Sốt là tình trạng não bộ đặt điểm nhiệt độ của cơ thể cao hơn bình thường để kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên khi xảy ra sự xâm nhiễm của vi khuẩn, virus, kí sinh trùng từ môi trường ngoài hoặc một bất thường nào đó trong cơ thể.
Sốt không phải là một bệnh, đây là phản ứng có lợi của cơ thể. Sốt phổ biến ở mọi độ tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng mà hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, nên dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Cha mẹ phải lưu ý theo dõi kĩ hơn khi trẻ có sốt, để kịp thời tránh những nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ.
Sốt ở trẻ và sai lầm thường gặp
Khi trẻ bị sốt, cùng với các triệu chứng bệnh lý khác đi kèm, sẽ ít nhiều gây mệt mỏi, khó chịu cho trẻ. Nhưng sốt cũng chứng tỏ hệ miễn dịch và cơ thể trẻ phản ứng bình thường với bệnh tật. Nếu trẻ không sốt quá cao, vẫn tương đối hoạt bát thì cha mẹ nên tạm yên tâm, tiếp tục theo dõi, ưu tiên thực hiện các biện pháp chăm sóc hạ sốt cho trẻ mà không cần phải dùng thuốc trong mọi trường hợp.
Tùy vào độ tuổi, nhiệt độ cơ thể, thời gian sốt và các dấu hiệu khác đi kèm, sẽ có cách xử lý thích hợp. Trẻ càng nhỏ, cha mẹ càng phải theo dõi cẩn thận hơn. Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 - 39 độ C, nhưng không có các dấu hiệu bất thường, thì có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sau để làm giảm nhiệt độ cơ thể trẻ:
Bổ sung nước: Uống nhiều nước là cách hạ sốt hiệu quả, an toàn, tránh tình trạng trẻ kiệt sức do mất nước khi bị sốt. Có thể cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc uống, bú sữa nhiều hơn để dễ bổ sung nước. Dung dịch điện giải sử dụng đường uống như oresol tốt cho trẻ trong thời gian sốt. Chế phẩm này thường ở dạng bột khô, nên cha mẹ chú ý pha chế theo đúng lượng nước hướng dẫn trên bao bì bằng các dụng cụ đong đo và cho trẻ uống theo khả năng của trẻ; không cần ép trẻ uống hết lượng dung dịch đã pha chế. Không pha đặc với ít nước để trẻ dễ uống hết dung dịch, điều này rất nguy hiểm, có thể gây rối loạn điện giải, mất nước nội bào; dẫn đến các biến chứng co giật, hôn mê, tổn thương não...
Bổ sung vitamin C bằng nước cam hay nước trái cây: Vừa tăng sức đề kháng, cung cấp nước và nhiều vitamin, dinh dưỡng cho trẻ, kích thích vị giác trẻ. Chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 12 tháng tuổi.
Lau mát cho trẻ: Pha nước ấm, dùng nhiệt kế đo nhiệt độ nước đến khi nào thấp hơn vài độ C so với nhiệt độ cơ thể trẻ. Nước ấm làm giãn hệ mạch bề mặt và lỗ chân lông để thoát nhiệt tốt hơn, cho trẻ cảm giác dễ chịu và dễ ngủ. Nhúng khăn, vắt thật khô và lau toàn bộ cơ thể trẻ, đặc biệt vùng trán, nách và bẹn (háng) của trẻ, có thể thực hiện vài lần đến khi nhiệt độ cơ thể trẻ dịu lại (theo dõi bằng nhiệt kế). Nên thực hiện trong phòng kín gió, không dùng nước lạnh, nước đá hay bất cứ dung dịch nào khác như cồn, rượu để lau mát hoặc chườm bằng khăn lạnh, đá lạnh cho trẻ.
Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí: Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để giải tỏa nhiệt. Không ủ ấm, đắp chăn quá kín cho trẻ khi trẻ có hiện tượng rét run lúc sốt cao, vì cảm giác này gây ra do sự co mạch ngoại vi trong khi nhiệt độ cơ thể trẻ vẫn rất cao. Ngăn cản sự thoát nhiệt bằng cách ủ ấm có thể đẩy nhiệt độ cơ thể trẻ lên đỉnh điểm và gây nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Trong những trường hợp sau, không nên tự chăm sóc trẻ ở nhà mà nên đến gặp bác sĩ, vì đây là những trường hợp nặng, có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm trùng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết…
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt với bất kỳ nhiệt độ nào, kể cả không có triệu chứng khác thường.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C, sốt liên tục không hạ nhiệt, kéo dài hơn 3 ngày.
- Da, môi, lưỡi nhợt nhạt, xám xanh, có đốm hoặc phát ban.
- Trẻ vật vã, ngủ li bì, khó đánh thức hoặc thức nhưng không duy trì được trạng thái thức. Không đáp ứng với các kích thích và giao tiếp thông thường.
