Khi trải qua nhiều sự kiện tồi tệ, trẻ thường nghĩ về điều tiêu cực khiến não bộ tổn thương, dẫn đến hành động bạo lực.
Trải nghiệm tuổi thơ bất lợi (Adverse Childhood Experiences) là thuật ngữ chỉ những chấn thương hoặc các vấn đề tâm lý, đổ vỡ gia đình... trẻ phải trải qua trong thời ấu thơ. Theo khảo sát của Hệ thống giám sát hành vi nguy hiểm (BRFSS) thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật của Mỹ, cứ 10 người thì 6 người có trải nghiệm tuổi thơ bất lợi. Điều đó cho thấy việc những sự kiện bất lợi, tiêu cực xuất hiện phổ biến trong tuổi thơ mỗi người.
Khi trẻ có bốn trải nghiệm tuổi thơ bất lợi trở lên, dù thuộc vấn đề gì, sức khỏe và tinh thần trẻ đều bị ảnh hưởng với các mức độ. Nhiều trẻ em bị trầm cảm ngay từ nhỏ và sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi lớn hơn, các em tìm đến thuốc lá, rượu bia và cả ma túy để giải tỏa.
Để tìm ra cách giúp đỡ trẻ phù hợp, bạn cần hiểu những trải nghiệm bất lợi này để lại hậu quả thế nào và cách nhận biết trẻ đang gặp khó khăn dù không nói ra.
Tác động đến não bộ
Những trải nghiệm tuổi thơ bất lợi tạo ra căng thẳng kéo dài, từ đó não bộ trẻ sẽ được kích thích khả năng "phản chiếu", nghĩa là trẻ sẽ hành động tương tự những việc tiêu cực đã gặp.
Hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc, sẽ phản ứng trước phần vỏ não, khu vực suy nghĩ và lập kế hoạch. Trẻ thường có phản ứng kích động, gào khóc hoặc tức giận mỗi khi trải qua sự việc tuổi thơ bất lợi trước khi bình tĩnh và suy nghĩ kỹ càng.
Ảnh:
Shutterstock
Khi bộ não tiết ra quá nhiều cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ quen với chúng và rất khó loại bỏ khỏi suy nghĩ của mình. Ngay khi gặp trường hợp tương tự, trẻ sẽ nghĩ đến những điều tiêu cực mà không thể giữ bình tĩnh, dần trở thành nỗi ám ánh. Do đó, bạn cần giúp trẻ tránh khỏi môi trường diễn ra sự việc tiêu cực càng sớm càng tốt để trẻ bình tĩnh, lâu dần quên đi sự việc đó.
Tác động đến hành vi
Nhiều đứa trẻ không chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực ở khía cạnh cảm xúc mà còn tham gia vào các hành vi phá hoại. Những trải nghiệm tuổi thơ bất lợi có thể khiến trẻ trở nên bạo lực, luôn dùng đến nắm đấm để giải tỏa cảm xúc. Trẻ ở độ tuổi đến trường tìm đến việc đánh nhau, đập phá đồ đạc.
Cách khắc phục
Tiến sĩ Yo Jackson, Phó giám đốc của Mạng lưới Giải pháp đối phó với các vấn đề của trẻ em, Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, giải thích lắng nghe và hòa hợp với trẻ là chìa khóa để giúp giải quyết vấn đề tốt nhất có thể.
Bạn cần xây dựng môi trường sống ổn định và nuôi dưỡng đứa trẻ với sự quan tâm và tình yêu thương. Việc tiếp xúc với những vấn đề tiêu cực sẽ cần thiết trong quá trình trẻ lớn lên, nhưng không có nghĩa xuất hiện dày đặc đến mức trở thành ám ảnh với trẻ. Do đó, bạn cần luôn đồng hành, chỉ ra điều tích cực trong chính những trải nghiệm tuổi thơ bất lợi mà trẻ gặp phải.