1. Trẻ nhỏ không thể làm việc nhà
Với những công việc nhà phù hợp, trẻ 3 tuổi có thể hoàn thành tốt. Ví dụ, trẻ 3 tuổi không thể cắt cỏ nhưng có thể giúp bố mẹ dọn dẹp vườn. Các em cũng có thể giúp cất đồ chơi sau khi chơi hoặc tự lấy quần áo mặc.
Nếu bắt đầu sớm, trẻ sẽ xem làm việc nhà là nhiệm vụ thông thường của các thành viên trong gia đình.
2. Trả tiền để làm việc nhà
Nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ không được trả tiền để làm việc nhà hưởng lợi nhiều hơn từ công việc của mình. Bởi các em hiểu phần thưởng là được đóng góp công sức xây dựng gia đình. Khuyến khích trẻ làm việc nhà bằng tiền bạc gửi đi thông điệp rằng "không ai làm việc không công".
Tuy nhiên, nếu thỉnh thoảng muốn khích lệ trẻ, phụ huynh có thể thưởng tiền hoặc món đồ về vật chất, tinh thần khác. Những món quà không nên có giá trị tiền bạc quá lớn.
3. Buộc trẻ làm việc nhà
Ép buộc trẻ làm bất cứ điều gì không phải cách tốt để nuôi dạy. Ép buộc đồng nghĩa với xung đột và xung đột thường dẫn đến oán giận. Những cảm xúc tiêu cực sẽ là "bệ phóng" cho các hành vi thiếu tôn trọng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trẻ không thích sẽ không phải làm việc nhà. Bố mẹ có thể thay đổi cách yêu cầu con làm việc. Ví dụ biến việc nhà thành trò chơi, cơ hội học hỏi điều mới.
Ảnh:
Shutterstock.
4. Làm việc nhà cần nghiêm túc
Khi trẻ làm việc nhà, bố mẹ có thể khuyến khích con bật bài hát, bản nhạc vui nhộn để tạo niềm vui. Nhiều trẻ không thích việc nhà vì nghĩ nhàm chán, thiếu sự linh hoạt. Nhưng nếu bạn cổ vũ bằng những hoạt động thú vị, con sẽ dần thích làm việc nhà.
5. Trẻ phải làm việc nhà độc lập
Trẻ học tốt nhất là thông qua quan sát hành động của người lớn. Điều này đồng nghĩa bạn nên cùng con làm việc nhà để vừa hướng dẫn, vừa làm gương cho trẻ. Dần dần, khi lớn hơn, các em sẽ hình thành thói quen làm việc nhà hoặc chủ động khi thấy có việc cần làm.
Nhưng ngay cả thời điểm đó, trẻ sẽ có nhiều động lực hơn nếu cả gia đình cùng tham gia làm việc nhà. Mọi người nên cùng nhau làm việc nhà để biến gia đình thành nơi sạch đẹp.
6. Đòi hỏi sự hoàn hảo
Hiệu quả công việc được đánh giá dựa trên độ tuổi, khả năng của trẻ. Nếu bạn yêu cầu trẻ 4 tuổi phủi bụi trên giá sách, một số chỗ chắc chắn còn lại vết bẩn. Nếu bạn yêu cầu trẻ lớp hai gấp quần áo, chắc hẳn sẽ có vài bộ bị nhăn.
Tuy nhiên, bạn không giao việc nhà cho con bởi vì bạn không thể tự làm những công việc này. Bạn đang dạy con cách làm việc nhà và ý nghĩa của công việc. Vậy nên việc còn sót chút bụi hay quần áo bị nhăn không thực sự quan trọng. Kỳ vọng ban đầu và xuyên suốt của việc yêu cầu con làm việc nhà là hình thành thói quen và trách nhiệm với công việc chung của gia đình.