Trẻ nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh kéo theo nhiều phụ huynh trăn trở trong việc quản lý con em mình.
Nhiều diễn đàn được lập ra để đề xuất, chia sẻ những kinh nghiệm, thu hút sự thảo luận sôi nổi của các bậc phụ huynh. Rất nhiều sáng kiến, nhiều bài học mang lại hiệu quả cao đã được giới thiệu. Tuy vậy, dường như chưa có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề tâm lý của con trẻ.
Việc nghỉ học dài ngày khiến trẻ không những bị thay đổi một cách bị động về lịch trình sinh hoạt, mà còn có sự ảnh hưởng nhất định đối với tâm lý của trẻ. Thứ nhất là do tác động từ những thông tin về dịch bệnh. Có trẻ hoang mang thái quá. Cũng có trẻ lại thờ ơ thái quá, và cảm giác gia đình, nhà trường cũng như xã hội đang "làm quá". Dù là ở thái cực nào của suy nghĩ thì cũng khiến trẻ có những cảm xúc không tích cực, hoặc là lo sợ, hoặc là bức bối.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến tâm lý trẻ là việc ít gặp gỡ bạn bè, ít được ra ngoài (vì đang hạn chế ra đường mùa dịch). Nên lưu ý rằng điều này hoàn toàn khác với kỳ nghỉ hè thông thường, tức là khoảng thời gian vẫn được nghỉ học nhưng vẫn có phong phú những hoạt động ngoài trời khác để trẻ thoải mái lựa chọn.
Chính vì phải chịu cảnh gò bó trong giới hạn tại nhà, trẻ cảm thấy tù túng, tâm lý dễ sinh ra cáu gắt, buồn chán. "Giam lỏng" đối với trẻ, quả là một trải nghiệm không mấy dễ dàng trong bối cảnh này.
Nhiều bậc phụ huynh, vì nhiều lý do bận rộn, không kịp lưu tâm đến vấn đề tâm lý của trẻ mùa dịch. Thậm chí sau một ngày đi làm về mệt mỏi, thấy con ở nhà chơi bời không kế hoạch, ít chịu học hành hay làm việc nhà thì trách rầy nặng lời với con, lại càng khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Và tâm lý trẻ càng thêm khó quản lý, vì trẻ thường chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị cảm xúc.
Thế nên, các bậc phụ huynh rất cần nhiều thời gian để chia sẻ cùng con trẻ, kịp thời nắm bắt tâm lý của các em để có những hỗ trợ, tâm tình, tháo gỡ phù hợp. Khoan vội trách cứ con trẻ. Hãy để trẻ có những nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tình hình dịch bệnh cũng như việc nghỉ học vì dịch.
Để tâm lý trẻ là tốt nhất, ngoài việc hướng dẫn trẻ giữ gìn sức khỏe cần tạo cho trẻ một thời gian biểu ở nhà hợp lý thông qua việc kết hợp xen kẽ giữa tự học (có hỗ trợ của nhà trường và theo dõi đôn đốc của gia đình), làm việc nhà, giải trí... Mong rằng khi trở lại trường học, trẻ có một sức khỏe tốt và cả một tâm thế tốt cho chặng đường mới.