Việc đánh đòn con cái thường xuyên có thể tạo hành vi hung hăng, chống đối xã hội, ảnh hưởng sức khỏe và làm trẻ có cái nhìn xấu về người lớn.
Trong các phương pháp dạy con, đánh đòn có lẽ là chủ đề gây tranh luận gay gắt và lâu nhất giữa các bậc phụ huynh. Đa số chúng ta đều đã làm việc này, dù không nhiều, nhưng Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cùng nhiều chuyên gia, tổ chức đã lên tiếng phản đối.
Tiến sĩ George Holden, Chủ tịch Khoa Tâm lý học, Đại học Southern Methodist, giải thích việc đánh con cái không hoàn toàn thể hiện bố mẹ là người xấu. Tuy nhiên, hầu hết nghiên cứu liên quan đều chỉ ra các hình phạt về thân thể có tác động rất tiêu cực.
Tại sao bố mẹ lại đánh đòn trẻ?
Theo tiến sĩ Holden, một số phụ huynh đánh con vì tin rằng đó là một phương pháp kỷ luật hiệu quả. "Chúng ta cũng thường bị bố mẹ đánh đòn, vẫn lớn lên và có công việc tốt nên có thể nhiều người cho rằng đây là cách đúng đắn trong việc nuôi dạy con cái", ông nói.
Bên cạnh đó, một số người lớn lại đánh con như cách trút giận khi con không nghe lời, hoặc không đáp ứng sự kỳ vọng. Trong những gia đình căng thẳng về tài chính, việc đánh đòn con cái diễn ra thường xuyên và có mức độ cao hơn bình thường.
Đánh đòn có hiệu quả không?
Hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng đánh đòn không phải là hình thức kỷ luật hiệu quả. AAP khẳng định không ủng hộ chuyện này vì nó khiến trẻ bị tổn thương thể chất và lòng tự trọng.
Một nghiên cứu năm 2016 từ AAP cho kết quả, trong số 787 bác sĩ được khảo sát, chỉ 6% có thái độ tích cực với việc đánh đòn, trong khi chỉ 2,5% "mong đợi kết quả tích cực từ hình phạt này".
Vậy tại sao đánh đòn lại không hiệu quả? Nó không thay đổi hành vi của con người bởi chỉ mang tính chất ngăn chặn các hành động tiêu cực trong thời gian ngắn. Chuyên gia chia sẻ, bạn có thể đánh một đứa trẻ và chúng sẽ dừng lại vì giật mình. Tuy nhiên, đánh đòn không dạy trẻ phải làm gì tiếp theo và việc tạm dừng đó không ảnh hưởng đến tốc độ tổng thể của hành vi vào các ngày tiếp theo. "Đứa trẻ sẽ không nhớ những gì chúng làm sai mà chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh", ông Holden nói.
Ảnh:
Shutterstock
Tác động tiêu cực của đánh đòn
Nếu làm việc này từ mức độ vừa phải đến thường xuyên, bạn có thể gây ra một số vấn đề bất lợi đến tâm lý, tình cảm và hành vi của trẻ.
Thứ nhất, tạo ra hành vi hung hăng và chống đối xã hội. Những đứa trẻ bị bố mẹ đánh có thể dùng bạo lực khi chúng cảm thấy tức giận hoặc khó chịu. Sau này khi có gia đình, việc này có thể lặp lại như một vòng tuần hoàn khi chúng lại đánh con cái mình.
Thứ hai, gây nguy cao về các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng, tăng khả năng trẻ tìm đến chất kích thích trong tương lai. Việc bất ổn tâm lý cũng khiến thành tích học tập của trẻ bị ảnh hưởng, kết quả sa sút trong cách kỳ thi. Nếu không may, bố mẹ có thể đánh vào các vị trí quan trọng trên cơ thể trẻ, dẫn đến việc bị thương nghiêm trọng. Việc này cũng tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh về thể chất như tim và các vấn đề hô hấp.
Thứ ba, việc này gây tác động rất xấu đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Tiến sĩ Holden cho biết, những người sử dụng đòn roi thường xuyên rất ít khi có mối quan hệ tốt đẹp với con cái. Đứa trẻ sẽ sợ hãi, không dám đến gần, tâm sự với bố mẹ vì sợ bị trừng phạt.
Những lựa chọn tốt hơn việc đánh đòn
Bạn cần hiểu, kỷ luật là dạy dỗ còn đánh đòn là trừng phạt. Rất nhiều người không đánh con nhưng đứa trẻ vẫn lớn lên, phát triển tốt nên hiển nhiên, đánh đòn không phải lựa chọn duy nhất trong phương pháp nuôi dạy của bạn.
Với mỗi độ tuổi của trẻ, bạn cần áp dụng các phương pháp dạy dỗ, kỷ luật khác nhau. Ví dụ, khi trẻ mới biết đi, bạn có thể đánh lạc hướng trẻ khỏi hành động tiêu cực hoặc ngăn nó xảy ra ngay từ đầu.
Với trẻ lớn hơn, bạn cần giáo dục tập trung vào sự hợp tác và phát triển mối quan hệ xã hội. Bạn nên tuân thủ ba nguyên tắc: khen ngợi và thể hiện tình cảm khi trẻ làm tốt, xử lý các hành vi tiêu cực bằng hình phạt nhẹ, ngắn gọn như tạm dừng hoặc tước bỏ các quyền trẻ đang có, khuyến khích trẻ giao tiếp cởi mở và cho trẻ biết hành vi nào không được chấp nhận.