Giúp trẻ vượt qua cơn ác mộng
Không phải lúc nào bé yêu nhà bạn cũng có được giấc ngủ yên lành. Thỉnh thoảng, bé cũng bị nỗi sợ hãi xâm chiếm và biến chúng thành cơn ác mộng trong giấc ngủ. Phải làm gì để giúp bé yêu vượt qua đây?
Giải mã cơn ác mộng
Cũng như người lớn, bé nằm mơ khi ngủ. Giấc mơ đẹp và cả cơn ác mộng thường xuất hiện vào cuối giấc ngủ. Những cơn ác một đến khi bé ngủ không sâu. Khi đó não tái hiện lại hình ảnh nào đó bé đã có khái niệm hay nhìn thấy trong đời thực hoặc xem TV, sách báo, tranh ảnh nhưng đến với một hình dạng khác nguy hiểm hơn khiến bé cảm thấy sợ hãi.
Do trí tưởng tượng phong phú nên bé dễ “nhìn thấy” những mối nguy đe dọa, những con quái vật to lớn… Đa phần khi thức dậy, bé sẽ nhớ được chi tiết trong cơn mơ của mình.
Bên cạnh đó, ác mộng cũng là biểu hiện của chứng rối roạn tâm lý với những cảm giác mạnh, có hại cho tinh thần như: sợ hãi, căng thẳng, lo âu… Nếu bé thường xuyên gặp ác mộng trong giấc ngủ, đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh và cả bác sĩ tâm lý để bảo đảm bé được chẩn đoán và chữa trị sớm.
Những cơn ác mộng sẽ rất khủng khiếp với trẻ dưới 5 tuổi vì tinh thần của bé còn con nớt, bé ít phân biệt giữa thực và mơ
Nguyên nhân thường gặp
Có nhiều nguyên nhân khiến bé gặp ác mộng nhưng phổ biến nhất là do sai lầm trong các hoạt động thường ngày sau:
Bé xem TV hay phim ảnh quá nhiều trong ngày và đặc biệt xem những hình ảnh đáng sợ trước khi ngủ.
Bé chơi đùa quá mức tạo nên trạng thái quá hưng phấn cho thần kinh trước khi ngủ.
Ba mẹ hay dọa bé với những hình ảnh đáng sợ như: “ông Kẹ”, “ông Ba Bị” sẽ tới bắt nếu trẻ không ngoan.
Căn phòng của bé quá nhiều đồ đạc, gây nên cảm giác ngộp và những hình khối khác nhau trong bóng đêm. Phòng bé quá tối, có những chỗ “trú ẩn” cho “quái vật”. Hoặc cây cối ngoài cửa sổ phòng bé quá cao, um tùm tạo nên hình dáng xù xì, đáng sợ.
Bé nhìn thấy cảnh ba mẹ cãi nhau, thậm chí là cảnh bạo lực ngay trong nhà.
Giúp bé vượt qua cơn ác mộng
Không nên dùng những hình ảnh quái vật đáng sợ để hù dọa bé vì bất cứ mục đích gì.
Trước khi đi ngủ, mẹ cùng bé “xem xét” một vòng trong căn phòng để bé an tâm là mọi thứ đều an toàn.
Cho bé biết mẹ luôn bên cạnh bé, nếu bé cảm thấy sợ hãi, mẹ sẽ đến bất cứ lúc nào.
Trấn an bé bằng một thứ “bảo bối” nào đó như: chiếc gối có quyền năng bảo vệ, bạn gấu bông chống ma quái…
Nếu bé sợ bóng tối, một chiếc đèn ngủ với ánh sáng dìu dịu sẽ là giải pháp tốt. Mẹ cũng có thể đọc những câu chuyện cổ tích thần tiên hay cho bé nghe giai điệu nhẹ nhàng trước khi ngủ. Nếu cần, mẹ ở cạnh bé một lúc đến khi bé chìm vào giấc ngủ thì mới rời khỏi.
Đừng bao giờ la mắng hay cho rằng ác mộng của trẻ là vớ vẩn. Một mặt trẻ sẽ bị tổn thương vì bị “xem thường”, mặt khác, bé sẽ cảm thấy cô đơn vì mẹ không ủng hộ bé.
Khi trẻ bị ác mộng đánh thức, ôm bé vào lòng vỗ về và cho bé biết mẹ luôn bên cạnh, bé luôn được an toàn.
Khuyến khích trẻ nói về cơn ác mộng của mình và phân tích cho bé thấy nó không thật sự đáng sợ như bé tưởng tượng. Có thể “con ma” ấy chỉ là hình dáng của đồ vật nào đó hoặc “con ma” chỉ muốn chơi đùa với bé mà không có ý làm hại.
Cho trẻ một căn phòng xinh xắn cùng không khí ấm áp của gia đình. Bé sẽ thấy nhà là nơi thật an toàn, hạnh phúc và những cơn ác một hay nỗi sợ hãi vô cớ sẽ không còn ghé thăm bé yêu nữa.