Trong những năm đầu đời, não bộ của trẻ phát triển nhanh và mạnh. Lúc mới sinh trọng lượng não chiếm 25% trọng lượng não của người trưởng thành, đến lúc 3 tuổi là 90%, thời gian còn lại đến khi trưởng thành não chỉ tăng thêm 10% nữa.
Đây là thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển thể chất, trí tuệ, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của trẻ và cũng là nền tảng cho sự phát triển ở giai đoạn sau. Do đó cha mẹ cần có những phương pháp chăm sóc trẻ đúng cách.
Giáo dục sớm không phải là nhồi nhét kiến thức
Theo NGND.PGS.TS.BS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người: Giáo dục sớm không phải là để nhồi nhét kiến thức mà là góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ, nhằm khai mở các tiềm năng và khả năng phi thường của trẻ trong những năm đầu đời, hình thành nền tảng tốt đẹp cho cả đời. Giáo dục sớm khuyến khích trẻ thăm dò thế giới xung quanh qua các hoạt động thể nghiệm của bản thân khác với việc dùng ngôn ngữ để truyền bá tri thức có sẵn. Các tố chất cần giáo dục sớm cho trẻ: Sức khỏe tốt, đầu óc linh hoạt, sáng tạo, có niềm say mê hứng thú, tính cách tốt, biết yêu thương và giao tiếp, phát triển ngôn ngữ (thị giác và ngoại ngữ), yêu thích thiên nhiên...
Trẻ cần được chăm sóc, phát triển thể chất, trí tuệ ngay từ những năm đầu đời. Ảnh: TM
Các yếu tố tác động đến sự phát triển trong những năm đầu đời
Sức khỏe và dinh dưỡng: Trong 3 năm đầu đời, chiều cao của trẻ sau sinh sẽ tăng gấp 2 lần, cân nặng tăng gấp 5 lần. Do đó các can thiệp để trẻ đạt cân nặng và chiều cao tối ưu sẽ đạt hiệu quả nhất trong giai đoạn này. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, chú trọng giáo dục sớm sẽ kích thích tiềm năng phát triển của não bộ.
Tương tác và kích thích: Trẻ nhỏ thường được đòi hỏi tương tác sớm thông qua các hoạt động tự nhiên nói, biểu cảm mặt, cử chỉ và người lớn phản ứng lại cùng các cử chỉ, ngôn ngữ như của trẻ. Sự kích thích tương tác giữa trẻ nhỏ và cha mẹ, người chăm sóc giúp tăng cường khả năng học tập một cách tích cực và lâu dài - thậm chí có thể thay đổi chức năng của não bộ trọn đời.
Giáo dục sớm: Là quá trình giáo dục nhằm khai thác tiềm năng tối đa của con người. Trong 3 năm đầu dời, nếu được sống trong môi trường giáo dục đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nhiệm phong phú kích hoạt não sớm từ giai đoạn này sẽ giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa. Khi kết hợp chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe với các hoạt động tương tác, giáo dục sớm sẽ kích thích trẻ phát triển toàn diện về thể lực và trí lực.
An toàn và bảo vệ: Bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, bạo hành, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn và bình đẳng, giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng, có được sức khỏe tốt, kết quả học tập và phát triển tốt hơn.
Một số việc làm kích thích sự phát triển của trẻ
Chú ý đến tai nghe và ngôn ngữ của trẻ: Nói chuyện hàng ngày với trẻ sẽ giúp trẻ sớm tập nói. Gọi tên những đồ vật, những việc bạn làm, chỉ hoặc biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt bạn. Trẻ nhỏ học 2 thứ tiếng dễ dàng hơn so với người lớn. Nhiễm trùng tai ở trẻ có thể làm chậm sự phát triển ngôn ngữ vì trẻ không nghe rõ tiếng người nói.
Dạy trẻ mọi lúc mọi nơi: Mỗi ngày nên dạy trẻ một điều mới từ những việc nhưng thứ nhìn thấy.
Âm nhạc: Sử dụng âm nhạc giúp trẻ phát triển tâm hồn và trí tuệ. Cảm thụ âm nhạc qua nghe âm thanh và các giai điệu có lời, không lời... cũng sẽ kích hoạt các kết nối mới trong não.
Vận động: Ngoài lợi ích tăng cường sức khỏe, thể lực, chống béo phì, vận động còn hỗ trợ não bộ trẻ hoạt động hiệu quả, tăng liên kết thần kinh, phát triển trí thông minh.
Sờ, cảm nhận, ngửi, nghe nhìn: Là các loại hoạt động cảm giác có lợi cho sự phát triển của não. 5 giác quan thính giác, thị giác, xúc giác, vị giác và khứu giác là các cửa sổ cơ hội giúp trẻ có thể học sớm.
Đọc sách cho trẻ hàng ngày: Một trong những điều quan trọng nhất để tăng cường sự phát triển của não là đọc sách to tiếng cho trẻ nghe hàng ngày.
Phát triển hành vi mong muốn ở trẻ: Trẻ sẽ học những hành vi của người lớn xung quanh. Người lớn nói to trẻ sẽ nói to, người lớn tiếp xúc nhẹ nhàng âu yếm trẻ sẽ học cách như vậy... Người lớn là tấm gương cho trẻ học theo, do đó cần phải có hành vi, lời nói, ứng xử phù hợp, đúng đắn.
Cho trẻ bú mẹ và cung cấp dinh dưỡng hợp lý: Cung cấp nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng và thực hiện khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi. Xây dựng chế độ sinh hoạt hàng ngày giúp trẻ phát triển đi vào nề nếp.