Kính thưa quý vị phụ huynh!
Như các bố mẹ đã biết, các bé ở độ tuổi mầm non rất hiếu động, thích tò mò, khám phá, …vì thế, việc tạo cho trẻ một môi trường vui chơi an toàn là rất cần thiết. Với mong muốn các con luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối và phát triển toàn diện, hôm nay cô xin chia sẻ cùng các bậc phụ huynh một số cách phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi ở nhà. Cô hi vọng những chia sẻ này sẽ mang lại những điều bổ ích cho các bố mẹ trong quá trình chăm sóc các con.
Đầu tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu “Tai nạn thương tích là gì?”. Đó là những yếu tố nguy cơ xung quanh môi trường, cuộc sống có thể gây nên những tổn thương trên cơ thể người, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong hoặc di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Mặc dù có nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ đã và đang được thực hiện thế nhưng hằng năm số lượng trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm. Dù ở môi trường nào thì trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ gây tai nạn thương tích như: Đuối nước, bỏng nước sôi, hóc dị vật, bị diện giật, bị đứt tay khi chơi đồ dùng sắc nhọn…
Vì thế để hạn chế tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ thì trên hết vẫn là sự quan tâm, chăm sóc của các bố mẹ, Và để phụ huynh có kiến thức đầy đủ hơn trong việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi ở nhà xin mời các bố mẹ chúng ta sẽ tìm hiểu một số cách phòng tránh tai nạn thương tích sau đây:
Thứ 1: Phòng tránh tai nạn đuối nước: Qúy vị phụ huynh thân mến, như chúng ta đã biết hằng năm trên thế giới xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm mà hầu hết nạn nhân đều ở độ tuổi trẻ em, sở dĩ như vậy là do bản tính hiếu động , thích nghịch nước nhưng lại chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh vì thế để tránh tình trạng đuối nước xảy ra người lớn luôn chú ý giám sát trẻ, không để trẻ đi ra những nơi không đảm bảo an toàn như ao, hồ, kênh rạch, không để trẻ chơi cạnh những xô, chậu chứa nước. Không để trẻ vào nhà vệ sinh một mình. Các giếng nước, bể nước phải xây cao thành, các dụng cụ chứa nước như chum, vại, xô phải có nắp đậy chắc chắn.
Không cho trẻ chơi gần ao hồ hoặc dụng cụ đựng nước nếu không có sự giám sát của người lớn
Hướng dẫn trẻ một số kỹ năng đơn giản phòng tránh đuối nước.
Thứ 2: Phòng tránh dị vật đường thở: Dị vật đường thở là một loại hình tai nạn bất ngờ xảy ra, khó lường trước được và gây ra những tổn thương thực thể nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong, nó có thể xảy đến mọi lúc mọi nơi. Vì thế để đảm bảo an toàn cho trẻ phụ huynh không cho trẻ cầm các đồ chơi quá nhỏ có thể cho vào miệng, mũi. Khi cho trẻ ăn các quả có hạt cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn. Giáo dục trẻ khi ăn không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói chuyện, cười đuà. Không ép trẻ ăn, uống, khi trẻ đang khóc.
Không cho trẻ ngậm các đồ chơi nhỏ vào miệng
Khi ăn không nên cười đùa dễ bị hóc, sặc thức ăn
Thứ 3: Phòng tránh cháy, bỏng, ngộ độc: Trong thời gian nghỉ tránh dịch bênh Covid19 thì thời gian sinh hoạt và vui chơi của trẻ phần lớn là ở trong nhà. Vì thế mọi đồ dùng, dụng cụ trong nhà cần phải được sắp xếp cẩn thận và hợp lý để đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Để phòng tránh cahys, bỏng, ngộ độc phụ huynh cần chú ý một số điểm cơ bản sau: Không cho trẻ đến gần nồi đun bếp ga, bếp củi, nồi canh hoặc phích nước còn nóng. Không để trẻ nghịch diêm, bật lửa và các chất khác gây cháy bỏng. Để diêm, bật lửa, bàn là, nước nóng, nến, đèn dầu xa với tầm với của trẻ. Phụ huynh cần phải kiểm tra thức ăn trước khi cho trẻ ăn, uống. Tránh cho trẻ ăn thức ăn, uống nước khi còn quá nóng. Không cho trẻ chơi những chai, lọ đựng thuốc, đựng màu gây độc hại cho trẻ. Không được đựng thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc chuột, a-xít, vào chai nước khoáng, nước ngọt, lon bia, dầu ăn. Thuốc chữa bệnh phải để trên cao ngoài tầm với của trẻ.
Không cho trẻ chơi gần bếp ga, nhất là khi đang nấu.
Những chất tẩy rửa hoặc dug dịch hóa học, thuốc cần cất chỗ kin hoặc để cao so với tầm với của trẻ.
Thứ 4: Phòng tránh động vật cắn: Để đề phòng trẻ bị các con vật cắn phụ huynh không để trẻ chơi các bụi cậy rậm phòng tránh các con rắn, rết, ong cắn, và thường xuyên nhắc nhở trẻ phải đề phòng và không nên đến gần, trêu đùa những con chó hoặc mèo lạ, hoặc chó mèo của nhà hàng xóm.
Không để trẻ lại gần những con chó lạ
Thứ 5: Phòng ngừa điện giật và phòng tránh các vết thương do vật sắc nhọn: Phụ huynh thường xuyên kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch gần ổ điện. Hệ thống điện phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện phải để cao. Loại bỏ những vật sắc nhọn bằng kim loại, mảnh thủy tinh, gốm, sắt khỏi nơi vui chơi của trẻ. Những đồ dùng sắc nhọn nên cất ở những nơi cao trẻ không thể với tới, đặc biệt thường xuyên chú ý quan sát trẻ và giáo dục trẻ tránh xa những nơi nguy hiêm, những đồ vật dễ gây nguy hiểm mọi lúc mọi nơi.
Che kín ổ điện thấp, không cho trẻ nghịch gần ổ điện.
Không cho trẻ chơi vật sắc nhọn.
Thứ 6: Phòng tránh tai nạn giao thông, ngã.
Bố mẹ cần sát sao trẻ, không để trẻ tự ý ra đường chơi một mình hoặc ra đường chơi cùng các anh chỉ nhỏ tuổi mà không có sự giám sát của người lớn. Sân, nền nhà cần bằng phẳng và không bị trơn trượt. Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can.
Khi ra đường cần có người lớn đi cùng
Sàn nhà luôn khô ráo, tranh để trơn trượt
Các bố mẹ thân mến, vì độ tuổi các con đang còn nhỏ nên các con chưa thể ý thức được cách phòng tránh tai nạn thương tích vì thế để các con luôn an toàn, khỏe mạnh và phát triển toàn diện thì biện pháp tối ưu nhất vẫn là sự quan tâm, và đặc biệt chú ý của các bố mẹ, ngoài ra các bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện, dạy trẻ nhận biết những nơi không an toàn, dạy cho trẻ các kỹ năng trong vui chơi, sinh hoạt để đảm bảo an toàn cho bản thân. Giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi, trò chơi không an toàn để từ đó trẻ hiểu và có kỹ năng phòng tránh. Chúc các con và các bậc phụ huynh luôn mạnh khỏe, xin trân trọng cảm ơn!