Theo như phát biểu của tổ chức UNICEF tại Việt Nam “ UNICEF tin rằng mọi trẻ em đều có quyền có được sự khởi đầu tốt nhất và phát triển tối đa tiềm năng của mình, tất cả trẻ em đều có quyền học tập, phát triển đầy đủ, được lắng nghe và tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến cuộc sống của các em”
Trẻ em cần được ba mẹ lắng nghe và tạo điều kiện để phát triển toàn diện
Cũng theo tổ chức này 1000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất của các em. Chính vì vậy ba mẹ cần có kế hoạch phát triển toàn diện cho trẻ về mọi mặt.
PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CHO TRẺ EM LÀ BAO GỒM NHỮNG MẶT NÀO?
Theo luật trẻ em năm 2016 – Điều 4: Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ. Điều Luật này đã bao gồm đầy đủ những mục đích hướng tới của các phương pháp giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ.
– Thể chất: Trẻ muốn học hỏi hết bất kể là bộ môn nào, kiến thức gì điều kiện tiên quyết đầu tiên và đảm bảo cho sự thành công lên đến 90% là thể lực. Thể lực đáp ứng mọi nhu cầu khắt khe trong quá trình tiếp nhận tri thức. Những bài tập ngay khi có thể và trong thời gian thích hợp, sẽ là tiền đề để trẻ có thể bền bỉ trong mọi hoạt động ở tương lai.
– Trí tuệ: Albert Einstein từng nói “ Dấu hiệu thật sự của trí tuệ không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng”. Ba mẹ hãy tìm mọi cách để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của con thông qua các hoạt động hàng ngày, thúc đẩy quá trình phát triển hoàn toàn bán cầu não phải cho trẻ trong thời gian thích hợp, tạo tiền đề cho khả năng sáng tạo và nền tảng tiếp nhận, phân tích tri thức sau này. Đây là phương thức thành công của hầu hết các thiên tài trên thế giới.
– Tinh thần: Sự tôn trọng ý kiến lẫn nhau giữa ba mẹ và con cái luôn được đánh giá cao và mang lại kết quả tốt về sự gắn kết và cởi mở trong gia đình. Sự sẻ chia giữa ba mẹ và con cái sẽ là sợi dây hạnh phúc, mang đến những ý nghĩ tích cực trong mọi hoạt động, giúp hình thành nhân cách tuyệt vời cho trẻ. Ngoài ra tinh thần thoải mái sẽ mang đến nhiều hứng khởi trong quá trình tiếp nhận tri thức, góp phần không nhỏ vào sự sáng tạo tri thức trong tương lai.
Trẻ sẽ học được nhiều cảm xúc khi được hướng dẫn và tiếp cận với người khác đúng cách
– Đạo đức: Đạo đức chính là phần nhân cách của mỗi con người, được đánh giá qua nhiều mặt, nhưng một người trưởng thành muốn được đánh giá đạo đức đúng chuẩn với xã hội cần có quá trình rèn giữa và hun đúc từ khi còn nhỏ. Nhà sinh học người Nga, Ivan Petrovich Pavlov đã từng nói “ Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày”, câu nói này không chỉ đúng về trường hợp hun đúc nhân cách cho trẻ, mà đúng trong tất cả các đề mục cần thiết để phát triển toàn diện cho trẻ.
– Các mối quan hệ xã hội: Quá trình phát triển cảm xúc, cách xử lý với những cảm xúc tiêu cực chính là cách bắt nguồn những mối quan hệ xã hội lâu bền. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, chúng sẽ ghi lại các cảm xúc tốt và cả những cảm xúc xấu và phương thức xử lý của người lớn, chính vì vậy ba mẹ là người có vai trò quan trọng dẫn dắt, khơi nguồn những cảm xúc tích cực và hướng dẫn trẻ xử lý những cảm xúc tốt để bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với bản thân, tự tin và xây dựng được những mối quan hệ chân thành xung quanh mình.
Để đáp ứng được tất cả những điều cần thiết trong việc phát triển toàn diện cho trẻ như trên, ba mẹ cần lựa chọn các phương pháp giáo dục sớm và cách ứng xử phù hợp với con ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Nhưng “trẻ còn nhỏ” này là từ lúc nào ba mẹ nên bắt đầu?
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CHO TRẺ NÊN BẮT ĐẦU TỪ LÚC NÀO?
Cho phép chúng tôi nhắc lại một lần nữa câu nói nổi tiếng của nhà sinh học người Nga Ivan – Trẻ sinh ra ngày thứ 3 mới bắt đầu giáo dục là đã chậm mất 2 ngày, chính vì vậy ba mẹ cần thiết phải lên kế hoạch để thực hiện các phương pháp giáo dục sớm nuôi con thông minh phù hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh của bản thân.
Ba mẹ nên có kế hoạch dạy con ngay từ khi con bắt đầu có thể giao tiếp cùng ba mẹ
Tuy nhiên để tạo nền tảng giao tiếp tốt nhất cho con ngay từ khi bắt đầu, thì ba mẹ có thể theo dõi các giai đoạn thai kỳ khác nhau, đến giai đoạn em bé có thể nghe nói chuyện, có phản ứng với các âm thanh là đã sẵn sàng cho các cuộc trao đổi giữa ba mẹ và bé.
Cách tiếp cận để có thể giúp con phát triển toàn diện tất cả các mặt tri thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này như thể chất, trí lực, nhân cách… đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ và sự kiên nhẫn của ba mẹ. Hiện nay có rất nhiều các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ khác nhau, mang đến nhiều sự chọn lựa nhưng cũng mang đến nhiều khó khăn khi thực hiện. Hãy chọn một phương pháp tốt nhất, có thể gắn kết tình cảm gia đình mà vẫn có thể phát triển về tri thức cho trẻ để đáp ứng sự phát triển toàn diện trong tương lai.