EQ hay còn được gọi là chỉ số trí tuệ cảm xúc thường được xác định dựa trên khả năng nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc. Để có được thành công trong công việc, cuộc sống, kiến thức và năng lực chuyên môn có thể chưa đủ, con người còn cần nhiều kỹ năng xã hội khác. Vậy làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc EQ cho bé?, hãy cùng mecuti.vn tham khảo những thông tin dưới đây nhé!
1. Dạy trẻ cách gọi tên cảm xúc ngay khi còn nhỏ
Chính những lúc trẻ cáu kỉnh là cơ hội để bạn dạy trẻ định hình cảm xúc của chính mình. Yêu cầu trẻ nói cho bạn biết trẻ đang cảm thấy như thế nào và trẻ muốn gì, trẻ đang buồn hay đang tức giận. Cả khi trẻ tỏ ra vui vẻ cũng nên làm như thế. Bằng cách này, trẻ sẽ xác định được những cung bậc cảm xúc mà mình đang trải qua. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, trẻ có thể diễn đạt ra bằng lời và tìm cách vượt qua chúng.
2. Luôn thể hiện sự đồng cảm với trẻ
Đồng cảm không có nghĩa là tán thành, đồng tình. Khi bạn dạy cho trẻ diễn đạt những gì trẻ đang cảm nhận, trẻ sẽ thích làm điều đó mọi lúc, mọi nơi, theo đúng cách nghĩ non nớt của một đứa bé. Đối diện với tình huống này bằng việc thể hiện sự thấu hiểu đối với trẻ và nếu bạn không đồng ý với những điều trẻ muốn, cần giải thích cho trẻ hiểu tại sao.
Làm bạn cùng con và giúp con phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc
3. Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề
Thử tưởng tượng bé con chạy tới khóc với bạn và méc rằng anh trai vừa xé mất bức tranh của trẻ, đây chính là cơ hội cho bạn dạy trẻ cách đối diện với vấn đề. Trước tiên, nên khen ngợi trẻ vì đã không la hét hoặc giằng co với anh trai. Sau đó là cảm ơn trẻ vì đã nói với bạn chuyện vừa xảy ra cũng như việc trẻ đã chia sẻ cảm xúc của trẻ với mẹ. Tiếp theo, đưa ra cho trẻ những hướng giải quyết vấn đề, ví dụ như bạn sẽ giúp trẻ dán lại bức tranh hoặc cùng trẻ vẽ một bức tranh mới. Thông qua việc làm này, trẻ sẽ học được rằng bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống cũng có một hướng ra nào đó.
4. Dạy trẻ quan tâm tới cảm xúc của người khác
Đây là bước tiếp theo của việc dạy trẻ giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ bắt chước theo cách phản ứng của bạn với trẻ và áp dụng nó với những người khác. Rồi bạn sẽ sớm thấy trẻ hỏi một người bạn của trẻ tại sao bạn buồn và đề nghị được giúp đỡ. Và thế là bạn cũng đã đồng thời dạy trẻ cách trở thành một người bạn tốt, giống như bạn đã là một người bạn tốt với trẻ.
5. Làm gương cho trẻ bằng cách kiểm soát cảm xúc của chính bạn
Đối phó với những cảm xúc của mình một cách tích cực, cho dù là giữ lại trong lòng và cân nhắc sau hoặc thể hiện ra bên ngoài đi nữa. Ví dụ như chẳng may trẻ làm vỡ chiếc bình hoa yêu quý của bạn, chắc hẳn bạn sẽ rất tức giận. Bạn cần tránh xa khỏi trẻ trong 5 phút để lấy lại bình tĩnh, sau đó nói chuyện với trẻ về cảm giác của bạn khi chiếc bình bị vỡ và hậu quả của nó. Như vậy, trẻ sẽ học được cách ứng phó với những tình huống tương tự trong tương lai và bất cứ hành động nào của mình cũng sẽ dẫn đến một kết quả nào đó.
Cần phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc cho bé ngay từ nhỏ để giúp bé phát triển toàn diện sau này. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về trí tuệ cảm xúc, chăm sóc bé tốt nhất. Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ, khỏe mạnh và đừng quên đồng hành cùng mecuti.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!