Tâm lý trẻ em mà cha mẹ nên biết
Chúng ta vẫn thường nghe câu “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” tuy nhiên không phải cha mẹ nào nuôi con cũng hiểu rõ về tâm lý trẻ em. Bởi khi mới sinh ra, tính tình và tính khí bẩm sinh của mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt. Có trẻ tương đối ngoan, hơi thẹn thùng nhưng cũng có trẻ lại thích khóc, mỗi khi khóc thì rất khó dỗ, trẻ khác nữa thì ăn no, ngủ kỹ xong là tự chơi một mình. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm, thấu hiểu rõ về tâm lý trẻ để có phương pháp giúp con phát triển tối ưu.
1. Xây dựng môi trường sống lành mạnh cho trẻ
Mọi trẻ em đều có mong muốn được quan tâm và đáp ứng kịp thời những nhu cầu của bản thân. Khi nhu cầu của trẻ được đáp ứng trẻ sẽ nảy sinh một loại cảm giác tin tưởng cơ bản. Chẳng hạn khi đói trẻ sẽ khóc, nếu lúc này người mẹ bế trẻ lên, nhìn trẻ âu yếm, nhẹ nhàng nói với trẻ: “Con đừng khóc nữa, mẹ biết con đói rồi, mẹ sẽ cho con ăn ngay đây”. Sau khi được mẹ cho ăn trẻ tự nhiên sẽ không khóc nữa. Sự việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần trẻ sẽ hình thành được cảm giác an toàn, tin rằng có người quan tâm, yêu thương trẻ, để ý đến tín hiệu mà trẻ phát ra, thỏa mãn nhu cầu cơ bản của trẻ. Những điều này cũng góp phần tạo lập sự tự tôn và tự tin ở trẻ. Những trẻ có tình cảm an toàn càng dễ hiểu cảm giác của người khác. Những trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đầy yêu thương, nhu cầu được thỏa mãn thì khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn, trẻ sẽ có phản ứng. Còn đối với những trẻ sinh ra và lớn lên bị coi thường và bị đối xử lạnh nhạt thì trẻ sẽ không có cảm giác gì trước khó khăn của người khác, thậm chí có trẻ còn bắt nạt bạn gặp khó khăn.
2. Giúp trẻ vượt qua những bất ổn về tâm lí
Đối với trẻ khó tính bẩm sinh, các cha mẹ cần kiên nhẫn và có thái độ tích cực và chăm sóc trẻ cẩn thận, có như vậy trẻ sẽ bình tĩnh, không nóng giận, đồng thời cha mẹ không nên áp lực quá mà cần tạo cho con sự thoải mái (trong khuôn khổ). Đối với trẻ từ 0 đến 3 tuổi, tâm lí cha mẹ thường gặp ở con là sự sợ hãi: Trẻ sợ và khóc khi người lạ bắt chuyện, khi nghe âm thanh lạ… Tâm lí sợ hãi cũng là một phần của sự phát triển bình thường của trẻ, cha mẹ cần phải hiểu và không nên vội vàng mắng trẻ là việc gì phải sợ. Cha mẹ nên thừa nhận tâm lí và cảm giác sợ hãi của trẻ, đồng thời giúp trẻ tự ứng phó và thoát khỏi tâm lí sợ hãi, giúp trẻ lấy lại bình tĩnh, điều hòa cơ thể để sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Ví dụ khi trẻ bắt đầu ngủ một mình trong phòng riêng để con bớt sợ hãi, cha mẹ hãy nói chuyện để con hiểu và cho trẻ ôm những đồ chơi mà trẻ thích như gấu bông, gối ôm hoặc tấm thảm an toàn… chúng sẽ giúp trẻ thoát khỏi tâm lí sợ hãi.
3. Rèn luyện cho trẻ khả năng kiềm chế cảm xúc
Tinh thần là cảm xúc bên trong mà mỗi trẻ em đều sẽ trải qua. Có loại tình cảm tích cực như yêu thương, vui vẻ, thỏa mãn, dễ chịu tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những cảm xúc tiêu cực như giận giữ, chán nản, đau buồn, lo sợ…Cha mẹ cần hiểu tâm lí của con nhưng cũng phải phân tích, định hướng để trẻ hiểu yêu cầu nào phù hợp sẽ được đáp ứng và ngược lại. Và cha mẹ tuyệt đối không dùng phương pháp đánh mắng hay áp đặt cho con mà cần rèn cho trẻ cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực phù hợp. Cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường và hoạt động phù hợp với sự phát triển của độ tuổi để trẻ giảm bớt những cảm xúc buồn chán không cần thiết. Cảm xúc tích cực được bồi dưỡng trong tâm hồn trẻ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và các giai đoạn trưởng thành của trẻ trong tương lai.