Trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm: Tại sao và bố mẹ cần làm gì để giúp con?
Việc trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm sẽ ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt, học tập ban ngày của con, làm các ông bố bà mẹ lo lắng. Vậy tại sao bé lại bị khó ngủ và bố mẹ cần làm gì để giúp con có giấc ngủ ngon? Tìm hiểu ngay cùng với Hello Bacsi, bố mẹ nhé!
Mất ngủ hay khó ngủ là tình trạng không thể đi vào giấc ngủ hoặc trằn trọc về đêm, dẫn đến giấc ngủ không sâu. Vấn đề này có thể được khắc phục theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài từ vài tuần đến vài tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của trẻ.
Dấu hiệu cho thấy con bạn ngủ không đủ giấc
Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ mất ngủ về đêm cũng sẽ mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày. Đặc biệt, ở những trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm, sẽ ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập trong ngày của con. Một số dấu hiệu sau cho mẹ biết bé đang bị mất ngủ hay khó ngủ:
- Trẻ thường có vẻ cáu gắt.
- Khó tập trung khi học hay chơi những trò chơi đòi hỏi sự tập trung.
- Ngủ gật khi đang ngồi trên xe.
- Giảm thời gian chú ý và bé thậm chí khó theo kịp các câu chuyện diễn ra xung quanh.
- Gặp khó khăn trong việc phải ghi nhớ.
- Hiếu động quá mức hoặc chán chường.
Nếu trẻ đang khó để ngủ vào ban đêm có nghĩa là chúng đang phải vật lộn với chứng mất ngủ – một trong các vấn đề về giấc ngủ lớn nhất ở trẻ em.
Nguyên nhân trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm
Đối với nhiều trường hợp, trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm do những thói quen sinh hoạt ban ngày hay cận giờ lên giường đi ngủ. Ví dụ như: chơi các trò chơi vận động mạnh, xem ti vi hay sử dụng iPad, chơi game… trước khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của các bé. Một số lý do gây khó ngủ về đêm phổ biến ở trẻ mà bố mẹ cần biết:
- Tiêu thụ quá nhiều thức uống có chứa caffeine, đặc biệt là vào buổi chiều tối.
- Căng thẳng khiến trẻ khó ngủ về đêm.
- Tác dụng phụ của một số nhóm thuốc kích thích thần kinh như chống trầm cảm, corticosteroid, chống co giật…
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (ngáy).
- Hội chứng chân tay bồn chồn.
- Thói quen ngủ kém.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý làm trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm.
- Một số vấn đề liên quan đến sức khỏe khác: hen suyễn, dị ứng, ngứa do chàm da…
Bố mẹ nên làm gì khi bé 6 tuổi khó ngủ về đêm?
Tình trạng trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho đời sống và sinh hoạt của bé. Bởi vì ở độ tuổi này, các bé bắt đầu đi học, cần sự tập trung và chú ý để học tốt hơn. Để khắc phục tình trạng này, một số những gợi ý dưới đây giúp bố mẹ đồng hành cùng con:
1. Đảm bảo giường chỉ dành cho việc ngủ
Điều này liên quan đến việc tạo mối liên kết thân thuộc giữa chiếc giường và giấc ngủ của con bạn. Nếu bé hình thành thói quen lên giường để học bài hay làm bài tập, điều này sẽ tạo nên mối liên hệ với các hoạt động này thay vì nghỉ ngơi, thư giãn. Do đó, tốt nhất là bạn không nên để bé học bài, làm bài tập, xem tivi, chơi game… trên giường trước khi ngủ.
2. Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh
Phòng ngủ thoáng mát, không có nhiều tiếng ồn là điều kiện lý tưởng cho giấc ngủ của bất kỳ ai. Với trẻ em, các bậc phụ huynh nên lưu ý không để quá nhiều đồ chơi trên giường. Điều này có thể làm bé xao nhãng, mất tập trung cho giấc ngủ. Nếu bé sợ bóng tối, bố mẹ có thể cân nhắc sử dụng thêm đèn ngủ hay các đèn có sáng vừa đủ.
3. Cố gắng giữ đúng đồng hồ sinh học cho trẻ (kể cả cuối tuần)
Một lịch trình nhất quán về giờ đi ngủ và thức dậy là cần thiết cho bé. Hãy rèn luyện thói quen ngủ tốt thông qua việc duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm nhất định kể cả cuối tuần để giúp con trẻ dễ dàng thức giấc và đi vào giấc ngủ hơn. Nếu trẻ ngủ nhiều hơn vào cuối tuần, đây cũng có thể là dấu hiệu trẻ ngủ không đủ giấc hay mất ngủ vào các ngày sau đó.
4. Không nên đi ngủ với cái bụng quá đói hoặc quá no
Việc tiêu thụ các bữa ăn với khẩu phần lớn trong vòng 1-2 giờ trước khi đi ngủ sẽ làm trẻ tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ hơn. Thay vào đó, nếu trẻ đói bụng vào ban đêm, bố mẹ có thể chuẩn bị các bữa ăn nhẹ như sữa và ngũ cốc. Lưu ý là ba mẹ đừng quên nhắc bé đánh răng trước khi ngủ nhé!
5. Trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm: Cần chú ý đến giấc ngủ trưa của trẻ
Theo các nghiên cứu về giấc ngủ, trẻ em cần khoảng thời gian là ít nhất là 4 giờ giữa các giấc ngủ. Do đó với những nhu cầu ngủ trưa khác nhau, mẹ nên cân nhắc không để trẻ ngủ trưa quá gần giờ lên giường đi ngủ vào buổi tối. Đồng thời cũng tránh để bé có những giấc ngủ trưa quá dài.
6. Khuyến khích các hoạt động vận động ngoài trời cho bé
Vận động ngoài trời và tập thể dục thường xuyên là cách để cải thiện chứng khó ngủ ở trẻ hiệu quả. Nếu trẻ 6 tuổi khó ngủ về đêm do chứng tay chân bồn chồn, đây đặc biệt là giải pháp hiệu quả. Do đó, bố mẹ cần cho bé tham gia rèn luyện thể dục thể thao hay các trò chơi vận động ngoài trời thường xuyên. Tuy nhiên, cần tránh vận động mạnh tối thiểu là 3 giờ trước giờ đi ngủ.
7. Đặt một lệnh giới nghiêm cho đồ điện tử
Ti vi, iPad, điện thoại là những món đồ điện tử giải trí phổ biến của trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, ánh sáng xanh từ các loại thiết bị này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ và chu kỳ giấc ngủ ở trẻ em (và cả người lớn). Do đó, hãy đảm bảo trẻ tắt các thiết bị này ít nhất 1 giờ trước khi ngủ và chúng được “cách ly” với con trẻ trong khi ngủ.
8. Bố mẹ nên dành thời gian cho con trẻ nhiều hơn
Nhiều em trẻ ngủ muộn vào buổi đêm hay không muốn đi ngủ với tâm lý muốn chơi cùng bố mẹ nhiều hơn. Vì thế nên dù công việc bận rộn, các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian quan tâm và vui chơi cùng trẻ vào ban ngày, chiều tối. Bạn hãy trò chuyện, hỏi han con trẻ về những điều diễn ra trong ngày, về sở thích, niềm vui… Đồng thời, hãy tương tác nhẹ nhàng với trẻ khi bố mẹ cùng con nghỉ ngơi vào buổi tối. Những điều này sẽ giúp bé xây dựng một thói quen ngủ tốt hay khắc phục các vấn đề giấc ngủ mắc phải.