Nguyên tắc nuôi dạy trẻ theo cách thức Montessori hiện nay được cha mẹ Việt tìm hiểu, chọn lọc và áp dụng vào cách giáo dục con mình, để con có thể phát triển về thể chất và tâm lý một cách tốt nhất.
Nguyên tắc bao dung
Cha mẹ luôn hy vọng con có thể tự chủ và có trách nhiệm với những điều con làm, nên những công việc mà con có thể làm được, cha mẹ đều giao phó cho con. Tuy nhiên, khi con làm lần đầu có thể con sẽ không thích ứng và tỏ ra khó chịu, mè nheo. Cha mẹ cần hết sức bao dung cho con, kiên nhẫn chỉ dạy con từ từ cho đến khi con làm được, đừng vì thấy con không thích nên bỏ qua hoặc ép con phải làm cho bằng được, như vậy trẻ sẽ có tâm lý tiêu cực trong những việc mà cha mẹ giao cho.
Nguyên tắc bình tĩnh
Những bà mẹ khi con còn nhỏ thường khá căng thẳng vì không thể chịu được tính cách chậm chạp và hay quấy khóc của con mình, nhất là trong giai đoạn từ 2-3 tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải thực hiện nguyên tắc bình tĩnh đối với con, không nên hối thúc con, như vậy trẻ sẽ sinh ra tính cách khi nào cần có người nhắc mới làm, nếu như con không làm, hãy nói con đến bên và làm mẫu một lần nữa sau đó yêu cầu con làm lại, khi thực hiện cùng con nhiều lần như vậy, lần sau con không cần nhắc nhở mà sẽ hình thành thói quen ngăn nắp và tự dọn dẹp đồ của mình.
Nguyên tắc đơn giản
Con ở giai đoạn này chỉ mới hình thành nhận thức và giống như một tờ giấy trắng, khi cha mẹ “vẽ” lên tờ giấy đó những điều đơn giản, thì trẻ sẽ hiểu theo cách đơn giản, nếu cha mẹ dạy dỗ con những điều quá phức tạp, trẻ chắc chắn sẽ không hiểu. Nên các bậc phụ huynh hãy áp dụng nguyên tắc đơn giản, vào thẳng vấn đề cần nói với con, và dùng những từ ngữ để con dễ hiểu nhanh nhất trong độ tuổi phù hợp.
Nguyên tắc không phần thưởng
Trong cách giáo dục con của cha mẹ Việt, thì hình thức phần thưởng luôn được áp dụng cho con khi con đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên theo nguyên tắc Montessori trong giáo dục con trẻ thì không. Việc cha mẹ cần làm là cho con hiểu tại sao con phải thực hiện những điều đó, kết quả khi con thực hiện, và nếu như con làm sai hay không thực hiện thì con sẽ như thế nào. Chứ không phải rút gọn quá trình dạy con theo kiểu khi con học sinh giỏi, con sẽ có phần thưởng. Rốt cuộc trẻ sẽ học vì phần thưởng chứ không phải trẻ học vì lợi ích đường dài của mình, chính vì vậy nguyên tắc không phần thưởng nhằm giáo dục con hiểu kết quả cuối cùng của những điều con làm, chứ không phải con làm vì yêu cầu của cha mẹ.
Nguyên tắc không xử phạt
Giống như nguyên tắc không phần thưởng, nguyên tắc không xử phạt cũng cần được áp dụng với trẻ. Bởi việc cha mẹ cần làm là khéo léo chỉ bảo con sẽ cần làm những gì, chứ không phải bắt buộc con làm, nếu như con không làm thì cha mẹ sẽ xử phạt con, làm như vậy con sẽ mang tâm lý chán nản và mệt mỏi, không muốn thích nghi với những điều đó. Cho nên cha mẹ phải thật nhẫn nại để chỉ bảo con chứ không phải đưa ra hình phạt thích đáng để con chấp nhận làm theo yêu cầu.