Bố mẹ có biết rằng việc rèn luyện và giáo dục có thể quyết định 50% trí thông minh của trẻ?
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đều thông minh sẵn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí thông minh của trẻ chỉ có 50% đến từ bẩm sinh và phần còn lại chủ yếu được tạo nên thông qua quá trình rèn luyện và giáo dục. Điều này có nghĩa là bố mẹ hoàn toàn có thể thông qua việc giáo dục để tác động đến việc con mình sẽ thông minh như thế nào. Thay vì thán phục hay ca ngợi tài năng thiên bẩm của trẻ, bố mẹ có thể tập trung vào giáo dục để phát triển trí tuệ cho con mình. Và đây là 10 bí quyết mà bố mẹ nào cũng có thể áp dụng để bắt đầu gieo trồng những hạt mầm thông minh ở con mình.
Không phải đứa trẻ nào cũng thông minh sẵn từ khi mới sinh ra (Ảnh minh họa).
1. Trò chuyện với con
Trò chuyện chính là chìa khóa để lăn bánh xe trí tuệ của trẻ. Cha mẹ hãy trò chuyện với con ngay cả khi bé chưa hề hiểu được những điều bạn nói. Việc lặp đi, lặp lại nhiều lần sẽ giúp bé hiểu được thông điệp của bạn trong từng ngữ cảnh. Ngoài ra, hãy đặt cho bé những câu hỏi mở, điều này sẽ giúp phát triển tư duy và quan điểm cá nhân của trẻ.
2. Tiếp xúc sớm với sách
Hãy bắt đầu đọc sách cho con nghe ngay từ khi trẻ chưa biết chữ. Việc này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ của bé sau này. Những đứa trẻ được bố mẹ đọc sách cho nghe từ nhỏ thường có thành thích học tập tốt ở trường và thành đạt trong cuộc sống khi trưởng thành.
Đọc sách kích thích trí não phát triển, xây dựng cơ sở tri thức về thế giới và đặt nền tảng cho việc học tập trong tương lai của bé sau này bao gồm cả toán học và các môn khoa học. Bố mẹ cũng đừng quên việc giảng giải thêm cho bé biết về những điều mà mình đang đọc trong sách, điều này còn giúp hình thành kỹ năng giao tiếp và đọc hiểu của trẻ.
3. Dạy cho trẻ biết cách tự suy nghĩ và đưa ra giải pháp cho các vấn đề
Bố mẹ đừng giải tất cả các vấn đề hộ con. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ tập trung vào từng vấn đề hay mục tiêu để tìm ra cách giải quyết nó thông qua đó hình thành nên những suy nghĩ sáng tạo ở trẻ. Để trẻ tự suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề vừa kích thích não bộ phát triển, vừa dạy cho bé biết rằng chúng có khả năng tư duy và có thể vượt qua mọi chướng ngại vật.
Trí thông minh của trẻ phần lớn và do rèn luyện và giáo dục mà nên (Ảnh minh họa)
4. Không quên khen ngợi những nỗ lực của con
Bố mẹ hãy đưa ra lời khen cho những nỗ lực và sự chăm chỉ của con mình thay vì chỉ chú trọng tới khả năng tự nhiên, vốn có của trẻ. Hãy dạy cho con biết cách đương đầu với những khó khăn, thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp hình thành nên những đứa trẻ năng động hơn và có khả năng đương đầu với sóng gió cuộc đời tốt hơn. Những đứa trẻ thông minh và tài năng bẩm sinh thường dễ nản chí và thậm chí là từ bỏ khi chúng phải đối mặt với những khó khăn, thất bại trên đường đời.
5. Giúp trẻ đặt ra những mục tiêu từ sớm
Đừng rèn luyện con bạn như những chiến sỹ trong quân đội với yêu cầu "con sẽ phải đạt điểm A ở tất cả các bài kiểm tra". Thay vào đó, hãy đặt ra một vài mục tiêu phấn đấu tổng thể cho con từ khi chúng còn nhỏ như tốt nghiệp đại học hay đơn giản là những mục tiêu ngắn hạn như hoàn thành một chương trình ngoại khóa hay trở thành tình nguyện viên... Thường xuyên củng cố lại những mục tiêu này để giúp trẻ thấy được tầm quan trọng chúng và khả năng trẻ có thể đạt được những mục tiêu này trong tương lai.
6. Khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên
Việc tập luyện thể thao thường xuyên không chỉ tốt với người lớn mà còn đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ và có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển não bộ và sự thông minh của trẻ (Ảnh minh họa).
Rèn luyện thể thao không chỉ giúp bé khỏe mạnh mà còn giúp bé phát triển trí thông minh. Thể thao đều đặn giúp hình thành và tái tạo các tế bào não và tăng lưu lượng máu đến não. Việc tập luyện thể thao thường xuyên không chỉ tốt với người lớn mà còn đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ và có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển não bộ và sự thông minh của trẻ.
7. Dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi
Những việc làm đơn giản cũng có thể giúp con bạn phát triển sự nhạy bén và trí thông minh. Đơn giản là mẹ có thể tranh thủ dạy con đếm hàng hóa trong cửa hàng khi xếp hàng chờ thanh toán hay cùng nhau bắt đầu cuộc trò chuyện về năng lượng gió khi thấy hình ảnh cối xay gió và nhìn chữ, số trên các biển hiệu trong khi lái xe.
8. Khuyến khích tính ham hiểu biết và khám phá của trẻ
Trẻ mẫu giáo thường rất tò mò và ham khám phá. Tính cách này của trẻ có thể giảm dần khi trẻ lớn lên nếu chúng không được khuyến khích và cổ vũ làm điều đó. Bố mẹ hãy bắt đầu bằng việc thu hút con vào những hoạt động mà chúng yêu thích thậm chí là tìm hiểu về những chủ đề liên quan đến những ngôi sao được yêu thích trên mạng.
Hãy chia sẻ với con những sở thích và quan điểm của bạn và giải thích tại sao chúng lại hấp dẫn bạn. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích con trải nghiệm qua các chuyến tham quan bảo tàng, sự kiện thể thao hay đi xem phim. Những việc làm này sẽ giúp bạn và con thêm hiểu nhau và truyền cảm hứng để bé khám phá thêm những điều mới mẻ.
Thu hút con vào những hoạt động mà chúng yêu thích (Ảnh minh họa).
9. Dạy để trẻ phát triển tư duy
Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ xem việc học như là một quá trình mà qua đó sự chăm chỉ sẽ nhận được kết quả xứng đáng. Chúng sẽ bắt đầu là những người học việc nhưng nhờ quá trình chăm chỉ học tập, chúng sẽ tốt dần lên theo thời gian. Nhờ đó, khi phải giải quyết những vấn đề khó, chúng sẽ tìm ra cơ hội để phát triển bản thân thay vì thấy mình là kẻ thất bại vì không phải là chuyên gia.
10. Hướng dẫn con chủ động trong mọi việc
Đừng chờ đợi cơ hội đến với mình. Bố mẹ hãy chủ động tìm kiếm và tạo ra các cơ hội học tập và rèn luyện trí tuệ cho con mình bên ngoài các chương trình học tập ở trường. Điều này sẽ giúp con bạn có điều kiện để phát triển trí tuệ và giúp chúng khám phá và phát huy tối đa khả năng của mình trong nhiều hoàn cảnh.