Sự trưởng thành của một con người là tổng hòa từ nhiều yếu tố, từ tình cảm, thể chất, đạo đức, xã hội cho đến trí tuệ. Để con cái trưởng thành lên mỗi ngày, cha mẹ cần nuôi dạy trẻ phát triển rất nhiều những kỹ năng, cảm xúc ngay từ khi còn tấm bé. Những gì cha mẹ hướng dẫn cho con đều có ảnh hưởng lớn tới tương lai của trẻ. Chẳng phải con cái là niềm tự hào của cha mẹ hay sao? Vậy hãy nuôi dưỡng niềm tự hào đó của cha mẹ đơn giản với những bí quyết dưới đây nhé!
Cho con cơ hội lựa chọn
Có một lỗi đơn giản nhưng rất nhiều ba mẹ mắc phải trong cách nuôi dạy trẻ, đó là luôn luôn đáp ứng mọi mong muốn của con.
Chẳng hạn như khi con thích đi xem phim hay thích mua đồ chơi mới, ba mẹ không cần đưa ra điều kiện đã vội vàng đáp ứng ngay. Điều này không tốt vì nó không làm cho trẻ hiểu ra rằng ba mẹ có thể cho con thứ này, thứ kia nhưng ngược lại con cũng phải đáp ứng được điều kiện của ba mẹ. Và cứ thế, trẻ dần hình thành nên thói quen nhận quà như một sự hiển nhiên mà không cần biết ơn.
Nếu ba mẹ thay đổi cách xử lý vấn đề này một chút, chẳng hạn khi con muốn mua đồ chơi ba mẹ có thể nói:, c “Con sẽ có món đồ chơi đó nếu con được điểm tốt trong kỳ thi lần này”. Như vậy, ba mẹ đã đưa ra cho con một điều kiện nhưng đồng thời cũng là động lực để con phấn đấu, và chúng sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu khi vừa được điểm thi tốt vừa được nhận đồ chơi mới đúng không nào?
Để con mắc lỗi
Không ai lớn lên mà không mắc sai lầm. Sai lầm là một phần tất yếu để con người hoàn thiện chính mình, do đó ba mẹ không cần kiểm soát con và ép buộc bé phải làm theo tất cả những điều mà ba mẹ nghĩ là đúng và tốt nhất.
Lúc mới tập đi, bé vấp ngã là chuyện thường tình, vấp ngã thì tự đứng dậy, ba mẹ không cần vội chạy đến nâng đỡ, xót xa.
Lúc lớn lên, khi giúp mẹ rửa bát, con có thể hậu đậu làm đổ vỡ, ba mẹ đừng vì vậy mà không bao giờ cho con làm việc này nữa. Hãy để con tiếp tục công việc rửa bát của mình vì làm vỡ nhiều lần con sẽ tự hình thành các kỹ năng và làm khéo tay hơn.
Giúp con trở thành người có chính kiến
Một đứa trẻ tự tin, có nhận thức đúng đắn sau này lớn lên sẽ trở thành người có chính kiến và lập trường vững vàng, không dễ bị bắt nạt và cơ hội thành công cũng sẽ cao hơn những đứa trẻ khác.
Vì thế, bạn hãy khuyến khích bé thường xuyên nêu ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề xung quanh cuộc sống rất quan trọng.
Giúp con tự lập từ sớm bằng việc cho con tự làm các việc nhẹ trong gia đình.
Giúp con tự lập
Cha mẹ Việt hiện đại thường rất nuông chiều con cái, phần lớn những đứa trẻ thành thị lớn lên mà không phải phụ giúp gì cho gia đình ngoài việc học hành. Cho nên ngày nay mới có cách gọi “gà công nghiệp” để nói về những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống và không có tính tự lập như thế.
Nếu không muốn con trở thành “gà công nghiệp” thì ngay từ lúc nhỏ, cha mẹ nên rèn luyện tính tự lập cho con. Nó không phải là chuyện gì to tát, chỉ đơn giản như để bé tự mặc quần áo, tự tắm gội, tự sắp xếp sách vở chuẩn bị cho sáng hôm sau. Hoặc để bé phụ giúp ba mẹ những việc lặt vặt trong nhà như đi vứt rác mỗi tối, gấp quần áo cất vào tủ cho cả nhà, phụ giúp mẹ nấu ăn…
Những việc làm nhỏ này không chỉ rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mà còn giúp bé hiểu được những vất vả của ba mẹ, từ đó mà biết chia sẻ, yêu thương ba mẹ, gia đình hơn.
Dạy con cách kiểm soát cảm xúc
Cảm xúc tự nhiên của trẻ con cần được tôn trọng, tuy nhiên nếu cảm xúc của bé được đẩy lên quá mức như khóc lóc om sòm, tức giận hét lớn thì đã đến lúc ba mẹ cần dạy cho bé cách tự kiểm soát cảm xúc của mình.
