Lời hứa của cha mẹ luôn được trẻ ghi nhớ và mong mỏi được thực hiện. Khi cha mẹ thất hứa, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và đau buồn.
Khi cha mẹ và người xung quanh nhất quán, luôn giữ lời mình đã hứa với trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy an toàn và thoải mái trong môi trường sống của mình. Điều này quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Phần lớn trẻ em học hỏi là nhờ vào việc “bắt chước”. Nếu cha mẹ luôn giữ lời hứa và trung thực thì trẻ cũng sẽ học được tầm quan trọng và giá trị của việc thực hiện một cam kết và dần định hình nhân cách trung thực, giữ lời đã hứa khi lớn lên.
Do vậy, để đảm bảo khả năng thực hiện lời hứa với trẻ, trước khi hứa điều gì đó, cha mẹ cần chắc chắn khả năng thực hiện và cố gắng giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ.
✔️Làm gì khi không thể giữ lời hứa với con?
Phần lớn trẻ em rất dễ xoa dịu và sớm vượt qua khỏi nỗi thất vọng gây ra do cha mẹ không giữ lời hứa với chúng nhưng cho dù vậy, việc thất hứa chỉ nên diễn ra khi gặp trường hợp bất khả kháng chứ không nên lặp đi lặp lại.
Gặp tình huống không thể thực hiện lời hứa với trẻ, cha mẹ nên trung thực và công khai xin lỗi trẻ đồng thời giải thích lý do tại sao cha mẹ không thể thực hiện lời hứa với chúng.
Nếu việc thất hứa thường xuyên diễn ra, tốt nhất cha mẹ nên xem lại cách thu xếp thời gian của mình và xem lại lời hứa với trẻ có được đưa ra trong lúc cao hứng và tùy tiện hay không.
✔️Không nên “hứa đại”, “hứa cho xong”
Một số phụ huynh “hứa đại” với con chỉ vì muốn được “yên thân” do chúng vòi vĩnh quá mức khiến cha mẹ mệt mỏi. Một số phụ huynh khác lại “hứa cho xong” để trẻ chấm dứt hành vi tiêu cực như khóc lóc, giận dữ, thất vọng, buồn rầu, ném đồ đạc, nản chí, thiếu kiên nhẫn... Lời hứa của cha mẹ lúc này được xem như “hành vi hối lộ” trẻ để trẻ chấm dứt hành vi tiêu cực. Điều này là cực kỳ nghiêm trọng, có thể phản tác dụng trong việc nuôi dạy trẻ vì khuyến khích chúng làm điều không tốt. Do vậy, cha mẹ không nên hứa để xoa dịu con trẻ khi chúng không ngoan.
Ngược lại, cha mẹ nên hứa và thực hiện lời hứa với trẻ khi chúng ngoan ngoãn, làm việc tốt, có thành tích tốt… Lời hứa lúc này là một phần thưởng cho trẻ, giúp trẻ nỗ lực hơn để dành được phần thưởng mà chúng mong đợi.
✔️Một số lưu ý khác cho cha mẹ:
• Khi không thể thực hiện lời hứa cũ, cố gắng giải thích với trẻ và đưa ra lời hứa mới (cần chắc chắn thực hiện).
• Không bào chữa khi không thực hiện lời hứa với trẻ mà hãy thẳng thắn thừa nhận.
• Nhớ lại cảm giác bạn đã thất vọng như thế nào (nhất là khi còn nhỏ) khi ai đó không thực hiện đúng lời hứa với mình.
• Rà soát lại việc thực hiện lời hứa của mình với con trẻ đồng thời cải thiện việc đưa ra và giữ lời hứa giữa các thành viên trong gia đình.