Sơ cấp cứu là vấn đề tưởng nhỏ mà lớn, tưởng khó mà dễ. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức hay để xử lý các trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp.
Sơ cấp cứu là gì và nó quan trọng thế nào? Sơ cấp cứu là 1 việc vô cùng cần thiết bởi vì thời gian chờ đợi bác sĩ hay những người cấp cứu đến có thể làm nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm hay không thể cứu được nữa cho dù được đưa đến bệnh viện.
Đặc biệt với trẻ em, vốn là đối tượng có sức khỏe, thể trạng yếu dễ bị tổn hao sức khỏe thân thể do tai nạn, thao tác này càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Sơ cấp cứu là gì?
Sơ cấp cứu là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu với người bị nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính.
Nếu là người đầu tiên có mặt ở hiện trường, khi tiếp cận nạn nhân, bạn hãy sơ cứu ngay cho nạn nhân bằng kiến thức và các phương tiện sẵn có của mình, đồng thời gọi ngay người trợ giúp và gọi y tế hỗ trợ cấp cứu.
Nếu sơ cấp cứu đúng cách, bạn có thể giúp bản thân và mọi người xung quanh ngăn ngừa tình trạng chấn thương hoặc bệnh tật trở nên tồi tệ. Đối với trường hợp bệnh khẩn cấp và nguy hiểm, bạn thậm chí có thể cứu sống người bị nạn đấy.
Phụ huynh cần biết sơ cấp cứu là gì để kịp thời xử lý khi bé yêu gặp tai nạn
Quy trình cấp cứu ABCDE
Dưới đây là quy trình cấp cứu chuẩn dành cho các trường hợp tai nạn:
1. Đường thở (A – Airway)
Trong xử trí đường thở, trước hết cần nhận biết nếu bệnh nhân tỉnh, còn tiếp xúc được hay không? Nếu có tắc nghẽn cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau:
- Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để xem còn thở hay không.
- Mở miệng nạn nhân kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật hay không?
- Nếu có nhiều đờm dãi thì phải dùng ngón tay móc lấy sạch dị vật đờm dãi.
Nếu nạn nhân còn khó thở thì phải ngửa đầu ra sau, và đẩy hàm dưới nâng cằm lên để giữ cho đường thở được thẳng trục, giúp đường thở thông thoáng hơn.
2. Hô hấp (B – Breathing)
Nếu thấy nạn nhân thở ngáp hoặc ngừng thở, tím tái thì phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi vào miệng hoặc mũi của nạn nhân.
Nếu nạn nhân có tổn thương ngực hở rộng, chảy nhiều máu cần đặt ngay miếng gạc lớn hoặc lấy quần áo sạch đặt lên vết thương và băng kín, mục đích cầm máu và hạn chế khí tràn vào khoang ngực (vì khí vào càng làm nạn nhân khó thở hơn).
Tuyệt đối không lấy bỏ dị vật đang cắm trên ngực vì có nguy cơ sẽ gây chảy máu ồ ạt, làm nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng.
3. Tuần hoàn (C – Circulation)
Bạn cần đánh giá tuần hoàn dựa vào bắt mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn. Nếu khó bắt hoặc không bắt được thì nạn nhân trong tình trạng sốc nặng, có thể sắp ngừng tim.
Các biện pháp cầm máu như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến.
Tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm.
Ngoài ra cần nâng cao chi chảy máu cao hơn so với tim và giữ nguyên sẽ có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não. Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.
Trường hợp nạn nhân có ngừng tim, cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực. Ép tim ngoài lồng ngực với tần số 100-120 lần/phút.
Sau khi ép tim 30 lần, cần thổi ngạt cho nạn nhân 2 lần. Tiến hành 2 người là tốt nhất, một người ép tim, một người thổi ngạt, và có thể thay phiên nhau.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác
Thông tin kiểm chứng bởi Pham Phuong • 18/02/2020
Sự tò mò, năng động là những đặc trưng trong quá trình phát triển của trẻ mới biết đi. Bé luôn háo hức khám phá thế giới xung quanh và đặc biệt yêu thích môi trường nước. Dòng nước mát, gợn sóng lấp lánh, có thể bắn tung tóe và làm nhiều thứ nổi lên. […]
4. Thần kinh (D – Disability)
Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh qua cách đánh giá nhanh nạn nhân tỉnh, có thể giao tiếp được bình thường hay không, có trả lời đúng câu hỏi hay không, có co tay co chân khi véo đau hay không.
Nếu nạn nhân không đáp ứng bằng hỏi hoặc kích thích đau, khi đó nạn nhân đã hôn mê, cần vận chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế.
