Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, phần lớn trẻ bị bắt nạt có tính nhút nhát, không có kỹ năng kết giao bạn bè nên thường bị cô lập. Trang bị cho con kỹ năng hòa giải tích cực và giúp con tự tin, kết giao nhiều bạn là cách để thoát khỏi việc bị chèn ép ở trường.
Ảnh minh họa
Mở lối giúp con
Chị Kim Hoa ở phố Vũ Hữu Lợi (Hà Nội) ngạc nhiên khi con gái kể tên các bạn mà con muốn mời đến nhà dự sinh nhật. Bốn bạn kia con rất quý và hay hồ hởi kể chuyện với mẹ trong tâm trạng vui vẻ. Nhưng cậu bạn thứ năm thì khác. Cậu ta chính là “khắc tinh” của con ở trong lớp. Suốt năm học lớp 2 con kêu ca, khó chịu rất nhiều vì bạn này. Bạn hay trêu chọc làm phiền con, hết giật tóc lại huých khuỷu tay vào người và hất sách vở của con trên bàn xuống đất. Con càng thưa cô, mách tội thì bạn lại tìm cách khiến con khổ sở hơn… Con tức tối, bật khóc bao lần. Dù không phải là đứa trẻ hiền lành nhưng được mẹ dạy phải biết nhún nhường với các bạn nên con bé cứ cố gắng chịu đựng vì sợ va chạm với bạn, sợ bị cô giáo phạt… Những tình huống đó khiến bé Hà Anh rơi vào trạng thái lo âu, cáu kỉnh, giảm tập trung trong học tập.
Phân tích để cùng con tìm ra nguyên nhân khiến con bị
bạn bắt nạt thật khó khăn, cuối cùng chị Hoa chỉ biết khuyên con hãy cố gắng hòa đồng cùng các bạn trong lớp để mình không bị cô lập mà có thể tìm sự bênh vực từ bạn bè. Chị khuyên con cố gắng học tốt để có sự tự tin, các bạn không coi thường. Sự tự tin đó rất cần dù con học lớp nào. Khi nể phục mình, bạn bè sẽ có thái độ khác đi. Khi bị bạn bắt nạt, đừng đối đầu bằng thái độ thù ghét hay phản ứng khó chịu, điều đó càng khiến họ thích chọc tức mình hơn.
- Thế con và Trung Đức đã “đội trời chung” từ bao giờ vậy? - chị Hoa hỏi. Con nghe mẹ bảo nên đối xử tốt với bạn ấy, cố gắng phớt lờ không tức tối mỗi lần bạn ấy gây chuyện nữa. Giờ bạn ấy đã cư xử tốt hơn với con. Con muốn kết bạn với bạn ấy thực sự. Vì con nghĩ rằng chả ai lại đi đánh đập, trêu chọc, phá hoại một người bạn thực sự của mình cả…” - con gái chị vui vẻ trả lời.
Trẻ con cũng có thể tự xử lý mâu thuẫn của chúng nếu được bố mẹ lắng nghe, hướng dẫn đúng lúc, kịp thời. Chị Hoa kết luận sau khi chia sẻ câu chuyện con bị bắt nạt ở trường.
Hỗ trợ tích cực cho con
Sau vài lần tìm sự
giúp đỡ của cô giáo, Hoàng Minh lại bị nhóm bạn đối đầu trong lớp quây lại thách thức. Cứ mỗi lần đi qua bàn Minh, một trong số đó lại làm như vô tình tạo cớ va chạm hoặc giả vờ đùa nhau rồi xô đẩy làm Minh ngã dúi dụi, rồi tranh thủ đấm đạp thêm.
Thấy con có biểu hiện chán học, chị Bích Loan - Huyện ủy thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) thủ thỉ chuyện trò thì mới vỡ lẽ. Trao đổi với cô giáo để có biện pháp xử lý nhóm học sinh hay bắt nạt con trên lớp, chị Loan thêm ân hận, xót xa khi con bị bạn đánh chửi nhiều vì"mách lẻo".
