Những khoảng trống miễn dịch do gián đoạn tiêm chủng là nguy cơ tiềm ẩn đối với nhiều vấn đề bệnh tật vốn có thể phòng ngừa.
Dịch COVID-19 có thể là nỗi lo lớn nhất trong thời điểm hiện tại của nhiều người, nhưng có những mối nguy khác vẫn đang tồn tại, đó là việc bỏ lỡ, trì hoãn, gián đoạn việc tiêm chủng có thể để lại những khoảng trống miễn dịch cho tương lai.
Theo các chuyên gia, tình trạng bỏ mũi, trễ lịch trong một khoảng thời gian có thể dẫn đến sự xuất hiện của các dịch bệnh trong tương lai.
TS. BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vaccine đã có sự giảm rõ rệt khi số liệu được ghi nhận cho thấy tính đến tháng 9 năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng của một số tỉnh miền Trung chỉ đạt 50% so với kế hoạch năm, một số tỉnh phía Nam chỉ đạt 40% trong đó TP.HCM và Bình Dương là hai địa phương chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất".
TS. BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
TS. BS Phạm Quang Thái, "Khi phụ huynh đưa trẻ đi tiêm, phụ huynh cần chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu, tránh tụ tập đông người, tuân thủ các quy tắc 5K phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài ra Bộ Y tế đã có những văn bản hướng dẫn, quy định về việc tổ chức các hoạt động tiêm chủng để vừa đảm bảo không gián đoạn việc tiêm chủng, đồng thời đảm bảo các quy định an toàn về phòng chống dịch" .
Theo Unicef, một cuộc khảo sát của WHO đã cho thấy mặc dù đã có tiến bộ so với tình hình năm 2020, nhưng hơn một phần ba các quốc gia được hỏi (37%) vẫn báo cáo bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng thường xuyên.
Các chiến dịch tiêm chủng đại trà cũng bị gián đoạn. Theo dữ liệu mới, 60 chiến dịch tiêm chủng đại trà hiện đang bị hoãn lại ở 50 quốc gia, khiến khoảng 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em bị ảnh hưởng.
Đối với những trường hợp đã được tiêm vaccine phòng bệnh phụ huynh cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh như hướng dẫn trẻ chú ý giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, ngoài ra cũng cần chú ý đến lịch tiêm nhắc lại để gia tăng hiệu chống lại tác nhân gây bệnh của cơ thể.
Việc tiêm nhắc lại giúp gia tăng hiệu quả chống lại tác nhân gây bệnh.
Đơn cử về việc tiêm vaccine để phòng các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, TS. BS Phạm Quang Thái chia sẻ: "Mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi cơ bản trước 12 tháng và một mũi nhắc trước 2 tuổi, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh khi trẻ lớn lên nếu tiếp xúc với nguồn lây. Trẻ từ 4-6 tuổi thường bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài, ví dụ như như trường học, các sân chơi.
Đây cũng là lúc gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt nếu trẻ chưa có đủ kháng thể. Ngoài ra, mũi nhắc này cho trẻ 4-6 tuổi giúp bảo vệ trẻ tối ưu khỏi Bại Liệt, góp phần bảo vệ thành quả thanh toán Bại Liệt tại Việt Nam.
Theo khuyến cáo của Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hội Y học dự phòng Việt Nam, phụ huynh nên tiêm nhắc vắc xin phòng các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt cho trẻ từ 4 – 6 tuổi để duy trì khả năng phòng bệnh tối ưu cho con đến tuổi thiếu niên".