Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Nghiên cứu cho thấy rằng cả gen và môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ. Gen là kế hoạch chi tiết cho sự phát triển, bao hàm thông tin quy định về ngoại hình, cách cư xử, sức khỏe thể chất và tinh thần của con bạn và nhiều hơn nữa. Các thông tin trong gen của trẻ xuất phát từ chính cha và mẹ. Môi trường là những trải nghiệm của con bạn từ gia đình, trường học và cộng đồng. Môi trường ảnh hưởng đến ngôn ngữ, tính độc lập, cách trẻ ứng phó để vượt qua thời điểm khó khăn hay xây dựng các mối quan hệ.
Khi trẻ phát triển, gen và môi trường ảnh hưởng lẫn nhau. Cách thức mà gen và môi trường hoạt động cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ví dụ, cách trẻ ứng phó với một tình huống căng thẳng phụ thuộc vào tâm trạng của bé (hầu hết do gen quyết định) và các mối quan hệ mà trẻ xây dựng với những cá nhân khác trong môi trường của mình (thường là gia đình hoặc vú nuôi thân thiết). Trẻ được sinh ra đã sẵn sàng để học hỏi, và bộ não của trẻ phát triển thông qua quá trình sử dụng. Vì vậy, trẻ cần một môi trường hứng khởi với nhiều hoạt động đa dạng, giúp trẻ vui chơi và học hỏi đồng thời có nhiều cơ hội để thực hành những gì mình đã học.
Những yếu tố khác như dinh dưỡng, hoạt động thể chất, sức khỏe và khu vực sống cũng có tác động lớn đến sức khoẻ và sự phát triển của con trẻ. Phụ huynh có thể kiểm soát một số yếu tố nêu trên - chẳng hạn như thức ăn và thời gian hoạt động của trẻ - nhưng cũng ít kiểm soát hơn đối với những yếu tố khác, chẳng hạn như sức khỏe.
Dinh dưỡng đầy đủ & Hoạt động thể chất
Thực phẩm lành mạnh không những cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển mà còn giúp phát triển vị giác của trẻ. Thực phẩm gia đình, chế độ ăn uống hợp lý trong những năm đầu có thể thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh cho cuộc sống. Trong khi đó, vận động thể chất tốt giúp con trẻ trở nên năng động hơn, cụ thể là phát triển kỹ năng vận động của trẻ, giúp trẻ suy nghĩ và cho trẻ cơ hội để khám phá thế giới của mình. Vì vậy, con bạn cần rất nhiều cơ hội để hoạt động, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Sức khỏe
Sức khỏe có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tất cả trẻ em đều mẫn cảm với một số bệnh - ví dụ, bị ho và cảm lạnh, đau tai, viêm dạ dày hoặc đường ruột. Các vấn đề sức khỏe không đáng kể của trẻ lúc nhỏ nói chung sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào lâu dài đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng các bệnh mãn tính và lâu dài như tiểu đường, hen suyễn, bệnh xơ nang hay ung thư có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Nếu trẻ mắc bệnh mãn tính, phụ huynh nên tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ và y tá chăm sóc sức khỏe gia đình hoặc chuyên gia y tế về mức độ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Cộng đồng địa phương và môi trường xung quanh
Môi trường xung quanh và cộng đồng địa phương ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ví dụ, sự phát triển của con sẽ được hỗ trợ bởi việc xây dựng mối quan hệ tích cực với các giáo viên, tham gia vào các hoạt động cộng đồng chẳng hạn như ngày hội mùa hè của trường, và vui chơi tại các sân chơi, công viên, cửa hàng và các cơ sở dịch vụ địa phương như nhà trẻ, trường học, trung tâm y tế và thư viện. Những yếu tố như nhà ở chật chội, cơ sở chăm sóc chất lượng kém hoặc sân chơi không an toàn có thể ảnh hướng xấu đến sự phát triển của con bạn.
Tầm quan trọng của các mối quan hệ
Các mối quan hệ xung quanh ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực và giai đoạn phát triển của trẻ. Trong thực tế, các mối quan hệ là những trải nghiệm quan trọng nhất trong môi trường của bé vì bởi sự truyền tải tối đa những thông tin về thế giới xung quanh tới con, đồng thời sẽ định hình cách mà con cảm nhận về thế giới. Bé nhận biết về thế giới thông qua mối quan hệ một cách trực tiếp và gián tiếp, ví dụ, khi giao tiếp với bạn bè hay quan sát những người xung quanh - ví dụ, cách cha mẹ cư xử qua lại lẫn nhau.
Thông qua các mối quan hệ, trẻ nhận biết rằng thế giới này có an toàn hay không, con có được yêu thương hay không, ai yêu thương trẻ, điều gì xảy ra khi trẻ khóc, cười hoặc nũng nịu và nhiều hơn nữa. Việc tiếp nhận này là cơ sở cho giao tiếp, hành vi, các kỹ năng xã hội và các kỹ năng khác của con trẻ. Các mối quan hệ quan trọng nhất của con chính là mối quan hệ với cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình và người chăm sóc - ví dụ, giáo viên mầm non. Những mối quan hệ ban đầu này chính là nền tảng cho sự phát triển vững chắc và toàn diện của con trong tương lai.
Vừa học vừa chơi
Trong những năm đầu đời, trẻ học tập và phát triển phần lớn thông qua vui chơi. Vui chơi mang tới niềm vui cho con và giúp trẻ có cơ hội để khám phá, quan sát, thực nghiệm, giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm của bản thân. Bé có thể sẽ cần sự hỗ trợ và khuyến khích của phụ huynh để thực hiện điều này. Việc phụ huynh cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc giúp đỡ trẻ và cho phép trẻ phạm sai lầm là vô cùng quan trọng, bởi để trẻ tự mình tìm hiểu cách thức thế giới vận hành là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi.
Dành nhiều thời gian chơi, nói chuyện, lắng nghe và tương tác với phụ huynh giúp con bạn học hỏi những kỹ năng cần có cho cuộc sống, như giao tiếp, tư duy, giải quyết vấn đề, hoạt động và ứng xử với người lớn hay bạn bè đồng trang lứa. Nhưng hơn thế nữa, vui chơi là một yếu tố tuyệt vời giúp xây dựng mối quan hệ. Dành thời gian vui chơi với con sẽ giúp bạn truyền tải một thông điệp đơn giản - con rất quan trọng với Ba Mẹ. Thông điệp này sẽ giúp con bạn ý thức được bản thân và nơi nào là dành cho con trong thế giới này. Một mối quan hệ yêu thương sẽ giúp phụ huynh và con trẻ hiểu về nhau hơn mỗi ngày. Khi con trẻ phát triển, nhu cầu của trẻ sẽ thay đổi. Phụ huynh sẽ biết thêm về những gì trẻ cần và cách đáp ứng những nhu cầu này.
Categories