1. Ngủ muộn
Các chuyên gia sức khỏe tại Mỹ cho biết, thức khuya là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị béo phì. Theo đó, những em bé ngủ dưới 10 giờ/ngày, sẽ có nguy cơ béo phì cao gấp 3 lần so với những đứa trẻ ngủ đủ 12 giờ/ngày. Nguyên nhân khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ rất mệt mỏi do đó tiết ra một loại hormone kích thích cơn thèm ăn khiến trẻ khó kiểm soát được khẩu phần ăn nên sẽ ăn nhiều.
Ngủ muộn không tốt cho sức khỏe của bé
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng cho biết thêm, những em bé thức khuya và mất ngủ khó phát triển chiều cao hơn những trẻ có giấc ngủ đúng giờ và đủ giấc vì hormone quyết định sự tăng trưởng về chiều cao của trẻ thường tiết ra trong khoảng từ 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Khi bé không ngủ đủ giấc và ngủ quá muộn sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động của những hormone này, khiến bé chậm cao lớn hơn.
Ngoài ra, thiếu ngủ sẽ khiến bé luôn mệt mỏi, cáu gắt, tâm tính bất an.
Lời khuyên dành cho phụ huynh
- Nên tập thói quen ngủ sớm và ngủ đúng giờ cho bé ngay từ nhỏ. Để làm được điều đó, cha mẹ nên xây dựng một thời khóa biểu, phân chia giờ chơi, giờ học và giờ ngủ hợp lý cho bé và bắt buộc trẻ phải tuân theo.
- Rèn cho bé tự ngủ một mình càng sớm càng tốt. Vì khi ngủ riêng, trẻ sẽ có không gian yên tĩnh không bị đánh thức bởi bố mẹ nên trẻ sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Bên cạnh đó, nếu bé khó ngủ mẹ có thể hát cho bé những bài hát ru nhẹ nhàng, kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ tích mỗi đêm, vỗ nhẹ hoặc xoa lưng cho bé để giúp bé dễ ngủ hơn
2. Cắn móng tay, dụi mắt, ngoáy mũi
Những thói quen cắn móng tay, ngoáy mũi hay dụi mắt tưởng chừng vô hại nhưng nó lại ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm khôn lường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé.
- Cắn móng tay: dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn bám trên tay bé đi vào cơ thể trẻ gây các bệnh về hô hấp, đường ruột.
Cắn móng tay không tốt cho sức khỏe của trẻ
- Hành động ngoáy mũi có thể làm chảy máu vùng da mũi, dễ bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, khi ngoáy mũi những vi khuẩn bám vào tay có thể tấn công vào bên trong gây viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên.
- Khi dụi mắt nếu bé vô tình làm quá mạnh có thể gây xước niêm mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt, gây bệnh ảnh hưởng xấu đến thị lực của bé.
Để đối phó với tình trạng trên, mẹ thường xuyên cắt móng tay cho bé, dùng xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh sạch sẽ tay cho bé trước và sau khi ăn cơm, sau khi bé đi vệ sinh hoặc chơi đùa ngoài trời.
Bên cạnh đó, dạy con cách chăm sóc và vệ sinh cá nhân như dùng khăn giấy để lau tay, ngoáy mũi…
3. Ngủ liền sau bữa ăn
Sau bữa ăn không nên cho trẻ hoạt động mạnh và đi ngủ ngay. Vì khi ăn no, nếu đi ngủ liền sẽ tạo sức ép lên dạ dày, lúc này các cơ quan trong cơ thể đều thư giãn vì thế dạ dày sẽ không tiết đủ dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Và thức ăn để lâu, không được bài tiết ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Ngủ liền sau bữa ăn sẽ gây hại dạ dày của trẻ
Bên cạnh đó, ngủ sau khi ăn khiến cơ hoành gây sức ép và làm chậm quá trình hoạt động của hệ tim mạch. Là nguyên nhân gây các bệnh thiếu máu và tim mạch ở trẻ nhỏ.
