Đại tiện không tự chủ hay són phân có thể khiến cả bạn lẫn trẻ đều hoang mang. Tuy nhiên, đây là tình trạng rất thường gặp và bạn nên tìm cách “giải quyết” sớm để không tạo thành tâm lý tiêu cực cho trẻ.
Bạn nhìn thấy quần của trẻ dính phân và cho rằng đây là do tình cờ hoặc do trẻ không chịu đi vệ sinh khiến phân són ra ngoài. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ mắc phải chứng đại tiện không tự chủ hay són phân. Khoảng 1,5% số trẻ trong độ tuổi đi học gặp phải tình trạng này. Xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để hiểu hơn về tình trạng này và biết cách khắc phục hiệu quả.
Đại tiện không tự chủ hay són phân ở trẻ nhỏ
Đại tiện không tự chủ (đi tiêu không tự chủ) đôi khi còn được gọi là chứng són phân ở trẻ em. Đây là hiện tượng phân dây dính trên quần của trẻ lặp đi lặp lại mà trẻ hoàn toàn không có ý thức.
Đa phần chứng bệnh này xuất phát từ tình trạng táo bón kéo dài. Táo bón khiến phân trở nên cứng hơn và khó đào thải ra ngoài. Tình trạng này khiến trực tràng bị sưng, gây cản trở khả năng cảm nhận sự hiện diện của phân và khiến phân bị rò rỉ. Cũng có trường hợp trẻ bị són phân mà không bị táo bón và đa phần những trường hợp này đều là do các vấn đề về tâm lý.
Dấu hiệu của chứng đại tiện không tự chủ ở trẻ nhỏ
Ngoài tình trạng trẻ hay bị són ị, trẻ ị khi ngủ, trẻ ị ra quần, trẻ còn có các triệu chứng như:
- Trẻ hay đi ngoài phân lỏng
- Trẻ có thể bị đau bụng
- Trẻ có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Trẻ có thể bị trầy xước ở khu vực quanh hậu môn
- Trẻ thường hay giấu quần áo bẩn
- Trẻ có xu hương xa lánh bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình
- Trẻ cảm thấy chán ăn.
Nguyên nhân gây ra chứng són phân ở trẻ
1. Táo bón
Đây là nguyên nhân hàng đầu khi trẻ đi ngoài không tự chủ. Táo bón ở trẻ nhỏ có thể là do:
- Chế độ ăn chứa ít chất xơ
- Nhịn đi đại tiện do sợ
- Uống ít nước
- Uống quá nhiều sữa bò.
2. Các yếu tố cảm xúc
Đôi khi các yếu tố cảm xúc có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng đại tiện không tự chủ ở trẻ nhỏ:
- Trẻ phải đối mặt với những trường hợp gây căng thẳng như cha mẹ ly hôn, cha/mẹ mất.
- Trẻ đang trải qua những thay đổi đột ngột như trẻ bắt đầu đi học, thay đổi chế độ ăn uống…
Nhịn đi vệ sinh có thể khiến phân tích tụ trong đại tràng. Chức năng của đại tràng là hấp thu và làm khuôn thải bã thành phân để bài tiết ra ngoài. Nếu phân tích tụ ở đại tràng quá lâu, nước sẽ bị hấp thu nhiều khiến phân trở nên khô, cứng, dẫn đến khó bài tiết ra ngoài. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm suy yếu các dây thần kinh và các cơ của đại tràng, khiến việc giữ phân trong cơ thể trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng phân rò rỉ ra ngoài mà trẻ không biết.
Chẩn đoán chứng són phân ở trẻ nhỏ
Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải chứng đi ngoài không tự chủ, bạn nên đưa trẻ đi khám. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi về chế độ ăn của trẻ, thói quen đi vệ sinh và các vấn đề khác.
- Khám trực tràng: Bác sĩ có thể kiểm tra trực tràng cho trẻ bằng cách nhét một ngón tay vào trực tràng để kiểm tra tình trạng của trực tràng.
- Chụp X-quang ổ bụng: Kiểm tra phân có ứ lại trong đường ruột hay không.
