1. Trẻ độ tuổi mẫu giáo và những cảm xúc của con
1.1. Trẻ từ 3-5 tuổi
Ở giai đoạn tuổi từ 3 đến 5, trẻ rất ương ngạnh. Khi lên đến 3 tuổi, trẻ bắt đầu chạm đến một giai đoạn trong sự phát triển cảm xúc của mình – mà theo giai đoạn đó, trẻ cảm thấy rằng cha mẹ mình là những người thật tuyệt vời, và trẻ muốn trở nên giống như họ. Sự chống cự và hành vi thù địch trước đó được xem là dấu hiệu tiềm tàng ở trẻ lên 2, thì khi lên 3 tuổi, biểu hiện này dường như được giảm bớt.
Những cảm xúc của trẻ đối với cha mẹ bây giờ không chỉ là sự thân thiện nữa, mà còn là sự ấm áp và dịu dàng. Tuy nhiên, trẻ không sùng bái cha mẹ mình đến mức luôn vâng lời và cư xử thật tốt. Trẻ vẫn có cách nhìn nhận của riêng mình. Trẻ muốn khẳng định chính mình, dù đôi khi điều này có nghĩa là phải đi ngược lại với những mong muốn của cha mẹ.
1.2. Điều khác biệt về cảm xúc ở trẻ 4 tuổi
Trong khi những đứa trẻ lên 3, lên 5 đang cảm thấy rất say mê, thú vị thì những đứa trẻ 4 tuổi lại ngoại lệ. Rất nhiều biểu hiện về sự quyết đoán, tự mãn, nói chuyện lớn tiếng và các hành vi kích động xuất hiện ở nhiều trẻ trong độ tuổi lên 4 – cũng là thời điểm trẻ nhận ra mình biết hết mọi thứ, và hiểu được lòng nhân từ sẽ sớm phai nhạt đi.
Trẻ 4 tuổi nhận ra mình biết hết mọi thứ và hiểu được lòng nhân từ sẽ sớm phai nhạt đi. Ảnh Pixabay
1.3. Trẻ độ tuổi mẫu giáo cố gắng phấn đấu để trở nên giống với cha mẹ mình
Trẻ luôn cố gắng phấn đấu để trở nên giống với cha mẹ mình. Khoảng 2 tuổi, trẻ háo hức bắt chước theo các hoạt động của cha mẹ. Khi chơi đùa trên sàn nhà hoặc chơi nện búa vào một cái đinh tưởng tượng, thì trẻ sẽ hướng sự tập trung của mình vào công dụng của sàn nhà hoặc cái búa.
Đến 3 tuổi, chất lượng của sự bắt chước có những thay đổi. Bây giờ, trẻ lại muốn được trở nên giống với cha mẹ về phương diện thực hiện vai trò của người lớn. Trẻ chơi giả vờ đi làm, ở nhà tưởng tượng (nấu ăn, lau dọn, giặt ủi quần áo), và chăm sóc con cái (dùng búp bê hay giả bộ đóng vai với em nhỏ chơi chung). Trẻ vờ như đang lái xe riêng của gia đình hoặc đi ra ngoài vào buổi tối. Trẻ mặc quần áo của cha mẹ và bắt chước các cuộc trò chuyện, cách cư xử và phong thái của cha mẹ.
Hình thức chơi như trên mang một mục đích vô cùng quan trọng, đó là, nó chỉ cho chúng ta thấy sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ được diễn ra như thế nào. Quá trình này tùy thuộc vào những gì trẻ nhận thức được từ cha mẹ mình hơn là từ những điều mà cha mẹ cố gắng dùng lời để dạy cho trẻ. Những lý tưởng căn bản và thái độ - đối với công việc, đối với người khác, đối với bản thân mình – tất cả đều được bắt đầu theo cách này. Đây là cách mà đứa trẻ học để trở thành kiểu cha mẹ mà trẻ sẽ trở thành sau 20 năm nữa.
Bạn có thể nghe thấy được giọng nói giả vờ là cha mẹ trong tương lai mà con mình muốn trở thành, nếu bạn chú ý cách mà con bạn thể hiện sự quan tâm qua la mắng hay thương yêu đối với những con búp bê của chúng.
