Không biết từ đâu mà “dân gian thời hiện đại” thường truyền tụng nhau một câu nói rất… dễ gây buồn lòng, rằng “đầu óc ngu si thì tứ chi phát triển”. Thật ra, việc phát triển khả năng sử dụng các phần khác nhau của cơ thể như tay, chân… để thực hiện một hành động nào đó là một phần trí não rất quan trọng trong các khả năng trí tuệ của con người.
Hệ thần kinh con người là một điều kỳ diệu
Hệ thần kinh của con người được chia làm rất nhiều phần khác nhau, mỗi phần có trách nhiệm cho một hoạt động trí tuệ khác nhau: thần kinh giác quan thu nhận thông tin về thế giới chung quanh; thần kinh thực vật (còn gọi là thần kinh tư động) điều khiển hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể từ tim, phổi cho đến tuyến mồ hôi mà không cần quan tâm đến ý muốn của chủ thể.
Bán cầu não trái có trung khu thần kinh ngôn ngữ giúp nhận thức và sử dụng ngôn ngữ, trung khu thần kinh logic giúp sắp xếp thông tin; bán cầu não phải xử lý các thông tin thuộc về nhóm trừu tượng như nhận diện hình ảnh, định hướng, liên tưởng, trí tưởng tượng, trí nhớ…
Thế nhưng, tất cả những hoạt động trên đây của hệ thần kinh chỉ mới dừng lại ở mức thu nhận và xử lý thông tin để hiểu vấn đề, và hiểu rồi không làm gì cả thì chưa thể gọi là hoàn thành một hành vi trí tuệ. Sinh vật cần sự hoạt động chính xác của hệ cơ xương khớp để thực hiện các lệnh từ não đưa xuống. Bộ phận thần kinh giúp cho cơ xương khớp hoạt động được gọi là hệ thần kinh vận động.
Sự phân công của các tế bào thần kinh
Cũng như các phần khác của hệ thần kinh, các tế bào thần kinh được phân công điều khiển hệ vận động đã nhận nhiệm vụ từ trong bào thai để xây dựng hệ thống trung khu điều khiển vận động và các sợi dây thần kinh nối đến tận từng bắp cơ của cơ thể.
Thế nhưng, cũng như các phần khác của hệ thần kinh, lúc chào đời các tế bào thần kinh vận động vẫn cần thời gian 2-3 năm để tiếp tục hoàn thiện, và chỉ hữu ích cho cơ thể nếu được kích hoạt và sử dụng thường xuyên. Chính vì lý do này, trong các bài tập trắc nghiệm về trí tuệ của bé, luôn có một phần quan trọng dành cho trắc nghiệm về vận động, ví dụ đứng trên một chân, nhảy cò cò, cầm một viên bi bằng hai ngón tay, nhặt hạt cườm bỏ vào hũ…
Nếu bé không thể vượt qua các trắc nghiệm này, điểm đánh giá về phát triển tâm lý hay trí tuệ của trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đó mẹ.
Phát triển trí tuệ không đơn giản là thu nạp kiến thức
Để phát triển trí tuệ cho trẻ, không chỉ đơn thuần là dạy cho trẻ thật nhiều kiến thức và giúp trẻ nhớ các kiến thức đó thôi đâu, mà còn là sự luyện tập đồng bộ để các kiến thức đó được thực hiện trong một hành vi cụ thể nào đó.
Việc chọn lựa đồ chơi, hay hình thức hoạt động cho trẻ nên phù hợp với sự phát triển của hệ vận động và kích thước cơ thể. Ví dụ khi chọn đồ chơi xếp hình, nếu trẻ nhỏ hơn thường phải chọn kích thước bộ đồ chơi lớn hơn với số khối ít hơn và chi tiết ít phức tạp hơn để phù hợp với khả năng nhận thức còn đơn giản của trẻ, nhưng nếu trẻ lớn hơn vẫn chơi những món đồ này, thì sẽ không luyện được sự khéo léo của các cơ tay.
Cũng trên nguyên tắc này, việc cho trẻ tập đi khi các cơ bắp chân và cơ quanh cột sống chưa phát triển đủ, tập viết khi các cơ tay và xương bàn tay còn yếu… được xem là hình thức “ép uổng” hệ vận động làm việc khi còn chưa đủ lực, và điều này có thể dẫn đến các nguy cơ lâu dài, như biến dạng xương, suy kiệt cơ…
Ngược lại, nếu chỉ cho trẻ học kiến thức mà không rèn luyện vận động để biến kiến thức đó thành một sản phẩm cụ thể thì hệ thần kinh vận động không được kích hoạt, không được tập luyện, trẻ sẽ mất đi cơ hội có được “trí tuệ của cơ bắp” tốt nhất cho mình.