Thời điểm lý tưởng cho bé ngủ là từ 2 giờ sau khi ăn bằng cách cho bé đi dạo công viên, hoặc tham gia các trò chơi vận động nhẹ nhàng. Trước khi đi ngủ 15 phút, nên cho trẻ đánh răng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
4. Ngậm thức ăn
Ngậm thức ăn trong miệng quá lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh về răng cho bé, khiến bé dễ bị các bệnh về răng miệng. Nguyên nhân là khi thức ăn không được chuyển hóa xuống ruột và dạ dày để hấp thu vào cơ thể, men tiêu hóa ở tuyến nước bọt sẽ chuyển hóa thành đường bám vào răng lợi của bé.
Ngoài ra, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng…
Cách đối phó
- Tạo không khí vui tươi trong bữa ăn, bên cạnh đó nên khuyến khích và khích lệ bé ăn nhanh hơn.
- Khi ăn không nên cho trẻ xem tivi.
- Không ép bé ăn quá nhiều mà nên chia nhỏ bữa ăn.
5. Ăn và uống nhiều đồ ngọt
Cho trẻ ăn hoặc uống quá nhiều đồ ngọt sẽ không tốt cho sức khỏe là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như:
Đồ ngọt làm sâu răng trẻ
- Béo phì : Trong nước ngọt có chứa nhiều năng lượng và chất béo, nên nếu trẻ thường xuyên uống nước ngọt dễ bị thừa năng lượng dẫn đến thừa cân béo phì.
- Biếng ăn: Nước ngọt tạo cảm giác no khiến trẻ không có cảm giác đói và thèm ăn, dẫn tới biếng ăn. Điều này không tốt cho sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
- Dễ bị sâu răng: Đồ ngọt là một trong những thủ phạm chính gây đau răng và sâu răng cho trẻ.
Để em bé không trở thành tín đồ ăn ngọt cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Cho trẻ uống nước lọc, nước ép trái cây tươi, tránh xa nước ngọt và hạn chế ăn đồ ngọt
- Xây dựng thực đơn của bé đa dạng hơn, ưu tiên nhiều rau củ quả.
- Không được tích trữ đồ ngọt trong nhà, để thực phẩm này tránh xa tầm tay trẻ.
6. Không thích rửa tay
Dạy trẻ thói quen rửa sạch tay
Trẻ nhỏ thích khám phá mọi thứ, khi trẻ chơi đùa nghịch dễ bị vi khuẩn bám vào tay. Nếu cha mẹ không chú ý để vệ sinh tay cho bé thường xuyên, khi trẻ dùng tay dụi mắt dễ bị vi khuẩn gây bệnh về mắt xâm nhập làm ảnh hưởng đến thị lực của bé. Hoặc nếu mút tay các vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, tiêu chảy, sẽ đi vào bên trong gây bệnh cho bé.
Cha mẹ nên vệ sinh và rửa tay cho bé thường xuyên, bên cạnh đó rèn cho bé thói quen rửa tay sau khi nghich bẩn, sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước và sau bữa ăn….
7. Thường xuyên mút tay
Đây là thói quen xấu gây hại cho đường tiêu hóa của bé. Vì khi trẻ mút tay trứng giun, sán bám ở ngón tay trẻ sẽ đi vào bên trong gây bệnh. Trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bị giun sán…
Mút tay gây hại cho đường ruột
Cách đối phó với thói quen này như sau:
- Khi trẻ mút tay nên nhanh chóng kéo tay bé ra khỏi miệng.
- Tạo nhiều trò chơi liên quan đến hoạt động bàn tay thông qua bài hát” xòe bàn tay đếm ngón tay” chẳng hạn.
8. Xem tivi quá nhiều
Xem tivi quá nhiều sẽ gây hại cho thị giác của bé, là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt như cận thị.
Hơn nữa xem quá nhiều tivi sẽ làm tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tư duy của bé.
Không nên cho trẻ xem tivi nhiều sẽ hại mắt
Bên cạnh đó, khi ngồi xem tivi quá lâu sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì, lười vận động khiến bé ít linh hoạt chậm chạp, yếu ớt hơn.
Cách đối phó
- Cha mẹ nên đưa ra quy định về thời gian xem tivi cho trẻ.
- Khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì ngồi ở trong nhà xem tivi.