Trẻ độ tuổi mẫu giáo luôn cố gắng phấn đấu để giống cha mẹ mình. Ảnh Pixabay
1.4. Tại sao trẻ mẫu giáo lại bắt trước cha mẹ
Trẻ bắt chước cha mẹ vì những lý do:
- Vì trẻ muốn được giống như cha mẹ hoặc anh chị của mình. Trẻ đã quan sát cha mẹ mình như là những mẫu hình về vai trò, là người hoàn hảo trong đời mà trẻ muốn trở thành khi lớn lên.
- Trẻ muốn học tập theo để trở thành kiểu phong cách cha mẹ mà trẻ có thể chấp nhận trở thành sau 20 – 30 năm nữa.
- Sự bắt chước không chỉ là trò chơi của trẻ nhỏ, mà nó còn là cách giúp trẻ dần nhận ra được nhân dạng của riêng mình khi trưởng thành.
- Trẻ học được cách cư xử khi tiếp xúc với những người lạ, nói chuyện trước đám đông, cư xử đối với cha mẹ (cũng như cách cư xử đối với ông bà), các kĩ năng trò chuyện, thái độ đối với lối sống và phong cách của bản thân.
1.5. Nhận thức giới tính ở trẻ mẫu giáo
Nhận thức về giới tính của trẻ mẫu giáo bắt đầu phát triển.
Với bé gái
Chính vào lứa tuổi này, bé gái sẽ trở nên hiểu biết hơn rằng, sự thật mình là một đứa con gái. Và mình sẽ lớn lên thành một người phụ nữ. Trẻ đặc biệt chăm chú quan sát mẹ mình và có xu hướng lồng ghép mình vào hình ảnh của mẹ, như: cách mẹ cảm nhận về chồng của mình và về giới tính nam nói chung, về những phụ nữ khác, về những đứa con trai và gái của mình, về công việc và nhà cửa. Cô bé hoàn toàn không chủ ý trở thành bản sao chính xác của mẹ mình, nhưng bằng nhiều cách, trẻ chắc chắn vẫn bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của mẹ.
Với bé trai
Các bé trai thì nhận ra rằng mình đang trở thành một người đàn ông. Và vì thế, trẻ luôn nỗ lực để mô hình hóa phần lớn bản thân mình theo hình ảnh của cha, như: cách cha cảm nhận về người vợ của mình và về giới tính nữ nói chung, đối với những người đàn ông khác, đối với những đứa con trai và gái của mình, đối với công việc và nhà cửa.
Bé trai luôn nỗ lực để mô hình hóa phần lớn bản thân mình theo hình ảnh của cha. Ảnh Pixabay
Tất nhiên, các bé gái cũng học được rất nhiều thứ từ việc quan sát cha mình, các bé trai cũng thế. Đây là cách mà 2 giới tính hướng đến việc tìm hiểu lẫn nhau đủ để có thể cùng nhau chung sống. Trẻ cũng phần nào mô hình hóa bản thân theo hình ảnh những người khác có ảnh hưởng quan trọng đến trẻ. Trẻ cũng học tập từ cuộc sống của chính bản thân. Nhưng, trong những năm đầu đời thì cha mẹ vẫn đóng một vai trò đặc biệt (nhất là với cha/ mẹ cùng giới tính với con mình).
Trẻ thích các em bé sơ sinh
Trẻ độ tuổi mẫu giáo hình thành sự thích thú đặc biệt với em bé sơ sinh. Ở giai đoạn lứa tuổi này, trẻ trở nên thích thú đối với các đặc điểm của em bé sơ sinh.
Trẻ muốn biết các em bé đến từ đâu, và khi phát hiện ra được những em bé này được hình thành từ trong bụng mẹ thì trẻ - trai lẫn gái – đều mong muốn tự mình thực hiện được hành động tuyệt vời mang ý nghĩa sáng tạo này.
Trẻ muốn được chăm sóc và thương yêu các em bé nhỏ. Đây là cách trẻ cảm nhận được mình cũng đang được quan tâm và thương yêu. Trẻ sẽ đặt một đứa em nhỏ hơn – hoặc dùng búp bê - vào vị trí là một em bé. Và, mình thì hành động như một người cha và mẹ của em bé đó.
Tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu sâu rộng nào cho thấy các bé trai cũng có mong muốn như các bé gái rằng mình cũng muốn hình thành em bé trong cơ thể mình.