- Trẻ xuất hiện cơn co giật, nôn ói nhiều, đau đầu dữ dội, cứng cổ và gáy.
- Trẻ rên the thé, khó thở, thở nông và nhanh.
- Đi tiêu, tiểu ra máu.
Dùng thuốc khi trẻ bị sốt?
Sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của một bệnh lý khác, có thể gây ra các biến chứng nếu sốt cao kéo dài, ảnh hưởng các cơ quan khác. Không phải bất cứ trường hợp nào trẻ cũng cần dùng thuốc hạ sốt, vì trẻ em là những đối tượng nhạy cảm đặc biệt. Việc lạm dụng dù bất cứ loại thuốc nào cũng sẽ có nguy cơ, ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Trẻ thường chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi đã áp dụng đồng thời các biện pháp hỗ trợ hạ sốt ở trên, nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn ở mức trên 38,5 độ C. Ngưng dùng thuốc khi trẻ đã hạ nhiệt. Thuốc hạ sốt là thuốc điều trị triệu chứng, sử dụng thêm cũng không thể làm trẻ khỏi sốt hoàn toàn.
Thuốc hạ sốt nên ưu tiên sử dụng cho trẻ em là dược chất paracetamol (acetaminophen), tác dụng hạ sốt nhanh, an toàn cao; đã được đánh giá trên nhiều độ tuổi, kể cả trẻ sơ sinh với sự chỉ định chuyên môn của bác sĩ. Paracetamol dành cho trẻ em có nhiều dạng bào chế như viên nén, viên sủi, sirô, hỗn dịch uống, cốm pha hỗn dịch, viên đặt trực tràng…, để trẻ dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng trẻ em. Thuốc uống dạng lỏng sẽ hấp thu nhanh, có tác dụng tức thời hơn các loại khác, nhưng cần sử dụng dụng cụ đong đo đi kèm; không nên ước lượng bằng mắt khi dùng siro, hỗn dịch uống.
Thuốc đặt trực tràng dùng trong trường hợp trẻ nôn ói hoặc không thể uống thuốc. Nên để lạnh thuốc trong tủ lạnh để thuốc đông cứng lại. Thực hiện đúng như hướng dẫn trên bao bì, để trẻ nằm im một thời gian sau khi đặt để tránh rơi, hoặc viên thuốc vào không đủ độ sâu trong hậu môn.
Liều paracetamol dùng đường uống tham khảo cho trẻ theo cân nặng dễ ghi nhớ: 10-15mg/kg/lần uống, cách 4-6 giờ/lần khi cần thiết nhưng tối đa chỉ 4 lần trong 24 giờ. Liều đặt trực tràng tương đương liều dùng uống. Không sử dụng thuốc uống và đặt trực tràng cùng lúc. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên có sự chỉ định của bác sĩ. Trẻ trên 12 tuổi có thể dùng liều người lớn: 500mg/lần, cách 4-6 giờ/lần khi cần thiết, nhưng tối đa chỉ 4 lần trong 24 giờ.
Khi trẻ dùng thuốc nhưng chưa hạ nhiệt nhiều và nhanh, cha mẹ thường nóng lòng tự ý kết hợp thêm loại thuốc khác như ibuprofen, aspirin… hoặc dùng thêm dạng dùng khác cho trẻ, ví dụ như đã dùng dạng uống lại tiếp tục cho trẻ sử dụng dạng đặt trực tràng. Điều này hoàn toàn sai, có thể gây quá liều, tăng tác dụng không mong muốn và độc tính của thuốc cho trẻ, bởi trẻ nhỏ thậm chí còn được bác sĩ tính toán liều chính xác dựa trên cân nặng, chứ không theo độ tuổi.
Nhiều phụ huynh quan niệm, dạng thuốc đặt trực tràng sẽ không được hấp thu nhiều, nên không lo quá liều. Tuy nhiên, đây là dạng thuốc có sự hấp thu vào vòng tuần hoàn, thậm chí tốt hơn dạng uống, vì không chịu tác động của hệ tiêu hóa, không bị chuyển hóa ở gan.
Aspirin là loại thuốc được dùng cẩn trọng ở trẻ dưới 18 tuổi và chống chỉ định khi trẻ nhiễm virus (cúm, thủy đậu hay bất cứ loại virus nào), làm tăng nguy cơ xảy ra “hội chứng Reye”, một dạng bệnh lý não – gan; dù hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong ở trẻ, do đó cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng aspirin khi trẻ bị sốt.
Sốt ở trẻ đã và đang là vấn đề gây nhiều áp lực đối với nhiều ông bố, bà mẹ. Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ vẫn không thể kiểm soát (cao hơn 39 độ C) dù đã được dùng thuốc hạ sốt trong khoảng 24 giờ, không tự ý dùng nhiều thuốc hơn, mà nên tìm đến bác sĩ chuyên môn để có sự tư vấn và phương hướng điều trị có hiệu quả.