Trẻ bị căng thẳng có thể do rất nhiều nguyên nhân. Nhưng bố mẹ chỉ cần chú ý quan sát một chút là có thể hiểu được trẻ, từ đó có giải pháp phù hợp để giúp trẻ thoải mái hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày không thiếu những tác nhân khiến cho trẻ bị căng thẳng. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nguồn gốc những áp lực mà trẻ có thể phải chịu, nhằm tìm cách giúp trẻ kiểm soát được căng thẳng nhé. Với sự hỗ trợ của bố mẹ, trẻ sẽ vượt qua những cảm xúc tiêu cực, cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhiều!
Những lý do có thể khiến trẻ bị căng thẳng
Có vô số tác nhân trong cuộc sống thường ngày có thể gây căng thẳng như:
- Tiếng ồn.
- Sự kích thích từ các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại di động...
- Giao thông.
- Các trách nhiệm trong công việc, các hoạt động cá nhân và gia đình.
Những trẻ nhạy cảm với tiếng ồn và đám đông thường dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các tác nhân gây căng thẳng hằng ngày. Với những trẻ này, nhu cầu được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh là vô cùng quan trọng.
Trẻ cũng có thể bị căng thẳng bởi việc học tập và những hoạt động ngoại khóa. Áp lực cũng đến từ mong muốn phải học giỏi và thành công, dù áp lực này là do người khác tạo cho trẻ, hay do trẻ tự đặt cho mình. Bên cạnh đó, những thay đổi hoặc mâu thuẫn trong gia đình và một loạt những tác nhân khác đều có thể khiến trẻ bị căng thẳng, lo âu.
Những trẻ nhạy cảm thường dễ bị căng thẳng hơn.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị căng thẳng
Trẻ nhỏ chưa có đủ kỹ năng xử lý cảm xúc và giao tiếp nên thường chưa thể hiểu và gọi tên những nỗi lo lắng, căng thẳng của mình. Vì vậy, nếu có thay đổi lớn trong cuộc sống, như gia đình chuyển nhà, mẹ mới sinh em bé… thì bố mẹ hãy chú ý nhiều hơn tới biểu hiện của trẻ nhé. Những dấu hiệu sau đây có thể cho thấy trẻ đang bị căng thẳng đấy bố mẹ ạ:
- Đau dạ dày.
- Đau đầu.
- Thay đổi hành vi.
- Thay đổi tâm trạng đột ngột và liên tục.
- Gặp vấn đề về giấc ngủ.
- Khó tập trung học tập trên lớp.
Bố mẹ nên chú ý tới những biểu hiện của trẻ để có thể phát hiện sớm khi trẻ bị căng thẳng.
Ngay cả khi bố mẹ không thấy trong cuộc sống có yếu tố kích thích nào thì trẻ cũng vẫn có thể bị căng thẳng vì nhiều lý do khác. Vì vậy, bố mẹ nên luôn chú ý đến hành vi và tâm trạng của trẻ, nói chuyện với giáo viên, quan sát cách trẻ tương tác với bạn bè và các thành viên khác trong gia đình. Từ đó, bố mẹ sẽ phát hiện ra ngay nếu trẻ có vấn đề gì bất ổn.
Bố mẹ cũng nên trò chuyện với trẻ, hỏi về những điều có thể đang khiến trẻ lo lắng hoặc khó chịu. Trẻ nhỏ thường chưa hoàn toàn hiểu những từ như “căng thẳng” hay “lo lắng”. Nhưng qua những chia sẻ của trẻ, bố mẹ cũng sẽ hiểu những điều trẻ đang cảm thấy và tìm được cách phù hợp để giúp trẻ.
>>>Tham khảo thêm: Trẻ mẫu giáo bị căng thẳng: Dấu hiệu và nguyên nhân
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị căng thẳng?
- Cho trẻ biết rằng bố mẹ luôn sẵn lòng chia sẻ: Một trong những cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng chính là chia sẻ với người khác về vấn đề mình đang gặp phải. Chính vì thế, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ chia sẻ về bất kỳ chuyện gì khiến trẻ khó chịu. Ngay cả khi trẻ chưa thể diễn tả rõ ràng thì việc được bố mẹ hỏi han và động viên cũng khiến trẻ nhẹ lòng hơn rồi.
Hãy luôn sẵn sàng mở lòng chia sẻ với trẻ.
- Lắng nghe trẻ: Dù bố mẹ nào cũng muốn chỉ đường dẫn lối cho con ngay lập tức, nhưng điều bố mẹ nên làm lại là kiên nhẫn lắng nghe đã. Hãy để trẻ bày tỏ được hết suy nghĩ và cảm xúc của mình trước khi bố mẹ nhận xét hoặc khuyên nhủ trẻ.
- Cùng trẻ thực hiện hoạt động nào đó trong khi trò chuyện: Nhiều trẻ cảm thấy dễ nói về vấn đề của mình trong khi đang cùng bố mẹ làm một hoạt động gì đó. Nghiên cứu cho thấy, các bé trai thường cởi mở hơn khi đang tham gia vào một hoạt động thể chất như đi bộ, chơi thể thao. Tốt nhất là bố mẹ rủ trẻ cùng làm một việc mà trẻ yêu thích (nấu ăn, vẽ hình…) để trẻ thoải mái, dễ chia sẻ hơn nhé!
- Giúp trẻ tập hít thở sâu: Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tập hít thở sâu để đẩy những năng lượng tiêu cực ra, đồng thời cũng tưởng tượng rằng mình đang trút những lo âu ra khỏi cơ thể.
- Hướng dẫn trẻ cùng thực hiện những tư thế yoga đơn giản: Một số tư thế yoga đơn giản như “chó úp mặt” (downward dog), “rắn hổ mang” (cobra) và “cái cây” (tree) đều rất tốt cho trẻ. Bố mẹ chỉ cần cùng trẻ tập những tư thế này vài phút trong ngày (vào buổi sáng trước khi đi học, hay buổi tối trước khi đi ngủ) là có thể giúp trẻ cải thiện tâm trạng rồi!
Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập một vài tư thế yoga đơn giản để trút bỏ năng lượng tiêu cực nhé!
- Thử một số cách giải tỏa nhanh chóng cho trẻ: Bố mẹ nên cùng trẻ thực hiện những hoạt động vui vẻ như đọc sách, mát-xa hoặc cùng chơi một trò chơi yêu thích nữa nhé.