Khi phụ huynh bao bọc con thái quá, chúng sẽ không có cơ hội khám phá giới hạn của bản thân và học cách quản lý rủi ro.
Mariana Brussoni, Phó giáo sư Đại học British Columbia (Canada) chia sẻ trên The Conversation về lợi ích của việc để con mạo hiểm khi chơi đùa.
“Cẩn thận nào!”, “Đừng leo cao quá!”, “Dừng lại ngay!”.
Những phụ huynh hay lo lắng thường sốt sắng bảo vệ sự an toàn của trẻ khi chơi đùa. Nghiên cứu gần đây chỉ ra việc này là bao bọc con thái quá, ngăn cản những cơ hội mạo hiểm ngoài trời của trẻ. Khi liều lĩnh một chút, trẻ vừa hồi hộp, vừa phấn khích, và chúng đang kiểm tra giới hạn của mình.
Việc leo cây, đi lang thang trong khu phố với bạn bè… được chứng minh giúp tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý rủi ro, rèn luyện tính linh hoạt và sự tự tin.
Phụ huynh nên giám sát nhưng không cản trở trẻ khám phá giới hạn của bản thân. Ảnh: Scary Mommy
Điều quan trọng là phụ huynh và chuyên gia không cần xác định mỗi đứa trẻ cần chơi trò mạo hiểm gì. Thay vào đó, trẻ cần được cung cấp không gian vật lý và không gian tinh thần để tự khám phá mức độ rủi ro thích hợp cho bản thân: đủ rủi ro để cảm thấy hào hứng, nhưng không khiến trải nghiệm trở nên quá đáng sợ.
Những năm làm một nhà nghiên cứu phòng chống thương tích đã giúp tôi ý thức rõ điều gì có thể xảy ra theo chiều hướng xấu và cách để ngăn chặn nó xảy ra. Nhưng vì tôi có bằng tiến sĩ về tâm lý học phát triển, tôi cũng lo ngại rằng chúng ta đang giữ con mình quá an toàn.
Ngăn chặn trẻ khám phá những điều không chắc chắn có thể gây ra hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe và sự phát triển của chúng, chẳng hạn tính ù lỳ, tâm trạng dễ lo lắng và bị ám ảnh.
Nỗi sợ của phụ huynh
Nhiều phụ huynh tôi từng trò chuyện qua nghiên cứu của mình nhận thấy tầm quan trọng của chơi đùa mạo hiểm, nhưng có thể bị choáng ngợp bởi nỗi lo con bị thương tích nghiêm trọng hoặc bị bắt cóc. Họ cũng lo rằng ai đó sẽ báo cáo với chính quyền về việc họ để con gặp rủi ro. Những nỗi lo này khiến họ trở nên bao bọc con thái quá.
Gần đây, tôi nhận thấy một xu hướng ngược lại: Cha mẹ lo lắng con quá nhút nhát và không đủ can đảm mạo hiểm. Họ muốn biết làm thế nào để con có thể rèn luyện việc đối mặt với nguy hiểm thông qua chơi đùa. Điều này khiến tôi lo lắng không kém việc bảo vệ thái quá.
Cả hai cách tiếp cận này đều có thể làm tăng nguy cơ thương tích và làm hại đến trẻ vì phụ huynh đã bỏ qua khả năng và sở thích của trẻ. Làm sao một đứa trẻ có thể khám phá bản thân và tìm hiểu cách thế giới vận hành nếu người lớn liên tục bảo chúng phải làm gì và làm như thế nào?
Chưa bao giờ trẻ ở Canada an toàn hơn bây giờ. Khả năng tử vong do chấn thương là 0,0059%. Những vụ va chạm xe hơi và tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết, không phải việc chơi đùa. Trên thực tế, trẻ cần được chăm sóc y tế vì thương tích do các hoạt động thể thao có tổ chức hơn là chơi đùa tự do.
Tương tự, khả năng bắt cóc bởi người lạ là quá nhỏ, đến nỗi không thu thập được số liệu để thống kê. Để cố gắng cân bằng, các chuyên gia phòng chống thương tích đang tiến tới một cách tiếp cận nhằm giữ trẻ an toàn khi cần thiết, chứ không phải an toàn nhất có thể.
Trẻ em vốn có khả năng quản lý rủi ro
Chơi đùa mạo hiểm là một phần quan trọng trong hoạt động ngoài trời ở nhiều trường và các cơ sở mầm non ở Canada. Đối với những trường mẫu giáo trong rừng ở nhiều nước khác, trẻ thoải mái đào hang, leo cây, sử dụng các dụng cụ để tạo ra lửa dưới sự giám sát cẩn thận của giáo viên.
Một hiệu trưởng ở New Zealand đã quyết định học sinh của mình không cần bất kỳ nguyên tắc nào. Các em được leo cây, đi xe đạp, làm mọi điều mình muốn. Trường học của ông là một phần của nghiên cứu lớn hơn, chỉ ra những học sinh được phép mạo hiểm hạnh phúc hơn và ít bị bắt nạt hơn bạn bè đồng trang lứa ở những trường khác.
Khi được trao cơ hội, ngay cả trẻ nhỏ cũng thể hiện khả năng quản lý rủi ro. Ảnh: Flickr Open
Nhìn thấy trẻ tham gia vào các trò chơi có tính mạo hiểm giúp chúng ta nhận ra trẻ có nhiều khả năng hơn chúng ta nghĩ. Khi được trao cơ hội, ngay cả trẻ nhỏ cũng có khả năng quản lý rủi ro và tìm ra những giới hạn của mình. Chúng ta chỉ việc mở to mắt và sẵn sàng nhìn thấy những gì xảy ra trước mắt. Hãy tránh sang một bên và để trẻ có cơ hội được thử nghiệm, bởi tiềm năng học tập của trẻ vô cùng lớn.
Đặt các giới hạn không cần thiết trong việc chơi đùa của trẻ hoặc đẩy chúng đi quá xa đều là sai lầm. Vai trò của chúng ta, những người chăm sóc, là để trẻ tự do khám phá, chơi đùa trong khi hỗ trợ chúng kiểm soát những mối nguy lớn có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tùy thuộc vào năng lực, sở thích của từng đứa trẻ và giai đoạn phát triển khác nhau, điều này cần áp dụng linh hoạt. Một đứa trẻ mẫu giáo có thể ẩn nấp trong bụi cây và cảm thấy mình là một nhà thám hiểm rừng sâu. Cha mẹ quan sát nhưng vẫn cho chúng cảm giác độc lập. Những đứa trẻ lớn hơn có thể khám phá khu phố cùng bạn bè. Cha mẹ nên giúp chúng xây dựng dần dần những kỹ năng cần thiết như quan sát phương tiện giao thông, cách qua đường an toàn.