự khám phá dần dần của trẻ. Nhưng qua sự sàng lọc, chỉ còn lại một vài hoạt động gây cho trẻ sự hứng thú thật sự, và dần dà phát triển lên thành mối đam mê, nhờ đó trẻ đạt được những kết quả khả quan nhất trong việc tập luyện cho mình những kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu do sở thích đem lại, cho dù có phải vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy biết bao nhiều người nhờ có sự hứng thú đặc biệt với một vật dụng hay một kỹ năng nào đó để dần dà hình thành những bộ sưu tập, đôi khi rất có giá trị và đem lại cho người sở hữu chúng những lợi ích từ tinh thần đến vật chất.
Có thể nói, sở thích hay sự ham thích là người thày tốt nhất để đào tạo một con người, đi từ chỗ không biết cho đến chỗ thành thục, đi từ những điều tầm thường đến sự tinh xảo. Không những thế, sở thích cũng là một sự dẫn dắt có hiệu quả nhất trong sự hình thành một nghề nghiệp trong tương lai. Một đứa bé ham mê cây cỏ có thể trở thành một nhà khoa học về thực vật học, nhưng cũng có thể trở thành một người trồng hoa, ươm giống cây hay trồng cây cảnh và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mình ưa thích. Một trẻ ham mê nấu ăn có thể trở thành một nhà buôn bán thực phẩm nhưng cũng có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Chúng ta đã biết có nhiều thanh niên chấp nhận bỏ ngang việc học ở các đại học danh tiếng, trong những ngành học đầy tương lai để đi theo tiếng gọi của lòng say mê và đã đạt được những kết quả trong các công việc mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu cũng mong muốn. Nhưng, nếu chỉ với lòng say mê thì chưa đủ, mà còn phải có ý chí kiên định, phải có những kỹ năng vững vàng và cả sự may mắn nữa.
Nếu nói sở thích hay sự say mê có tính bẩm sinh và nhờ những tấm gương của bố mẹ, hay có những môi trường thuận lợi để phát triển thì phải chăng bất cứ trẻ nào cũng có thể thành công với sự khởi đầu là các sở thích? ngược lại, nếu trẻ chẳng có một sở thích gì,chẳng có sự say mê hứng thú với bất cứ điều gì, thì phải chăng đó sẽ là con người triền miên thất bại khi lớn lên? ... Chúng ta thấy, trừ trẻ có những rối nhiễu về tâm lý hay chậm phát triển thì trẻ nào cũng thích thú với trò chơi và đồ chơi, nhưng khi lớn hơn hầu hết vẫn là những học sinh bình thường, bởi vì từ sở thích muốn muốn nâng lên thành sự say mê thì không phải trẻ nào cũng đạt được và cũng chỉ có một tỷ lệ nào đó thành công với sự say mê duy trì được từ thủa còn thơ. Thậm chí ngay cả với những trẻ có những sự ham thích và say mê rõ rệt về một lĩnh vực nào đó, thì cũng đâu phải ai cũng có thể bước vào môi trường mà mình ưa thích mà có khi chính vì sự say mê không được đáp ứng đó, sẽ khiến cho trẻ trở thành một người bất đắc chí, luôn có sự chán nản với công việc và hoàn cảnh sống hiện tại của mình và không những không thể thành công, mà còn gặp phải những thất bại có thể "sờ thấy được" cho dù cũng có một sự say mê.
Như vậy, chúng ta thấy sở thích là bước đầu cho sự say mê, sự say mê là bước đầu cho khuynh hướng nghề nghiệp và những bước tiếp theo là phải có sự góp sức của những yếu tố và năng lực khác. Nhưng nếu không có sở thích và sự say mê, thì đứa trẻ tuy cũng có thể đạt được những thành công khi có được những yếu tố khác, có khi chỉ nhờ may mắn hay " gia đình có điều kiện!" Nhưng chắc chắn rằng đối với con người, nếu đạt được sự thành công trong cuộc sống nhờ vào yếu tố say mê, đó mới là niềm vui lớn nhất. Hay nói rõ hơn, nếu chúng ta làm được công việc mà mình say mê và được sống trong môi trường mà mình ưa thích thì đó chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được cho dù họ có là kẻ thành đạt hay có địa vị trong xã hội.
CvTl Lê Khanh