Trẻ độ tuổi mẫu giáo hình thành sự thích thú đặc biệt với em bé sơ sinh. Ảnh Pixabay
Trẻ tin rằng mình là mọi thứ, có thể làm mọi thứ và có mọi thứ
Khi cha mẹ của trẻ nói rằng, mong muốn hình thành một em bé trong cơ thể trẻ là điều không thể thì trẻ có khuynh hướng chối từ việc tin vào những gì cha mẹ nói trong một thời gian dài. “Con cũng sẽ có một em bé,” trẻ cố gắng năn nỉ. Trẻ thật sự tin rằng, nếu mình mong muốn điều gì đó đủ thành tâm thì điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Tương tự như vậy, một bé gái mẫu giáo có thể thông báo rằng mình sẽ phát triển dương vật. Những ý tưởng thế này không phải là dấu hiệu của sự không hài lòng với việc mình thuộc về một giới tính này hay giới tính khác. Mà nghĩa là, chúng xuất phát từ niềm tin của một đứa trẻ nhỏ rằng mình có thể làm được tất cả mọi thứ, mình là mọi thứ, và có mọi thứ.
2. Bạn có thể giúp con như thế nào?
Khi quan sát thấy con bắt chước theo hành động của cha mẹ, bạn có thể giúp con bằng cách:
2.1. Với con gái
Bạn hãy dạy con thái độ đúng đắn phù hợp: Nếu cô con gái nhỏ của bạn muốn bắt chước mẹ mình, hãy giúp con học được thái độ đúng đắn chứ đừng thể hiện thái độ tiêu cực. Mọi người mẹ trên thế giới này đều không phải là những người hoàn hảo. Chắc chắn rằng bạn nhận biết được những thói quen và hành vi làm mẹ tiêu cực của mình. Vì vậy, hãy giúp con học được những điều tốt và tích cực, đừng để con rơi vào thái độ tiêu cực.
Bạn hãy dạy cho bé gái nhà mình thái độ đúng đắn phù hợp. Ảnh Pixabay
2.2. Với con trai
Bạn hãy luôn khích lệ và khen ngợi cho hành vi bắt chước phù hợp của con:
- Điều quan trọng là hãy cung cấp cho con bạn những hướng dẫn và chỉ thị chính xác theo nhịp độ học hỏi của trẻ.
- Việc khen ngợi khi con hoàn thiện đạt được thành tích nào đó sẽ giúp tăng tự tin để đi đến hạnh phúc trọn vẹn.
- Cho con lời khuyên cùng với nụ cười dịu dàng mỗi khi con mắc lỗi thay vì la mắng. Bạn cũng có thể gợi ý những ý tưởng thay thế nếu cần.
2.3. Tôn trọng con
Hãy tôn trọng quyết định của con – đây là một yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý nếu bạn muốn con bạn cũng tôn trọng bạn. Ngược lại, con bạn sẽ cảm thấy không công bằng và thường sẽ chọn cách bùng nổ gây chiến để phản ứng lại tình huống đó.
2.4. Về vấn đề giới tính
Ở giai đoạn mẫu giáo, hầu hết các trẻ đều phát triển cảm giác mạnh mẽ về việc mình là con trai hay con gái. Trẻ tiếp tục khám phá cơ thể của mình một cách có chủ ý hơn. Việc la mắng con khi thấy trẻ sờ chạm cơ thể mình không phải là một ý hay, mà ngược lại, điều này sẽ chỉ nhanh chóng nuôi dưỡng cảm giác tội lỗi và xấu hổ ở trẻ.
Tuy nhiên, bạn có thể giải thích cho con hiểu rằng, việc sờ chạm cơ thể mình thì thích thú thật đấy, nhưng nên thực hiện điều đó ở nơi riêng tư. Trẻ ở tuổi này đủ khả năng để hiểu được có một số thứ không nên làm ở nơi công cộng. Trẻ cũng hiểu được rằng không ai – thậm chí đó là thành viên trong gia đình hay những người nào khác mà trẻ tin tưởng – được phép chạm vào trẻ và khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
Trẻ sẽ tiếp tục học những thái độ quan trọng về tính dục từ bạn – từ cách bạn phản ứng với những người khác giới đến cách bạn cảm nhận về tình trạng khỏa thân.
