Trẻ bị hóc dị vật có thể gặp rất nhiều nguy hiểm, thâm chí ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là khi dị vật mắc vào đường thở. Do đó, cần có biện pháp xử lí nhanh chóng, kịp thời để phòng tránh trẻ bị ngạt thở quá lâu, ảnh hưởng đến hô hấp và não bộ.
04/04/2019
Trẻ bị hóc dị vật là tình trạng khó tránh khỏi khi con đang trong giai đoạn phát triển, thường xảy ra khi thức ăn lạc xuống và chặn đường thở. Nếu không ứng biến kịp thời trong 5 đến 10 phút thì tính mạng trẻ có thể bị đe dọa.
Cách nhận biết khi trẻ bị hóc
Dấu hiệu cơ bản để các mẹ có thể nhanh chóng nhận ra con mình đang bị hóc cơ bản là những biểu hiện khó chịu ở trẻ khi con đang ăn, đang chơi đùa. Trẻ bị sặc sữa hoặc đang ăn thì bị nghẹn, đột nhiên mẹ nhận thấy
trẻ ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ...
Những trường hợp nặng hơn thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé. Trường hợp trẻ bị hóc dị vật không phải thức ăn khi đang chơi thì trẻ đột ngột im ắng và thở hổn hển bằng miệng và nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay lúc đó.
Khi trẻ bị hóc dị vật, biểu hiện đầu tiên chính là trẻ khó thở và không thể khóc được
Đối với trường hợp bị hóc – sặc nhẹ hơn thì trẻ có thể trở lại bình thường nhưng theo các chuyên gia y tế thì sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần. Bệnh sẽ dai dẳng, đôi khi phải soi khí phế quản vài lần để hút mủ và bột còn sót lại.
Hai thủ thuật sơ cứu nhanh cho trẻ bị hóc dị vật
Khi thấy con có những biểu hiện trên, bố mẹ ngay lập tức cần nhanh tay thực hiện những thao tác sau để đẩy dị vật ra khỏi đường thở của con
Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực
- Bố mẹ cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất và giữ chắc cổ, đầu trẻ để khỏi bị tuột.
- Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Tiếp đến lật trẻ từ tay trái qua tay phải và quan sát xem trẻ đã hồng hào trở lại hay chưa, có thở, khóc được chưa.
- Cuối cùng bố mẹ hãy kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra.
- Trường hợp vẫn chưa thấy dị vật thì làm tiếp biện pháp ấn ngực cho trẻ bằng cách dùng 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức).
- Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Một lần nữa kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Cách xử lý cho trẻ bị hóc dị vật dưới 2 tuổi chưa cứng cáp
Hướng dẫn vỗ lưng cho trẻ bị hóc dị vật (Nguồn - Wesser Angel Việt Nam)
Với trẻ trên 2 tuổi dùng biện pháp ép bụng
Nếu trẻ còn tỉnh táo
- Bố mẹ để cho trẻ đứng và mình thì đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng.
- Một tay nắm thành nắm đấm còn tay kia chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
- Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp và nếu như trẻ vẫn chưa nôn dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Nếu như trẻ đã bất tỉnh
- Cho bé nằm ngửa còn bố mẹ quỳ gối bên cạnh trẻ, tựa hai chân hai bên đùi trẻ.
- Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ rồi ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
- Trong tình huống trẻ ngừng thở tạm thời thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu như dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra và trẻ khóc, thở được, hồng hào hơn.
Để phòng tránh nguy cơ trẻ bị hóc dị vật, bố mẹ cần để mắt đến trẻ thường xuyên
Có thể bạn quan tâm
Ngày 01 tháng 04 năm 2019Lưu bài viết
Ngày 29 tháng 03 năm 2019Lưu bài viết
Lưu ý để phòng tránh trẻ bị hóc dị vật
Cha mẹ cần lưu ý, sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.
- Tránh ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc, đùa nghịch trong khi ăn.
- Không nên cho trẻ nhỏ ăn các hạt cứng như lạc, đậu, hướng dương...
- Bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn hoa quả như táo, dưa hấu...
- Không cho trẻ chơi với các đồ vật có kích thước nhỏ như viên bi, pin...
- Lời khuyên tốt nhất đó là các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần phải để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi và tuyệt đối không để những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ.