Trẻ nói lắp ở giai đoạn 2-5 tuổi là điều không hiếm gặp. Việc này khiến nhiều bố mẹ lo lắng, cũng như gây trở ngại cho việc giao tiếp của trẻ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về tình trạng nói lắp của trẻ nhé!
Nói lắp là tình trạng trẻ khó nói được trôi chảy. Trẻ có thể lặp đi lặp lại những âm, từ hay cụm từ khi nói, hoặc kéo dài một số âm tiết… Việc này gây ra không ít phiền toái trong quá trình giao tiếp của trẻ, nên bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng trẻ nói lắp nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân thực sự khiến trẻ nói lắp. Có người tin rằng, đó là do một vấn đề trong quá trình truyền tải thông tin từ não bộ tới các cơ và bộ phận cơ thể liên quan đến việc nói. Cũng có người tin rằng tật nói lắp là do di truyền. Trẻ sẽ có nguy cơ nói lắp cao gấp 3 lần nếu trong gia đình có người đã hoặc đang nói lắp.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân thực sự khiến trẻ nói lắp.
Biểu hiện của trẻ nói lắp
Những dấu hiệu đầu tiên của tật nói lắp thường xuất hiện khi trẻ được 18-24 tháng tuổi. Lúc này, vốn từ vựng của trẻ phát triển mạnh và trẻ bắt đầu tập ghép các từ để tạo thành câu.
Việc trẻ nói lắp ở giai đoạn này cũng là bình thường, nên bố mẹ hãy kiên nhẫn và đừng quá lo lắng. Trẻ có thể nói lắp trong vài tuần hoặc vài tháng, nhưng dần dần sẽ hết. Đa số trẻ sẽ tự hết nói lắp khi lên 5 tuổi.
Tuy nhiên, nếu đã hơn 5 tuổi mà trẻ vẫn nói lắp quá nhiều hoặc ngày càng nhiều, hoặc nói lắp kèm theo các cử chỉ và nét mặt nhất định thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Đa số trẻ sẽ tự hết nói lắp khi lên 5 tuổi.
Bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ:
- Cố né tránh những tình huống mà mình phải nói.
- Thay đổi từ ngữ vì sợ nói lắp.
- Có những kiểu cử động cơ thể hoặc những biểu cảm nhất định trên khuôn mặt khi nói lắp.
- Thường xuyên lặp lại các âm tiết, các từ hoặc cụm từ.
- Có giọng nghe như thể rất khó nói, phải gắng gượng mới nói được.
- Có giọng nói với cao độ hoặc âm lượng bất thường.
Với những trẻ đang đi học, tật nói lắp có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, dễ bị bạn bè để ý và trêu chọc. Trong trường hợp này, bố mẹ nên nói chuyện với giáo viên để tìm ra hướng giải quyết, giúp trẻ giảm căng thẳng.
>>> Tham khảo thêm: Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị bắt nạt
Bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ ra sao?
Nếu trẻ nói lắp, bố mẹ có thể tham khảo những cách dưới dây:
- Không ép trẻ phải luôn nói đúng và rõ ràng. Bố mẹ hãy để trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi trò chuyện.
- Trò chuyện với trẻ trong mỗi bữa ăn của gia đình, tắt đài và tivi để tránh sao lãng.
- Tránh những câu sửa lỗi hoặc phê bình như: “Nói chậm thôi”, hay “Sao phải nói vội vàng thế?”. Những câu này có thể mang ý tốt, nhưng lại chỉ khiến trẻ tự ti hơn. Cũng nên tránh bảo trẻ: “Nghĩ kỹ đi rồi hãy nói”, vì như vậy sẽ khiến trẻ càng rụt rè, thậm chí lo lắng nên càng dễ nói lắp.
- Tránh bảo trẻ phải nói hay đọc to khi trẻ đang không thoải mái hoặc đang nói lắp liên tục. Vào những lúc như vậy, bố mẹ nên cho trẻ tham gia vào những hoạt động không yêu cầu phải nói nhiều.
- Tránh ngắt lời trẻ hoặc bắt trẻ phải nói lại từ đầu.
- Cố gắng giữ nhịp sống chậm rãi trong gia đình.
- Nói từ tốn và rõ ràng với trẻ và cả với người khác khi có mặt trẻ ở đó, để trẻ học theo.
- Duy trì việc giao tiếp bằng ánh mắt với trẻ, cố gắng không nhìn sang phía khác hay thể hiện sự thất vọng.
- Khuyến khích trẻ tâm sự về bản thân và đã nói thì cố nói hết câu chứ không bỏ dở. Bố mẹ cũng nên dừng lại một chút trước mỗi khi đáp lại những câu hỏi hay bình luận của trẻ.
Bố mẹ hãy kiên nhẫn trong quá trình hỗ trợ trẻ nói lắp nhé!
ODPHUB hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho bố mẹ trong việc hỗ trợ trẻ nói lắp. Bố mẹ hãy kiên nhẫn nhé, bởi trẻ có thể cần nhiều thời gian để cải thiện khả năng nói của mình mà!