Vài ngày liền đến sớm, đứng ở cổng trường con quan sát, chị Loan quyết định tiếp cận nhân vật thủ lĩnh nhóm học sinh kia. Nghe chị giới thiệu là mẹ của Hoàng Minh, cậu chàng chột dạ, nhìn chị đầy vẻ dò xét. Tìm một hàng giải khát gần trường, chị mời Cường - khắc tinh của con ly nước trái cây và nhẹ nhàng đặt vấn đề. Trong câu chuyện chị Loan không một lời phán xét hay chê trách, đe nẹt. Chỉ khen Cường mạnh mẽ nam tính, xông xáo, chững chạc và ngỏ ý nhờ Cường giúp đỡ bảo vệ Minh ở trường. Minh vốn ít nói, trầm tính, chỉ có ưu điểm tốt bụng, chăm học chứ vụng về, không biết kết giao bạn bè…
Sau đó, thỉnh thoảng chị lại nhờ con chuyển cho bạn “đầu gấu” món quà, khi thì “mẹ tớ gửi quà sinh nhật tặng cậu”, khi thì “mẹ tớ vừa đi nước ngoài về”… Thế mà giải pháp tình thế của chị Loan lại hiệu quả, chỉ sau hơn một tháng vấn đề “sợ đi học, đòi chuyển trường” của Hoàng Minh đã được giải quyết. Cậu bạn “đầu gấu” từ chỗ hằn học, hiềm khích với “thằng mọt sách” đã chấm dứt mọi trò đầu têu chọc phá bạn. Nó cũng ngăn cản đám bạn không gây nhiễu trên lớp nữa.
“Thích gây hấn, sử dụng bạo lực với bạn bè là đứa trẻ đang có vấn đề. Từ chuyện của con, tôi để tâm tìm hiểu về bạn bè trong lớp của con. Với Cường, tôi hiểu được những khó khăn mà cháu đang gặp phải. Bố mẹ ly hôn, ở với mẹ nhưng mẹ lại quá bận rộn, Cường thiếu sự quan tâm, chăm sóc, học hành sút kém, quậy phá, đánh chửi bạn để trút bỏ những ức chế, hờn giận chất chứa trong lòng. Biết chuyện của Cường, tôi khuyến khích con trai mời bạn đến nhà chơi, mời bạn ở lại ăn cơm, tham gia những sinh hoạt cùng gia đình mình và tìm cách
kết bạn với bố mẹ cháu nữa” - chị Loan kể.
“Khi nhận được sự tôn trọng và sự quan tâm chân thành, Cường đã thay đổi. Ban đầu tôi chỉ nghĩ tìm cách nào ổn thỏa để giúp đỡ con mình, chứ cũng không hề nghĩ là mình giúp tháo gỡ khúc mắc cho một đứa trẻ khác. Bây giờ hai đứa rất thân nhau. Tôi đăng ký cho cả hai cháu học chung lớp võ thuật ở Nhà văn hóa của thị trấn. Cường đã tập trung học hành và có nhiều tiến bộ. Con trai tôi hoạt bát, tự tin, vui vẻ khác trước nhiều lắm…” - chị Loan phấn khởi nói.
Kinh nghiệm từ chuyên gia
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra nhiều sai lầm của phụ huynh khi tiếp nhận thông tin con bị bắt nạt ở trường. Một số người coi đó là chuyện vặt của trẻ con rồi lơ đãng cho qua. Một số phụ huynh lại quá xót con với hàng tá câu hỏi, biến nạn nhân thành tội phạm. Kiểu như: “Làm sao lại để bị bắt nạt?”, “Con phải trêu gan chọc ruột gì thì nó mới bị nó đánh chứ?”...
Khi con gặp vấn đề khủng hoảng ở trường, nhiều phụ huynh rất lúng túng trong ứng xử. Đóng vai kẻ mạnh đến trường tìm gặp và “dằn mặt” kẻ gây hấn con mình là điều không nên. Khuyến khích con phản kháng, đánh lại bạn cũng không phải là cách tháo ngòi nổ êm gọn, sẽ có nhiều phát sinh ngoài tầm kiểm soát bởi sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực.
Cách tiếp cận vấn đề như thế này sẽ khiến đứa trẻ yếu thế thêm tủi thân vì thiếu sự đồng cảm, thiếu sự trợ giúp cần thiết, khi có thêm sự cố xảy ra, con sẽ ngại không muốn chia sẻ nữa.
Chuyên gia tư vấn, đào tạo kỹ năng sống Lê Anh Hùng - Tổ chức Trí tuệ Tự nhiên Obraha khuyên các bậc phụ huynh:
Phụ huynh chỉ nên hỗ trợ khi đứa trẻ đã thử nhiều cách mà không thể tự xử lý các vấn đề riêng của mình. Vội vàng can thiệp vào câu chuyện “nội bộ” của bọn trẻ, người lớn có thể khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng, thậm chí gây thêm mâu thuẫn giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với giáo viên, dẫn đến những chuyện không hay.
Thay vì tự ý quyết định mọi việc ngay lập tức, khiến trẻ căng thẳng hơn và cảm giác bản thân kém cỏi, vô tích sự, hãy hỏi con xem chúng muốn được giúp đỡ như thế nào và điều gì sẽ khiến tâm trạng con tốt hơn?
Dạy con kỹ năng hòa giải tích cực để bạn bè có thể hỗ trợ nhau khi bị bắt nạt, bình tĩnh tìm sự hợp tác, giúp đỡ tích cực nhất cho con là điều phụ huynh nên làm.