5. Kiểm tra toàn thân (E – Exposure)
Một nguyên tắc trong khám và đánh giá sơ bộ tổn thương trong cấp cứu ban đầu là phải cởi bỏ toàn bộ quần áo nạn nhân để đánh giá các tổn thương khác để xử trí.
Nếu nạn nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng nên lưu ý bất động trong quá trình kiểm tra. Khi kiểm tra cũng cần chú ý khả năng hạ thân nhiệt, nhất là mùa đông, nên phải làm nhanh sau đó che phủ ngay cho nạn nhân.
Phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không. Để nạn nhân bất động trên ván cứng hoặc nền cứng, tránh di lệch xoay trở nạn nhân gây biến chứng nếu có tổn thương cột sống.
Phương pháp sơ cấp cứu DRSABC
Khi biết được phương pháp DRSABC, bạn sẽ bình tĩnh áp dụng các bước cứu người theo đúng trình tự.
DRSABC là tên viết tắt của các từ dưới đây:
- D – Danger (nguy hiểm): Bạn nên luôn kiểm tra cảnh vật xung quanh người bị nạn có an toàn hay không. Thứ tự đầu tiên là sự an toàn cho bạn, kế đến là những người xung quanh và sau đó là người bị thương. Bạn không nên liều mình vào chỗ nguy hiểm khi trợ giúp người khác.
- R – Response (phản ứng): Bạn hãy để ý xem họ có còn tỉnh táo không? Họ có trả lời khi bạn nói chuyện, chạm vào tay hay siết chặt vai họ không?
- S – Send for help (gọi sự giúp đỡ): Bạn hãy gọi cho các bên chuyên môn để giúp đỡ người bị nạn, đặc biệt là gọi số điện thoại cấp cứu y tế 115 và làm theo những lời hướng dẫn từ bác sĩ.
- A – Airway (đường thở): Bạn hãy để ý đường thở của người bị nạn có rõ ràng và họ có còn thở không? Nếu một người bị bất tỉnh, bạn nên mở miệng của họ và nhìn vào bên trong.
Nếu trong cổ họ có những thứ làm tắc nghẽn đường thở như đờm hoặc vật lạ, bạn hãy làm sạch đường thở bằng cách cẩn thận đặt nạn nhân nằm thẳng với lưng chạm đất.
Sau đó, bạn nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân ra sau và làm sạch đờm hoặc vật lạ. Nếu nạn nhân bị chấn thương đầu, cổ hoặc chấn thương lưng thì bạn chỉ nên nâng hàm lên trước và tránh di chuyển đầu hoặc cổ.
- B- Breathing (Hô hấp): Bạn hãy kiểm tra dấu hiệu của hơi thở bằng cách quan sát sự chuyển động của ngực hoặc đặt tai bạn gần mũi và miệng người đó. Bạn cũng có thể cảm nhận hơi thở bằng cách đặt tay lên phần dưới ngực. Nếu người đó bất tỉnh nhưng đang thở, bạn hãy xoay người họ sang một bên, giữ đầu, cổ và cột sống thẳng hàng rồi theo dõi hơi thở của họ. Nếu nạn nhân không thở, bạn hãy tiến hành thực hiện hồi sức tim phổi (CPR).
- C- Cardiopulmonary Resuscitation (hồi sức tim phổi CPR): Nếu một người bất tỉnh và không thở, bạn hãy đặt họ nằm ngửa và sau đó thực hiện hồi sức tim phổi CPR.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Sơ cấp cứu
Thông tin kiểm chứng bởi Thế Hòa • 25/11/2020
Muốn có cách trị phỏng (bỏng) an toàn cho trẻ trước tiên bạn cần biết về các dạng bỏng mà trẻ có khả năng gặp phải. Mỗi dạng lại có những cách thức điều trị cũng như loại thuốc Đông, Tây y phù hợp khác nhau.
