Bộ não của trẻ cũng giống như người lớn, cũng sẽ có những lúc rất mệt mỏi và căng thẳng do áp lực học tập, thầy cô, bạn bè… và thực tế trẻ em ở mọi lứa tuổi đều cần dành thời gian “rút phích cắm” mỗi ngày để thư giãn và tập trung vào cơ thể mình nhiều hơn. Tập Thiền và yoga cho trẻ sẽ mang lại quãng thời gian nghỉ ngơi này và giúp trẻ hoạt động năng suất và hiệu quả hơn.
Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu những lợi ích sức khỏe mà thiền và yoga có thể mang lại cho trẻ, giúp trẻ hình thành và phát triển một thói quen về tư duy và thể chất tốt cho sự phát triển sau này.
Lợi ích của thiền đối với trẻ
Thiền được sử dụng làm giúp nghỉ ngơi tâm trí, cơ thể và tinh thần. Đặc biệt, thiền chánh niệm đang có một chỗ đứng vững chắc trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Một số những lợi ích của việc tập thiền đối với trẻ như:
1. Thư giãn cơ thể
Thiền bao hàm sự buông bỏ, khả năng từ từ giải tỏa sự căng thẳng trong cơ thể và tâm trí. Ngoài ra, thiền còn là sự thư giãn có lợi ích rất đặc biệt. Không chỉ trong việc duy trì tư thế ngồi thẳng khi tập mà còn trong việc thực hiện những hoạt động thường ngày nữa.
Nói cách khác, thiền giúp giáo dục lại cơ thể để nó thoát khỏi các thói quen xấu gây nên sự căng thẳng và gắng sức quá mức cần thiết mà chúng ta thường vướng phải rất sớm trong cuộc sống. Cùng với đó là khả năng nhận thức bên trong cơ thể tốt hơn. Thiền sinh sẽ trở nên đồng điệu với cơ thể mình, từ đó phát hiện căng thẳng và kịp thời giải tỏa.
2. Nâng cao sự tập trung
Sự tập trung là nền tảng cho toàn bộ hệ thống thiền. Tuy nhiên, nó không chỉ được xây dựng trên sự tập trung, mà còn là một trong những cách tốt nhất để phát triển sự tập trung. Chính vì vậy mà những người tập thiền sẽ rất dễ dàng trong việc dịch chuyển tâm trí sang những điều tích cực khác hay thực hiện và tập trung vào một việc nào đó cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành.
3. Suy nghĩ thấu đáo hơn
Điều này không đồng nghĩa với việc những người không tập thiền sẽ không có khả năng suy nghĩ những sự việc một cách thấu đáo. Mà nó có nghĩa rằng họ sẽ ít bị các tác động bên ngoài chi phối hơn, từ đó suy nghĩ được chín chắn hơn.
Nói một cách khác, họ nhận thức và quan sát được những suy nghĩ của mình nhưng không bị chúng điều khiển. Chính vì vậy nên những suy nghĩ tiêu cực khác sẽ có ít sức mạnh bị chi phối hay quấy nhiễu tâm trí của họ.
4. Nâng cao khả năng đối mặt với căng thẳng
Người tập thiền có thể nhận thức được nỗi buồn hay cơn giận của mình đến từ đâu. Cũng giống với các suy nghĩ tiêu cực thì cảm xúc căng thẳng, lo âu cũng sẽ tách biệt với người tập thiền. Bởi bên trong họ là sự yên bình và tĩnh lặng bất chấp sự có mặt của các cảm xúc tiêu cực khác.
5. Cải thiện chánh niệm
Chánh niệm là khả năng năng chúng ta nhận thức được các sự việc đang diễn ra xung quanh và khả năng chuyển sự chú ý từ việc này sang việc khác khi nó xuất hiện, chứ không bị mất phương hướng bởi các mớ suy nghĩ và hội thoại rối rắm bên trong làm ảnh hưởng.
6. Thấu hiểu bản thân
Trên thực tế, đa số chúng ta đều không thể hiểu hết được con người mình, về những suy nghĩ hay hành động. Chúng ta có xu hướng chỉ nhận thức được những suy nghĩ có ý thức mà mù mờ về những thứ đang xảy ra ở các tầng sâu hơn của vô thức. Thậm chí chúng ta còn hoàn toàn không biết suy nghĩ đó thực sự đến từ đâu.