Ở giai đoạn mẫu giáo, hầu hết các trẻ đều phát triển cảm giác mạnh mẽ về việc mình là con trai hay con gái. Ảnh Pixabay
2.5. Liên quan đến những câu hỏi không có điểm dừng
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo hiếu kì đối với tất cả mọi thứ. Trẻ sẽ thường xuyên đặt những câu hỏi cho cha mẹ mình như “Em bé đến từ đâu ạ?”, hay “Tại sao chị con không có dương vật?”.
Khi nhận được những câu hỏi như thế, bạn hãy cố gắng trả lời một cách trung thực và mang tính thực tế càng hiển nhiên càng tốt. Những câu trả lời như “Con cò mang em bé tới cho con” không chỉ gạt bỏ đi sự tò mò của trẻ, mà còn làm cho cha mẹ trở nên ít đáng tin cậy hơn khi trẻ tìm ra được sự thật. Việc nói thật sẽ khuyến khích con bạn đến gần bạn hơn với những câu hỏi trong tương lai.
Hãy tìm hiểu chính xác những gì con bạn muốn biết và trả lời từng câu hỏi cụ thể, không đi vào chi tiết tỉ mỉ nếu không cần thiết. Chẳng hạn, bạn có thể nói rằng, một người đàn ông và một người phụ nữ có thể tạo ra một em bé. Em bé đó phát triển dần trong bụng người phụ nữ. Nếu câu trả lời này khiến con bạn thỏa mãn, thì từ nay bạn có thể không cần phải cung cấp thêm chi tiết về việc đứa bé được hình thành như thế nào.
2.6. Chơi đóng vai bác sĩ
Vào giai đoạn này, trẻ có xu hướng tò mò không chỉ đối với cơ thể mình mà với cả cơ thể của những người khác nữa. Nếu bạn thấy con mình chơi đóng giả bác sĩ cùng với những trẻ đồng lứa khác, thì điều quan trọng là không nên phản ứng thái quá với chúng. Vì, đó chỉ là một trò chơi hồn nhiên vô hại. Dĩ nhiên, nếu có sự liên quan của một đứa trẻ lớn hơn hoặc cả người lớn thì mối bận tâm của bạn là hoàn toàn chính đáng.
Hãy bình tĩnh đề nghị con bạn mặc quần áo vào và đánh lạc hướng con bằng một món đồ chơi hay trò chơi khác. Bạn cũng có thể lấy tình huống này làm gợi ý cho việc trẻ đang tò mò về cơ thể. Và, bạn tạo điều kiện cho con học hỏi về nó theo vài cách khác – như đọc sách theo chủ đề dành cho trẻ mẫu giáo .
Bạn có thể khuyến khích con đọc sách theo chủ đề cho trẻ mẫu giáo để học hỏi hơn về cơ thể. Ảnh Pixabay
2.7. Khái niệm “bạn trai”, “bạn gái” ở độ tuổi mẫu giáo
Một số cha mẹ có con trong độ tuổi mẫu giáo trở nên lo lắng khi nghe con mình nói về một người bạn trai hay bạn gái nào đó. Nếu con bạn có biểu hiện như vậy, hãy nhớ rằng những khái niệm của trẻ em thì không hề giống với của người lớn. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, tốt nhất là nên phản ứng với những kiểu thông tin thế này bằng thái độ trung lập. Trung lập ở đây tức là bạn không khuyến khích hành vi đó nhưng cũng không thể hiện sự quan tâm đến.
Trên đây là những chi tiết khá thú vị liên quan đến trẻ độ tuổi mẫu giáo. Tại sao trẻ say mê bố mẹ của mình. Tại sao con có rất nhiều câu hỏi để hỏi suốt ngày. Độ tuổi mẫu giáo con quan tâm về khác biệt giới tính hay chuyện thích một em bé sơ sinh thì sao...Tất cả những điều liên quan chúng ta đã đều có cơ hội để tìm hiểu. Hy vọng rằng, những chia sẻ này thật sự hữu ích với bạn. Thông qua đó, bạn sẽ hiểu rõ con mình và độ tuổi của bé hơn. Cũng chính nhờ vậy, việc dạy con, gần gũi trẻ, cư xử đúng ở những thời điểm cần thiết cũng hiệu quả hơn.