“Ước gì con mình lì lợm”, nghe có vẻ vô lý nhưng lại là mong muốn của không ít bà mẹ, ông bố có con dễ bảo và biết nghe lời răm rắp.
Ảnh minh họa: INT
Phần nổi của tảng băng chìm
Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, con mình không bao giờ chịu nghe lời, lúc nào cũng cố tình làm trái ý người lớn và bảo vệ bằng được ý riêng. Trong khi, những đứa trẻ quá ngoan lại không biết cách phản kháng trước việc sai trái và cũng không thể hiện được chính kiến trong trường hợp cần thiết.
Chị Thanh Thủy (Long Biên, Hà Nội) có con trai học lớp 5 rất ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Cậu bé chỉ biết khóc rồi về mách mẹ chứ không dám báo cáo cô giáo hoặc có hành động nào đó tự bảo vệ mình.
Sự việc kéo dài suốt những năm học tiểu học khiến cô giáo và bố mẹ không ít lần phải can thiệp.
“Tôi cũng đọc sách, nghe tư vấn và dạy con hãy lên tiếng, hãy mạnh mẽ để tự bảo vệ mình. Trường hợp cần thiết nên phản kháng phù hợp để tỏ thái độ trước việc làm sai trái của bạn. Nhưng có lẽ do bản tính cháu hiền lành nên tình hình mãi không cải thiện. Đôi lúc tôi ước con mình lì lợm, bướng bỉnh một chút sẽ tốt hơn”, chị Thủy tâm sự.
Ngược với chị Thủy, chị Thu Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể: Tôi có đứa con trai lớp 4 mà suốt ngày ong đầu vì nghe mách tội. Đi làm mà cứ thấy số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm hay phụ huynh cùng lớp con gọi vào là lại lo có chuyện. Thấy bạn cùng lớp bị bắt nạt cũng tham gia giải quyết. Cô giáo bắt lỗi chưa chuẩn là nhất định không nghe mà sẽ giải thích bằng được, thậm chí phản kháng tiêu cực.
“Cu cậu khá thông minh nhưng cũng khá lì. Trong một tình huống bao giờ cũng đưa ra nhiều giả thiết. Ngay từ việc vì sao con không thích chơi cùng bạn này mà thích chơi với bạn kia. Hay lý luận quanh việc sẽ chỉ đồng ý nhận nhiệm vụ nào bố mẹ giao cho. Vì sao con thích đi bộ đến trường bằng đường này mà không đi theo đường bố mẹ chỉ… Con luôn có lý của con mà đôi khi bố mẹ cũng đành chịu vì không cãi thắng được những lý sự của con”, chị Thu Hằng phàn nàn.
Tuy nhiên, là người hiểu cá tính con, dù bị nhiều người chỉ trích con lì lợm nhưng chị vẫn tin ở tố chất tốt đẹp của con - có bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm.
Với kinh nghiệm của chuyên gia huấn luyện và phát triển con người, ông Trịnh Trọng Dương - Công ty Giáo dục và Phát triển con người True Success - cho rằng: Biểu hiện của mỗi đứa trẻ đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trẻ lì lợm, khó bảo, song vẫn có những ưu điểm cần những người giáo dưỡng chúng biết cách phát huy, khơi gợi để phát triển đúng hướng và cho thành quả.
Cha mẹ có con xu hướng lì lợm và bướng bỉnh cần bình tĩnh, tìm ra ưu điểm – thứ mà nhiều cha mẹ có con ngoan hiền ao ước, từ đó động viên, khuyến khích con phát triển bản thân.
Ảnh minh họa: INT
Ưu điểm của những đứa trẻ lì
Những đứa trẻ bị đánh giá “lì lợm, bướng bỉnh” thường không bận tâm điều người khác nói kể cả cha mẹ hay thầy cô, vì luôn có “hướng” riêng. Đôi khi, trẻ khiến cha mẹ cảm thấy mệt mỏi vì khó bảo nhưng chúng lại thường có phát kiến, có quan điểm riêng.
Chuyên gia tâm lý Đinh Thị Thu Hoài (Trung tâm Kỹ năng sống Inslight) cho biết: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm trẻ này thực chất ẩn chứa tính cách lạc quan, tâm lý ổn định và mạnh mẽ. Chúng luôn có những ý tưởng riêng, không bị “đồng hóa” với bất cứ ai khác.
Với những bé như vậy, chuyên gia Thu Hoài khuyên cha mẹ cần nuôi dưỡng tư duy độc lập của trẻ theo hướng tích cực. Được khuyến khích đúng mức, trẻ lớn lên sẽ dễ dàng thích nghi với xã hội, bởi chúng đủ mạnh mẽ để đối diện với những môi trường dù là căng thẳng, khắc nghiệt nhất. Cha mẹ hãy lắng nghe các ý tưởng và lưu tâm bồi đắp tư duy chủ động của con.
“Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng khi phát hiện ở con có những khuyết điểm, song trên thực tế, những “khác biệt” lại là thiên bẩm, có thể coi là điểm mạnh của riêng đứa trẻ. Có thể nhiều cha mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết những đứa trẻ bướng bỉnh và lì lợm lại có tâm lý ổn định, mạnh mẽ”, chuyên gia Thu Hoài cho hay.
Thực tế, không ít phụ huynh thường xuyên phải đối mặt với trường hợp con nói “Không!” với hầu như tất cả mọi yêu cầu từ bố mẹ.
Để dạy dỗ những trẻ này, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Lanh – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ một số “chiêu” đặc trưng: Kiên nhẫn lắng nghe và ngừng tranh luận; Phớt lờ những đòi hỏi không thỏa đáng của con; Động viên và khen ngợi con khi cần thiết; Cùng với đó, đừng cố bắt ép trẻ làm điều gì.
Trẻ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng, vì thế bố mẹ đừng cố bắt ép chúng làm những điều mà trẻ không muốn. Ví dụ, con đang ngồi xem tivi rất vui vẻ nhưng đã quá giờ đi ngủ. Khi ấy, nếu mẹ quát mắng, bắt bé đi ngủ ngay lập tức thì chắc chắn mẹ sẽ nhận được một tiếng “không” cùng với thái độ vùng vằng, khó chịu.
Thay vào đó, mẹ nên ngồi lại và cùng thưởng thức chương trình đó với con một lúc, sau đó nhẹ nhàng khuyên bảo bé đi ngủ. Hoặc có thể nói: “Con đợi mẹ làm nốt việc này rồi mình cùng đi ngủ nhé!” … hoặc nói “Con xem thêm 5 phút nữa rồi ngủ nhé”. Như vậy, trẻ sẽ có thời gian điều hòa và chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng thực hiện yêu cầu.