7. Suy nghĩ sáng tạo hơn
Sáng tạo bao hàm việc chúng ta tiếp cận, cởi mở với những tầng vô thức của tâm trí, nơi mà những ý tưởng độc đáo được phát sinh. Phần tâm trí ý thức càng tĩnh lặng bao nhiêu thì lại càng dễ chạm tới tầng vô thức bấy nhiêu.
8. Giúp cải thiện trí nhớ
Thiền sẽ làm lắng đọng những cảm xúc đang xuất hiện trong ta và cho phép chúng ta nhớ lại những điều cần thiết. Việc này được lợi từ khả năng cải thiện nhận thức như đã đề cập ở trên. Bạn không thể mong đợi sẽ có thể nhớ điều gì đó một cách hiệu quả nếu không thật sự để tâm đến chúng ngay từ ban đầu.
Cách lựa chọn thiền cho trẻ
Thực hành thiền định đã được sử dụng từ thời cổ đại để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng giống như một vận động viên có thể thực hiện các bài tập khác nhau, những người tập thiền thường sử dụng các loại khác nhau. Các kiểu thực hành thiền phổ biến nhất là tập trung, chánh niệm, dựa vào chuyển động, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và làm trống rỗng tâm hồn.
Nhiều người thực hành thiền sử dụng kỹ thuật thở để thúc đẩy trạng thái bình tĩnh. Thiền chánh niệm về hơi thở, có lẽ là loại được biết đến nhiều nhất, bao gồm việc ngồi yên lặng, nghỉ ngơi hoặc nhắm mắt và tập trung sự chú ý vào hơi thở. Khi sự chú ý của bạn mất đi, bạn chỉ cần chuyển sự chú ý trở lại với hơi thở của mình.
Tuy nhiên, việc ngồi yên trong một khoảng thời gian có thể gây khó khăn cho một số trẻ. Vì lý do này, một bài thiền dựa trên chuyển động, chẳng hạn như yoga, có thể sẽ là hướng tốt.
Mẹo thiền
Thiền không có một bộ quy tắc nào, nhưng có một số mẹo có thể hữu ích dành cho trẻ như sau:
- Thời gian và tần suất thiền có thể khác nhau đối với những đứa trẻ khác nhau cùng với các phương pháp thực hành khác nhau. Tuy nhiên, khung thời gian thường được khuyến nghị như sau:
- Trẻ em mẫu giáo: Vài phút mỗi ngày.
- Trẻ em ở độ tuổi đi học: 3-10 phút/ hai lần một ngày.
- Thanh thiếu niên và người lớn: 5-45 phút mỗi ngày hoặc hơn tùy theo sở thích.
- Hãy thử kết hợp hít thở sâu vào thói quen đi ngủ hàng ngày của trẻ, nó có thể giúp trẻ thư giãn vào ban đêm và giúp thiền định dễ dàng hơn khi phát sinh các tình huống khác.
- Nhắc trẻ mẫu giáo và thiếu niên hít thở sâu trước khi trả lời một câu hỏi khó ở trường, làm bài kiểm tra hoặc trước một buổi biểu diễn nào đó.
- Thiền có thể được thực hiện một mình, nó cũng có thể được thực hiện nhờ vào sự giúp đỡ của một chuyên gia nào đó. Bạn có thể thuê một huấn luyện viên đào tạo về thiền để giúp trẻ trong những thàng ngày đầu tiên tập luyện.
- Có nhiều cách để học thực hành thiền định khác nhau. Có sách, bản ghi âm, video, đào tạo trực tuyến, trang web, và thậm chí cả ứng dụng điện thoại thông minh để giúp trẻ em thiền định. Hãy chọn và thực hành phương pháp phù hợp nhất với bạn và con bạn.
Lợi ích sức khỏe của yoga đối với trẻ
Trẻ em và thanh thiếu niên là độ tuổi lý tưởng để đạt được những lợi ích tối đa trong việc tập luyện sức khỏe với yoga. Các nghiên cứu cho thấy, yoga như một liệu pháp an toàn và có khả năng giúp trẻ em đối phó với các tình trạng sức khỏe về cảm xúc, tinh thần cũng như về mặt thể chất và hành vi.
