Ngày nay, nhiều cha mẹ lo rằng việc trẻ có tính cách hướng nội sẽ khó hòa nhập. Thực tế, bạn không cần quá để tâm bởi nếu biết cách nuôi dạy, trẻ vẫn có thể thành công.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn nuôi dạy con mình theo cách tốt nhất. Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” bởi đôi lúc bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định do đặc điểm tính cách của trẻ. Việc nuôi dạy một đứa trẻ hướng nội có thể khá khó khăn, thậm chí đôi lúc trẻ còn bị cho là nhút nhát, chậm chạp. Nếu bé cưng nhà bạn có tính cách hướng nội và bạn đang không biết nên dạy trẻ như thế nào, những chia sẻ sau của
Hello Bacsi có thể sẽ giúp ích cho bạn nhiều đấy.
Bé cưng nhà bạn là một đứa trẻ có tính cách hướng nội?
Phần lớn trẻ em đều cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng khi gặp người lạ, vậy làm thế để xác định chính xác trẻ có tính cách hướng nội hay hướng ngoại? Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến để giúp bạn trả lời câu hỏi này:
· Trẻ hướng nội thường gặp rắc rối khi tiếp xúc với tiếng ồn, môi trường ồn ào hoặc phải tham gia quá nhiều hoạt động. Nếu rơi vào những hoàn cảnh này, trẻ sẽ tỏ ra dễ giận dữ và mất bình tĩnh.
· Trẻ tò mò muốn biết về những thứ xung quanh mình nhưng lại hay nghi ngờ. Trẻ thường quan sát và suy nghĩ trước khi nói bất cứ điều gì.
· Khi tiếp xúc với người lạ, trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu và phải mất một thời gian rất lâu mới có thể làm quen được.
· Trẻ thích ở trong không gian riêng của mình.
· Trẻ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc. Bạn sẽ hay thấy trẻ khựng lại khi đang nói chuyện để tìm kiếm từ ngữ diễn đạt.
Theo nghiên cứu, những bé
sinh non hoặc
sinh nhẹ cân có xu hướng trở thành người hướng nội khi trưởng thành.
Khó khăn mà trẻ trẻ hướng nội phải đối mặt
Mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách riêng, vì vậy khó khăn mà mỗi trẻ gặp phải cũng sẽ khác nhau. Bạn không nên chỉ dựa vào tính cách mà kết luận bé này giỏi hơn bé khác hoặc ngược lại. Chính vì vậy, nếu trẻ ít nói hoặc không hoạt bát, bạn đừng nghĩ bé “khờ” hay “nhút nhát” mà điều này đơn thuần chỉ là do trẻ có tính cách hướng nội mà thôi.
Đa phần, trẻ hướng nội thường cảm thấy khó khăn khi chia sẻ về cảm xúc cũng như những khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Do đó, cha mẹ cần phải tìm hiểu xem trẻ đang gặp phải vấn đề gì và cùng trẻ tìm cách giải quyết. Những vấn đề mà trẻ hướng nội thường gặp phải như:
· Khi làm việc nhóm ở trường, trẻ hướng nội có thể gặp khó khăn trong việc đóng góp ý tưởng. Trẻ có thể có rất nhiều ý tưởng hay nhưng lại không thể trình bày với mọi người cũng như không thể đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
· Trẻ sợ tham gia các buổi họp mặt hoặc các bữa tiệc, nơi trẻ phải tiếp xúc với nhiều người xa lạ. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ rất khó tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ đội nhóm.
· Nếu trẻ chuyển trường, trẻ sẽ gặp khó khăn với việc kết bạn và thích nghi với môi trường mới.
· Kết bạn và duy trì tình bạn là một trong những thách thức khó khăn nhất mà trẻ hướng nội phải đối mặt.
Ngoài những khó khăn được đề cập ở trên, trẻ hướng nội còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức khác. Là cha mẹ, bạn nên cùng trẻ tìm cách xử lý các tình huống này một cách hiệu quả nhất.
10 bí quyết nuôi dạy trẻ hướng nội mà các bậc phụ huynh nên tham khảo
Khi nuôi dạy trẻ hướng nội, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần ghi nhớ là tính cách hướng nội không phải là lỗi của trẻ, cũng không phải là
rối loạn tâm lý và bạn không cần phải tìm cách “chạy chữa” cho trẻ. Để nuôi dạy trẻ một cách tốt nhất có thể, bạn hãy thử một số bí quyết sau:
1. Tôn trọng không gian riêng của trẻ
Những đứa trẻ hướng nội thường thích ở một thế giới mơ mộng của riêng mình. Là cha mẹ, bạn nên hiểu và tôn trọng điều này. Hãy để trẻ có một chút thời gian yên tĩnh và sự riêng tư để tự nạp lại năng lượng.
