Luôn than đói
Nếu bạn nhận thấy con mình lúc nào cũng than đói và thậm chí ăn nhiều vẫn không đủ no, hãy hỏi ý kiến bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân là khi không sản xuất đủ hormone insulin, cơ thể không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng hoạt động và tình trạng thiếu năng lượng này làm tăng cảm giác đói.
Khát nước và đi tiểu thường xuyên
Hay khát nước và đi tiểu nhiều đều là những triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường ở trẻ em. Theo đó, tình trạng mất cân bằng chất dẫn lưu trong cơ thể gây ra cảm giác khát nước quá mức, ngay cả khi trẻ vừa uống xong.
Mặt khác, khi lượng đường glucose trong cơ thể tăng vọt, thận sẽ nhận được tín hiệu phải đào thải lượng glucose dư thừa ra ngoài qua nước tiểu. Hệ quả là khiến bệnh nhi đi tiểu nhiều hơn, làm cơ thể mất nước và thường xuyên cảm thấy khát.
Thị lực suy giảm
Tỉ lệ mắc bệnh mắt ở trẻ em bị tiểu đường nhiều hơn so với trẻ có sức khỏe bình thường. Nguyên do là đường huyết cao dễ làm tổn thương các dây thần kinh thị giác và gây ra các vấn đề thị lực như nhìn mờ hoặc mù hoàn toàn, nếu bệnh không được kiểm soát tốt.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Bệnh nhi tiểu đường có xu hướng sụt cân nhiều trong thời gian rất ngắn. Ðiều này là do khi lượng insulin quá thấp, quá trình chuyển đổi glucose thành năng lượng bị hạn chế, buộc cơ thể đốt cháy năng lượng tích trữ trong cơ và mỡ tích trữ để lấy năng lượng, dẫn tới sụt cân nhanh.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ em mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa. Đồ họa: B.C
Hơi thở có mùi hôi
Hơi thở có mùi hôi do cơ thể thiếu insulin và được xem là triệu chứng tiểu đường gây tử vong ở trẻ em. Bởi khi thiếu glucose, cơ thể bắt đầu đốt cháy mỡ lấy năng lượng và quá trình này tạo ra xeton.
Mùi đặc trưng có thể được nhận biết bằng hơi thở có mùi hôi giống trái cây hư, cá tanh, mùi sữa chua.
Luôn mệt mỏi
Trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 không có đủ insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng hoạt động. Từ đó, trẻ luôn thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức chỉ sau một hoạt động thể chất nhỏ.
Nhiễm nấm
Một nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn, đặc biệt là ở các bé gái. Hệ vi sinh vật đường ruột là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh tự miễn dịch như tiểu đường.
Khi lượng đường trong cơ thể cao sẽ làm rối loạn hệ vi sinh vật, tăng nguy cơ nhiễm nấm.
Lâu lành vết thương
Ðường huyết cao trong cơ thể làm rối loạn chức năng của hệ miễn dịch, tăng viêm nhiễm, ngăn cản quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng và dẫn đến giảm lượng máu đi đến các bộ phận cơ thể.
Tất cả những điều này khiến vết thương chậm lành, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho trẻ.