Trẻ thích trì hoãn vì thói quen phụ thuộc vào bố mẹ, sợ thất bại khi làm nhiệm vụ mới hoặc chưa có kỹ năng quản lý thời gian.
1. Không biết cách thực hiện
Trẻ né tránh làm việc nhà, học bài hoặc các nhiệm vụ được giao vì không biết cách thực hiện chúng. Khi không biết cách làm một công việc, người lớn không ngại tìm sự giúp đỡ hoặc mày mò tự làm nhưng trẻ em không giống vậy. Vì không biết làm nên các bé trì hoãn, lẩn tránh phải đối mặt với công việc.
Nếu phụ huynh giao nhiệm vụ cho con, hãy chỉ dẫn bạn muốn con làm gì và làm như thế nào. Nếu trẻ gặp khó khăn khi làm bài tập, bạn có thể giảng nhưng không nên làm hộ. Hãy nhắc con có chỗ nào chưa hiểu, hãy mạnh dạn hỏi cô ở lớp, không nên im lặng.
2. Ỷ lại vào bố mẹ
Nhiều đứa trẻ thông minh và biết rằng nếu trì hoãn, bố mẹ có thể làm hộ. Từ đó, không chỉ chây lười, các bé sẽ nảy sinh thói quen ỷ lại, thích nhờ vả người khác. Ngoài ra, bạn dọa phạt nếu con không làm việc nhà nhưng sau đó không hành động, trẻ sẽ trì hoãn các nhiệm vụ được giao.
Trường hợp trẻ lười biếng, phụ huynh hãy đưa ra hình phạt thỏa đáng để trẻ hiểu rằng những lời nhắc nhở của bố mẹ không phải nói suông. Vợ chồng bạn cũng nên thống nhất quy tắc phạt con, tránh giáo dục không đồng nhất. Như vậy, dù có áp dụng hình phạt, trẻ vẫn không nghe lời, thậm chí biết ăn vạ với phụ huynh chiều mình.
3. Sợ thất bại
Đôi khi, sự chần chừ đi đôi với sự cầu toàn. Nhiều trẻ từ nhỏ đã có suy nghĩ hoàn thành chỉn chu, hoàn hảo mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, với những nhiệm vụ không nằm trong thế mạnh, trẻ sẽ băn khoăn, sợ hãi không thể làm tốt, bị phê bình.
Nếu nhận ra con trì hoãn vì sợ thất bại, nhiệm vụ của bạn là khích lệ, thúc đẩy các bé đảm nhận công việc. Hãy nói với con rằng thất bại là hoàn toàn bình thường trong cuộc sống và mỗi người đều thành công nhờ học hỏi từ thất bại.
Chẳng hạn, bé trì hoãn việc chơi piano vì sợ đánh sai nốt nhạc, bạn hãy bảo rằng nghệ sĩ piano thành công từ những sai lầm như vậy. Thời gian đầu, khi trẻ chịu nhiều vấp ngã, hãy ở bên động viên, tạo không khí thoải mái, tránh tạo áp lực cho các bé.
4. Bị xao nhãng
Nhiều trường hợp trẻ trì hoãn vì bị thu hút bởi những nhiệm vụ hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, thay vì làm bài tập về nhà, các em có thể xem TV, chơi điện tử. Lâu dần, các em sẽ hình thành thói quen trì hoãn, ngay cả khi không có việc thú vị hơn để làm.
Bạn nên tránh giao nhiệm vụ trong thời gian giải trí của trẻ. Nếu không phải thời gian rảnh, hãy yêu cầu trẻ tắt TV, kết thúc công việc đang làm để thực hiện yêu cầu. Với việc học bài, phụ huynh hãy xếp một lịch học cụ thể trong ngày, nói với con rằng vào thời gian đấy, mọi nhiệm vụ bên lề đều không được chấp nhận.
Trong nhiều trường hợp, vì bị ngắt quãng, trẻ có thể không trì hoãn nhưng làm việc thiếu tập trung, dẫn đến hiệu quả thấp. Chẳng hạn, trẻ đang chơi với bạn bè nhưng bị yêu cầu dọn phòng, các em sẽ buồn bã, cáu giận hoặc làm việc lề mề. Thay vào đó, phụ huynh có thể linh hoạt, cho con thời gian hoàn thành trò chơi, nói lời tạm biệt với bạn bè trước khi quay về nhà dọn phòng.
5. Quản lý thời gian kém
Quản lý thời gian là kỹ năng không phải ai cũng biết và cũng cần được trau dồi, luyện tập. Với trẻ em, việc tự quản lý thời gian còn khó khăn. Nhiều em xem nhẹ thời gian làm nhiệm vụ nên thường bỏ qua nó, đợi đến sát nút mới thực hiện. Nếu không được sửa kịp thời, trẻ sẽ hình thành thói quen trì hoãn trong công việc, luôn đợi đến gần thời hạn mới bắt tay làm. Để giúp trẻ thay đổi, bạn nên dạy con cách quản lý thời gian từ nhỏ.
Theo Verywell Family, Parents