2. Động viên trẻ
Những đứa trẻ trầm lặng, ít nói thường hay bị đánh giá là nhút nhát, rụt rè, chậm chạp… nên có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti về bản thân. Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm giải thích cho trẻ hiểu không có gì sai khi trẻ có tính cách này.
Ngoài ra, bạn cũng nên giúp trẻ hiểu trẻ luôn hoàn hảo theo cách của mình và trẻ không cần quan tâm quá nhiều đến những lời đánh giá của người khác. Trên thế giới có rất nhiều người thành công nổi tiếng có tính cách hướng nội như J.K Rowling, Mẹ Teresa, Bill Gates… bạn có thể dùng những ví dụ này để giải thích cho trẻ.
3. Cho trẻ thời gian để làm quen với người lạ
Những đứa trẻ hướng nội thường cảm thấy khó chịu khi ở gần những người mà trẻ không quen. Do đó, đừng ép trẻ phải trò chuyện với những người mà trẻ chưa từng gặp bao giờ. Bạn hãy cho trẻ một chút thời gian để hòa nhập với mọi người xung quanh.
4. Khuyến khích trẻ theo đuổi đam mê của mình
Bé cưng nhà bạn có thể thích điều gì đó rất độc đáo, mới lạ chứ không hẳn là những hoạt động mà các bé khác thích. Trẻ có thể thích nghiên cứu khoa học, thích viết thư pháp… Nếu trẻ có những đam mê đặc biệt này, bạn hãy tôn trọng sự lựa chọn của trẻ và tạo điều kiện để trẻ theo đuổi đam mê của mình.
5. Dạy trẻ cách đấu tranh cho bản thân
Bạn cần dạy cho trẻ các kỹ năng để biết cách tự đấu tranh cho bản thân và những người khác. Điều này đặc biệt cần thiết nếu như trẻ là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường, bị trêu ghẹo, áp lực từ bạn bè và nhiều hành vi tiêu cực khác.
6. Giúp trẻ thể hiện cảm xúc
Những đứa trẻ hướng nội có thể cảm thấy khó khăn khi thể hiện cảm xúc của bản thân. Nếu trẻ thấy khó chia sẻ trực tiếp cảm xúc của mình, hãy khuyến khích trẻ làm điều này bằng những cách khác như viết nhật ký, vẽ tranh…
7. Giải thích cho trẻ hiểu việc có ít bạn không có gì là không tốt
Số lượng bạn bè không phải là yếu tố để quyết định trẻ thành công hay không. Nếu trẻ cảm thấy không thoải mái khi ở gần nhiều người, hãy khuyến khích trẻ chơi với những người bạn thân. Bạn hãy dạy cho trẻ hiểu điều quan trọng không phải là có nhiều bạn mà phải tìm được người bạn tốt để chơi và chia sẻ cùng nhau.
8. Nói chuyện với giáo viên của trẻ
Những đứa trẻ có tính cách hướng nội có thể bị các giáo viên coi là nhút nhát, chậm chạp hoặc thụ động. Tuy nhiên, nếu bạn nói trước với giáo viên của trẻ về điều này, họ sẽ có cách để hỗ trợ trẻ tốt hơn.
9. Đánh giá cao những nỗ lực của trẻ
Nếu bạn thấy trẻ chủ động nói chuyện với người lạ, hãy đánh giá cao điều đó và khuyến khích trẻ thực hiện hành động này thường xuyên hơn.
10. Quan sát để giúp đỡ trẻ đúng lúc
Những đứa trẻ hướng nội thường không thích nhờ vả và thường tự giải quyết các vấn đề của mình. Là cha mẹ, bạn nên có sự hỗ trợ đúng lúc và cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, đừng ép buộc trẻ phải nói, nếu trẻ không muốn chia sẻ, hãy cho trẻ một chút thời gian.
Mỗi đứa trẻ đều có những nét tính cách đặc biệt và độc đáo theo cách riêng của chúng. Việc trẻ có tính cách hướng nội cũng không có vấn đề gì. Bạn đừng vì vậy mà ép bé trở thành một người khác mà bé không thích nhé.