Bộ sơ cứu y tế tiêu chuẩn
Bạn nên chuẩn bị bộ dụng cụ sơ cấp cứu đặt ở trong nhà hoặc nơi làm việc để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Một bộ dụng cụ sơ cứu tiêu chuẩn nên bao gồm:
- Nhiệt kế
- Kim băng
- Bông gòn
- Băng cuộn
- Kéo và nhíp
- Thuốc aspirin
- Găng tay y tế
- Băng tam giác
- Túi chườm lạnh
- Băng keo cá nhân
- Miếng gạc vô trùng
- Sáp dưỡng ẩm vaseline
- Xà phòng và nước rửa tay
- Khăn giấy ướt kháng khuẩn
- Sách hướng dẫn sơ cấp cứu
- Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da
- Thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen
Nếu nhà có trẻ nhỏ, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm bộ dụng cụ y tế cho trẻ như nhiệt kế cho trẻ, thuốc siro ho, thuốc hạ sốt, thuốc tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, kem chống muỗi…
Mỗi gia đình nên chuẩn bị 1 bộ dụng cụ sơ cấp cứu ngay tại nhà để dùng khi cần thiết
Những lưu ý khi sơ cấp cứu cho trẻ em
Ở cạnh trẻ nhỏ, cha mẹ luôn đề cao cảnh giác tuy vậy vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Phần lớn cha mẹ trở nên hoảng loạn hoặc lúng túng không biết nên xử trí như thế nào. Dưới đây là một số cách sơ cấp cứu cho trẻ khi bé gặp vấn đề:
1. Khi bé bị thương
Nếu vết thương chảy máu, bạn có thể dùng gạc hoặc khăn sạch đắp trực tiếp lên vết thương đến khi máu ngừng chảy. Nếu 10 phút sau khi sơ cứu máu vẫn chảy, bạn cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Bạn nhớ phải rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi sơ cứu vết thương cho bé để tránh nhiễm trùng.
Khi máu đã ngừng chảy, kiểm tra xem có mẩu thủy tinh, đất cát hoặc dị vật khác trong vết thương hay không. Nếu có, bạn thử rửa trôi chúng dưới vòi nước lạnh.
Nếu không thể rửa trôi, thử dùng nhíp cẩn thận gắp ra. Bạn cũng không nên thổi vào vết thương mặc dù việc này có thể khiến bé cảm thấy đỡ đau hơn vì có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.
Bạn có thể bôi các loại thuốc sát trùng sau khi rửa sạch và làm khô vết thương sẽ giảm được nguy cơ viêm nhiễm. Lưu ý không dùng rượu thuốc, iốt, ôxy già, hoặc thuốc đỏ để sơ cấp cứu vết thương vì chúng không những khiến bé đau hơn mà còn làm chậm quá trình lành vết thương.
Để vết thương thoáng khí và nếu phải dùng băng nhớ thay hàng ngày. Nhớ đừng quên chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ cứu thương cơ bản tại nhà.
2. Khi bé bị đuối nước
Trước tiên, cần nhanh chóng đưa trẻ lên chỗ khô ráo, thoáng khí. Kế đến, hãy kiểm tra đường thở và quan sát lồng ngực xem bé còn thở hay không.
Nếu trẻ không thở, hãy làm hô hấp nhân tạo. Sau hai lần thổi ngạt, tiếp tục kiểm tra tim trẻ có dấu hiệu đập hay không bằng cách áp tai vào lồng ngực trái hoặc bắt mạch.
Nếu trẻ không có dấu hiệu sống, hãy làm song song hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ lệ 15:2, tức 15 lần thổi ngạt và 2 lần ép tim. Sau cùng, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Trường hợp trẻ tự thở được, hãy đặt trẻ nằm nghiêng, cởi hết quần áo ướt và giữ ấm. Sau cùng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để tránh tiếp diễn tình trạng ngạt thở.
Bé bị đuối nước là tình huống nguy hiểm cần cấp cứu kịp thời
3. Khi bé bị điện giật
Trước hết, đừng vì mất bình tĩnh để biến mình thành nạn nhân tiếp theo. Hãy chắc chắn nguồn điện đã ngắt hoặc nếu không thể tự ngắt, hãy dùng gậy gỗ gạt dây điện khỏi người bé.
Sau đó kiểm tra xem bé còn thở hay không. Nếu bé còn thở, đặt bé nghiêng một bên, cổ kê gối và đầu hạ thấp, đồng thời cho bé co một đầu gối lên cao.
Trường hợp trẻ ngưng thở, hãy nhanh chóng thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực để trẻ thở trở lại. Nhanh chóng chuyển viện để trẻ tiếp tục được cấp cứu kịp thời.
4. Phải làm gì khi bé bị sốc?
Sốc là một tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra do cơ thể không được cung cấp đủ lưu lượng máu và oxy. Sốc cần được điều trị y tế ngay lập tức để tránh tình trạng xấu đi nhanh chóng.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Mayoclinic (Mỹ) thì triệu chứng khi bị sốc bao gồm:
- Da lạnh và ẩm, có màu xám hoặc xanh xám.
- Mạch nhanh và yếu, đôi khi đi kèm với nhịp thở chậm và nông hoặc thở gấp.
- Mắt trợn và lờ đờ, thường đi kèm với hiện tượng giãn đồng tử.