Ví dụ, một số trẻ em thường bị căng và tăng trương lực cơ cứng – tập yoga có thể giúp giải quyết vấn đề này. Kéo căng cơ thể có thể làm giảm căng thẳng và giữ các tư thế yoga giúp tăng sức mạnh khi luyện tập thường xuyên. Yoga cũng có nhiều tư thế uốn cong và kéo giãn có thể giúp di chuyển và kích thích hệ tiêu hóa và giảm táo bón. Các lợi ích thể chất từ yoga có thể kể đến bao gồm:
- Điều chỉnh lượng đường trong máu và mức insulin
- Nồng độ hormone được điều chỉnh
- Giảm đau bụng ở trẻ em bị hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Tăng cường chức năng tuần hoàn, hệ thống miễn dịch của trẻ
- …
Một nghiên cứu cho thấy tập yoga hàng ngày giúp những trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) giữ được bình tĩnh và giảm mức độ hung hăng, thu mình trong xã hội và stress. Hơn nữa, yoga còn giúp giảm các vấn đề về tinh thần của thanh thiếu niên như:
- Tự ti
- Căng thẳng
- Sự lo lắng
- Hiếu động thái quá
- Hành vi xấu
- Cân bằng cảm xúc
- …
Có thể bạn muốn biết: Mách mẹ 4 cách giúp trẻ đối phó với xung đột
Yoga mang đến sự giải thoát khỏi thế giới công nghệ và nhịp độ nhanh ngày nay. Tập yoga hàng ngày đơn giản là việc trẻ biết tự động bỏ điện thoại và các thiết bị khác xuống, chỉ tập trung vào hành động kết nối hơi thở và chuyển động. Yoga có thể giúp trẻ học cách sống trong thời điểm hiện tại, tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và xử lý các vấn đề một cách hòa bình.
Thiền và Yoga cho trẻ: Nhiều hơn là tập thể dục cường độ cao
Trong khi bất kỳ môn thể thao nào đều có khả năng kích hoạt trí óc bên cạnh cơ thể, thì việc tập luyện thiền và yoga có ý nghĩa gắn kết cả hai lại với nhau. Yoga sâu sắc hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy từ những hành động quen thuộc trên video hay phim ảnh. Nó bao gồm sự kết hợp của một số tư thế nhất định (asana), kỹ thuật thở điều hòa (pranayamas), tư thế tay (mudras) và thiền (dhyana).
Mỗi tư thế cụ thể đã được trau dồi và tinh chỉnh qua hàng nghìn năm để mang lại hiệu quả cho tinh thần và thể chất. Cho dù một tư thế được thực hiện là đứng, ngồi hay nằm, mỗi tư thế đều có tác dụng lên các nhóm cơ khác nhau. Đồng thời, giúp cho trẻ nhận thức rõ hơn về cơ thể của mình và cách nó hoạt động. Một số tư thế yoga khó hơn những tư thế khác, đòi hỏi trẻ nên bắt đầu từ từ.
Bố mẹ cũng nên bỏ điện thoại xuống và tự rèn luyện tâm trí của mình thông qua thiền và yoga. Chẳng hạn những khi trẻ làm điều gì khiến chúng ta tức giận, hay một buổi sáng chuẩn bị vội vã khiến tâm trạng không tốt, hãy cố gắng hít thở sâu một vài lần thay vì mất kiểm soát dẫn đến sự nóng nảy của bản thân.
Lợi ích sức khỏe không ngờ mà thiền và yoga cho trẻ đã đem lại không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần, giúp trẻ dần hình thành nên nhân cách tốt, biết kiểm soát cảm xúc, đi sâu vào bên trong thấu hiểu bản thân, từ đó trở thành một người tốt, có ích cho xã hội. Hi vọng qua bài viết trên đây, các bậc phụ huynh sẽ có những phương pháp rèn luyện tốt cho lứa tuổi của các con để các con càng ngày càng phát triển mạnh cả về tâm, trí, lực.