Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một số câu tưởng như vô hại lại cũng khiến trẻ giảm tự tin, hoặc gây ra những cảm xúc rất tiêu cực ở con trẻ.
“Phải cố gắng, cố nữa vào”
“Bố mẹ biết là con có thể cố hơn nữa”. Bạn bực mình vì biết rằng con mình thừa sức học giỏi hơn nữa, chơi thể thao giỏi hơn nữa? Tuy nhiên, bất kỳ lời bình luận nào có vẻ như cha mẹ không thoả mãn với những nỗ lực của con cái thì không chỉ khiến con nản chí, mà còn có thể làm điều ngược hẳn lại với việc khuyến khích con cố gắng thêm.
Nếu câu “cố nữa vào” mà ba mẹ đang định nói với con có liên quan tới các nhiệm vụ hay việc làm hàng ngày, chúng ta có thể nên nói rõ và đơn giản, dễ hiểu hơn theo kiểu thế này: “Khi nào con dọn xong giường thì con có thể ra ngoài chơi với các bạn”.
Hoàn toàn sai
“Con lúc nào cũng…”, “Con không bao giờ…”. Ở trung tâm của những câu nói này là những “cái nhãn” có thể được gắn vào con trẻ suốt cả đời. Nếu cha mẹ thường xuyên trách cứ con rằng bé “luôn luôn” quên rửa tay trước khi ăn, có thể khiến con dễ trở thành một người sau này không bao giờ rửa tay trước khi ăn.
Thay vì thế, hãy hỏi con xem bạn có thể giúp con thay đổi bằng cách nào: “Mẹ để ý thấy hình như con ít nhớ được việc rửa tay trước khi ăn. Mẹ con mình thử nghĩ xem có giải pháp nào hay hay để con nhớ tốt hơn không nhé!” Như vậy sẽ tốt hơn cho bé rất nhiều.
Chẳng cần lý do
Một số gia đình thường dùng phương pháp áp đặt với con. “Cấm cãi: Câu nói này đặt toàn bộ quyền kiểm soát vào tay cha mẹ, và hoàn toàn gạt đi ý chí độc lập – vốn đang ngày càng tăng của các bé, khiến các bé giảm khả năng tự tìm hiểu, tự suy luận. Nó cũng làm bạn mất đi một cơ hội để dạy con về cách suy nghĩ.
Ví dụ, con bạn muốn đi đá bóng trong khi còn nhiều bài tập phải làm. Thay vì câu “Con không được phép”, bạn có thể thử nói: “con có thể đá bóng khi đã hoàn thành xong bài tập”.
Không nên sử dụng câu “Bố/mẹ Đã bảo rồi mà”
Bạn liên tục bảo với con rằng nếu cứ chơi điện tử suốt buổi chiều, thì sẽ không còn thời gian để chuẩn bị cho bài kiểm tra toán ngày hôm sau. Và sự thể thế nào? Vì không học bài kỹ, con bạn làm bài không tốt thật! Nhưng câu nói “Mẹ đã nói rồi!” chỉ nói với bé rằng cha mẹ luôn đúng và ngược lại, con luôn sai.
Thay vì thế, hãy chỉ ra những kết quả tích cực nếu con làm theo lời bạn. Ví dụ, bạn nhắc con đi học bài, và nói: “Con mà học bài kỹ, chắc chắn con sẽ làm tốt bài kiểm tra, đúng không con?” Như thế sẽ giống như đặt quyền kiểm soát và lòng tin vào con bạn hơn.
Dẹp yên cảm xúc
“Con đừng lo – ngày đầu tiên đi học lớp một sẽ ổn thôi”. Ái chà, việc xoa dịu một đứa con đang lo lắng thì có gì sai chứ? Thực tế, nếu cha mẹ bảo con mình đừng lo, là bạn đã phủ nhận cảm xúc tự nhiên của bé.
Vì suy cho cùng, bé nhà bạn vẫn lo lắng về ngày đầu tiên đi học, và lại thêm lo lắng rằng “sao mình lại lo lắng thế này?!”, hoặc lo rằng liệu bạn có buồn bực vì việc bé đang cảm thấy lo lắng hay không. Thay vì thế, cha mẹ nên nói: “Mẹ thấy là con lo lắng. Hay là con kể cho mẹ nghe con lo nhất chuyện gì đi, biết đâu mẹ có thể giúp con vượt qua được chuyện đó?”
Chuyện bạn bè
“Mẹ muốn con không chơi với B; mẹ không thích nó”. Đúng, rất nhiều bậc phụ huynh không thích một vài đứa trẻ nào đó, vì bất kỳ lý do gì; nhưng chính cái khoảnh khắc bạn nói con bạn rằng bạn không ưa “đứa trẻ đó”, thì “đứa trẻ đó” bỗng trở nên… cuốn hút hơn nhiều trong mắt con bạn.
Tốt nhất cha mẹ nên thảo luận với con, với hy vọng “cài cắm” được vào đó câu chuyện về những giá trị, về đúng sai để con tự nhận thức. Bạn cũng có thể hỏi con một số câu hỏi mở, như “Sao con thích chơi với bạn B?”, “Các con thường chơi gì với nhau?”… rồi phân tích những đúng sai trong hành động của các bé, như vậy sẽ tốt hơn nhiều việc cấm cản.
Tự làm tất cả
“Cách làm không phải như thế! Đây, để mẹ làm cho”. Bạn nhờ con mình làm một việc gì đó, nhưng bé lại làm không tốt lắm. Thật khó mà kiềm chế để không nhảy vào và tự làm lấy cho xong, nhưng như thế sẽ là một sai lầm, vì nếu cái gì bạn cũng tự làm cho nhanh, thì con bạn sẽ không bao giờ học được cách làm, và sau này sẽ ít chịu thử bất kỳ việc gì khác khi bạn nhờ.
Nếu thực sự cần, bạn có thể can thiệp vào việc con đang làm, nhưng theo cách hợp tác thay vì phủ nhận việc làm của con: “Đây, để mẹ cho con xem một “tuyệt chiêu” mà mẹ học được trên tivi về việc gấp quần áo nhé! Rất dễ con ạ, con có thể làm y hệt”.
So sánh
“Sao con không được như anh/chị con chứ?” Sự cạnh tranh giữa anh chị em là điều rất khó tránh – và bất kỳ câu gì cha mẹ nói gợi lên sự so sánh thì chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Sự so sánh luôn đặt những đứa con của bạn vào các “thư mục”: đứa thông minh, đứa chậm chạp, đứa năng động… Và vô hình trung, bạn sẽ khiến con mình nản chí, không muốn thử những việc mà anh/chị mình giỏi hơn. Tốt nhất, bạn có thể thử khuyến khích mỗi đứa con theo đuổi sở trường và sở thích của mình, và không so sánh con với bất kỳ ai, nhất là những người thân xung quanh bé.