- Hỗ trợ tâm lý: Nếu trẻ đang phải trải qua một số vấn đề về cảm xúc như lo âu hoặc trầm cảm, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn cách để giải quyết.
Điều trị chứng đại tiện không tự chủ như thế nào?
Bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp điều trị sau:
- Kê thuốc ngăn phân ứ trong đường ruột
- Kê thuốc nhuận tràng giúp trẻ dễ đi vệ sinh hơn
- Thay đổi lối sống để hạn chế chứng táo bón: thay đổi chế độ ăn, uống nhiều nước hơn, tập thể dục thường xuyên…
- Thay đổi hành vi của trẻ: phương pháp này không chỉ bao gồm các liệu pháp tâm lý mà còn đòi hỏi sự nỗ lực từ cha mẹ.
Nếu trẻ đi học, bạn có thể giúp bé bằng cách:
- Chuẩn bị thêm cho con một chiếc quần lót hoặc short khi đi học
- Liên lạc với giáo viên và chia sẻ về tình trạng của con
- Khuyến khích trẻ đi vệ sinh thường xuyên.
Nhìn chung, chứng són phân hay đại tiện không tự chủ ở trẻ là một vấn đề phức tạp. Đầu tiên, bạn nên đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, trong thời gian điều trị, bạn cần thể hiện sự thông cảm và đừng khiến trẻ thấy xấu hổ hoặc tội lỗi.
Khi bị chứng đại tiện không kiểm soát, trẻ có thể phải trải qua những rối loạn về cảm xúc. Vì vậy, bạn cần phải giúp trẻ hiểu rằng nếu nỗ lực và quyết tâm thì mọi việc sẽ ổn. Chứng bệnh này có thể tái đi tái lại nhiều lần và có thể mất từ vài tháng đến vài năm để điều trị
Chứng són phân ở trẻ: Hậu quả dài lâu
Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Dưới đây là một số biến chứng mà trẻ phải đối mặt:
- Đại tràng bị phình to và suy yếu
- Trẻ có thể bị mất cảm giác xung quanh hậu môn
- Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, nhục nhã và thất vọng
- Trẻ có thể bị trêu chọc ở trường
- Trẻ có thể cảm thấy chán nản và thiếu tự tin.
Biện pháp khắc phục chứng đại tiện không tự chủ
Dưới đây là một số cách để điều trị chứng đại tiện không tự chủ:
- Bổ sung chất lỏng và nước vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ để giúp làm mềm phân.
- Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh này. Bạn nên cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác.
- Tập cho trẻ có thói quen đi vệ sinh ngay cả khi không muốn. Bạn nên để trẻ ngồi lên bồn vệ sinh từ 5 đến 10 phút vào giờ nhất định mỗi ngày.
- Sữa bò có thể là thủ phạm gây táo bón. Nếu đúng như vậy, bạn không nên cho trẻ uống sữa này nữa. Hãy hỏi bác sĩ một số loại sữa giàu canxi khác để thay thế.
- Cố gắng làm cho việc đi vệ sinh trở nên thoải mái.
- Luôn bình tĩnh và giữ thái độ tích cực kể cả khi trẻ đại tiện không tự chủ. Thái độ tích cực của cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua mọi tình huống khó khăn một cách dễ dàng, trong khi việc la mắng có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Ngăn ngừa chứng đại tiện không tự chủ ở trẻ nhỏ
- Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là tránh để trẻ bị táo bón. Xây dựng một chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp chống lại nhiều căn bệnh. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ tập thể dục nhé.
- Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh tốt.
Những trẻ nào có nguy cơ cao mắc chứng đại tiện không tự chủ?
Những trẻ bị táo bón mạn tính có nguy cơ cao mắc phải bệnh này. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, bệnh này thường phổ biến ở bé trai hơn bé gái. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này nếu trẻ:
Đại tiện không tự chủ hay són phân ở trẻ có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn nghi ngờ trẻ mắc phải bệnh này, hãy đưa trẻ đi khám bởi nếu để lâu, bệnh có thể trở nên phức tạp hơn và sẽ mất nhiều thời gian để điều trị.