Nếu bạn nghi trẻ bị sốc, hãy để con nằm ngửa, đặt chân lên vị trí cao hơn đầu, tránh cử động nhiều. Sau đó, nới lỏng quần áo và đắp chăn lên người trẻ. Không được cho con uống bất cứ thứ gì. Thực hiện tất cả các thao tác đó xong, bạn mới nên gọi bác sĩ.
5. Phải làm gì khi bé bị chảy máu cam?
Tuyệt đối không cho bé ngửa đầu vì máu có thể chạy ngược xuống thực quản gây ngạt. Nên để bé cúi đầu về trước và bịt mũi bé lại. Sử dụng miệng để hít thở.
Sau khoảng 10 phút, máu sẽ ngừng chảy. Trường hợp bé không có dấu hiệu chuyển biến tích cực ngay những phút đầu, tiếp tục lặp lại thao tác vài lần trước khi đưa bé đến bệnh viện.
6. Khi bé uống phải hóa chất
Với các hóa chất bay hơi như dầu hỏa hoặc các loại axit, bazơ, tuyệt đối không nên tìm cách cho trẻ nôn vì chất độc có thể tràn vào khí quản, gây bỏng thực quản hoặc làm viêm phổi nghiêm trọng.
Các trường hợp này đều gây nguy hiểm tính mạng. Trước khi chuyển viện, có thể cho trẻ uống từ từ từng ngụm một nước lọc để bé qua cơn rát cuống họng.
Nếu uống nhầm thuốc diệt cỏ, việc gây nôn là điều cần làm ngay trong khoảng 1 tiếng đầu kể từ sau khi nuốt phải. Có thể móc họng hoặc cho bé uống siro ipeca 10-15ml ở trẻ em để gây nôn.
Khi bé nôn, nên để đầu bé hạ thấp hoặc nằm nghiêng để tránh dịch nôn sặc vào phổi hoặc khí quản gây ngạt thở.
Sau khi gây nôn thành công, tiếp tục cho bé uống than hoạt tính 1g/kg/lần pha uống hoặc uống đất sét. Những loại này hấp thụ paraquat trong thuốc trừ sâu rất tốt. Sau cùng, nhanh chóng đưa bé cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Sơ cấp cứu trẻ em cần kỹ thuật để đảm bảo an toàn tối đa
7. Khi bé nuốt phải xà phòng
Nếu bé nuốt phải xà phòng, ngay lập tức cho bé ngậm một viên kẹo ngọt. Trong vài phút, kẹo sẽ làm tan xà phòng và bé sẽ thấy bình thường trở lại. Nếu chỉ giảm triệu chứng, nên đưa bé đến bệnh viện.
8. Khi bé bị mắc xương cá
Khi bé bị hóc xương cá, mẹ yêu cầu trẻ há miệng to ra, dùng đến pin rọi vào cổ họng của trẻ và quan sát vị trí của xương mắc trong cổ họng của trẻ.
Nếu trường hợp trẻ há miệng ra thấy được xương cá thì mẹ có thể dùng kẹp để gắp ra. Trong trường hợp không thấy xương cá và bé quá đau thì nên đưa con đến bệnh viện để bác sĩ xử lý.
9. Phải làm gì khi bé bị bỏng?
Bỏng có nhiều cấp độ. Nếu tiết diện vết bỏng không rộng, bề mặt vết bỏng không gây tổn thương da nghiêm trọng, hãy xả vết thương dưới vòi nước chảy nhẹ trong khoảng 5 phút.
Sau đó dùng khăn mềm sạch thấm khô và thoa thuốc trị bỏng hoặc mỡ trăn. Nếu vết bỏng nặng hơn, gây tổn thương da nghiêm trọng, cần bọc vết bỏng bằng khăn sạch thật chắc và xả nước đến khi bé hết cảm giác nóng rát. Sau đó, chuyển viện để bé được cấp cứu kịp thời.
10. Khi bé bị co giật
Khi bị co giật, bé rất dễ cắn lưỡi. Điều này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Điều cần làm ngay lúc này là nhét một khăn mềm vào miệng bé. Tiếp đến, cho bé nằm ngửa trên mặt phẳng, đầu kê gối và chuyển viện ngay lập tức.
Mục đích của sơ cấp cứu là nỗ lực cứu sống nạn nhân kịp thời, nhanh chóng bằng mọi biện pháp và phương tiện sẵn có, ngăn không cho tình trạng bệnh lý hoặc tổn thương xấu đi. Ngoài ra, sơ cấp cứu đúng cách sẽ góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, bệnh nhân nhanh hồi phục và ra viện sớm nhất có thể.