Một đứa trẻ không biết tự kiểm soát cảm xúc và thường xuyên thể hiện cảm xúc một cách thái quá thì trong tương lai dễ trở thành người ăn nói hàm hồ và cư xử thô lỗ, vì bé không hiểu rằng như thế là đang làm phiền người khác, đang làm cho người khác cảm thấy khó chịu.
Dạy con tính tự giác
Một đứa trẻ được nuông chiều thì không bao giờ tự giác, vì thế ba mẹ không nên làm tất cả mọi việc cho con cho dù đó là niềm hạnh phúc của ba mẹ. Đứa trẻ nên học tính kỷ luật bản thân và làm những việc cần thiết, ngay cả khi không có ba mẹ ở bên nhắc nhở.
Từ lúc nhỏ, những việc như đánh răng trước khi đi ngủ, cất đồ chơi và làm bài tập về nhà đều nên trở thành thói quen hàng ngày của bé. Ba mẹ không nên kiểm soát những gì con làm, hãy để bé tự làm những việc cần thiết.
Chẳng hạn nếu con không làm bài tập về nhà, ba mẹ không cần ép buộc, khi bị thầy cô phạt, bé sẽ nhận ra hậu quả và tự giác làm bài tập về nhà các lần sau.
Daỵ con tự giác và siêng năng.
Hãy để con trả lời
Nhiều cha mẹ mắc phải sai lầm trong việc nuôi dạy trẻ khi có thói quen trả lời giúp con khi con được ai đó hỏi. Điều này không tốt vì sẽ làm cho bé không phát triển được kỹ năng giao tiếp và trí tuệ.
Hãy cho con cơ hội được nói chuyện và trả lời các câu hỏi của mọi người, cách này sẽ giúp con tự tin trong giao tiếp và trở thành người hoạt bát, cởi mở.
Hãy giải thích nguyên nhân và kết quả cho con
Trong bất cứ vấn đề gì, nếu cha mẹ giải quyết có lý lẽ thuyết phục con cái mới vâng lời thật sự.
Chẳng hạn như khi muốn trách phạt con, ba mẹ không nên quát mắng té tát hoặc đánh túi bụi mà đứa trẻ vẫn không hiểu ra vì sao mình lại bị phạt như thế. Thay vào đó, ba mẹ nên chỉ ra lỗi sai của bé, con đã sai ở đâu và cái sai của con đã gây hậu quả như thế nào… Khi đứa trẻ nhận ra lỗi của mình, bé sẽ tự biết cách vâng lời ba mẹ và không mắc phải lỗi đó nữa.
Có thể để con đi một mình
Dù có yêu thương và lo lắng cho con cái đến bao nhiêu thì liệu rằng ba mẹ có thể đi theo con suốt đời được hay không? Hãy suy nghĩ về điều đó và để đứa trẻ được đi đâu đó một mình, tất nhiên trong phạm vi mà ba mẹ có thể kiểm soát và đủ đảm bảo an toàn cho bé.
Ở Nhật Bản, từ khi học tiểu học, trẻ đã được tự đi đến trường một mình mà không cần bố mẹ đưa đón. Điều này rất tốt vì giúp bé phát triển được sự độc lập và kỹ năng tương tác với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên ở Việt Nam, tình hình giao thông phức tạp và an ninh cũng không đủ đảm bảo để có thể thả con như thế. Nhưng trong phạm vi như từ nhà sang hàng xóm, từ khu vực này đến khu vực kia trong trung tâm thương mại, ba mẹ có thể hướng dẫn và để con được đi lại một mình.
Khi trẻ ở tuổi thiếu niên, ba mẹ có thể cho phép con đi chơi với bạn bè mà không cần lo lắng. Những đứa trẻ cần có thế giới riêng để vui chơi, thảo luận về chuyện học hành, để khám phá những điều mới mẻ về cuộc sống cùng trang lứa… Đôi khi, cha mẹ có cố gắng khuyên nhủ con đến bao nhiêu cũng không bằng chúng tự nhìn bạn bè và rút ra kinh nghiệm cho chính mình .
Luôn làm mới cách đối xử với con
Khi con tròn 3 tuổi, ba mẹ có thể từ từ cho bé quen với việc thực hiện một số nhiệm vụ, chẳng hạn như cho bé tự sắp xếp đồ chơi tại chỗ hoặc tự đi vứt hộp sau khi uống sữa xong, tự phơi khăn sau khi rửa mặt… Điều này góp phần rèn luyện sự siêng năng và tính kỷ luật cho bé, đồng thời cũng dạy cho bé biết cách chia sẻ, giúp đỡ và tôn trọng người khác.
Nuôi dạy trẻ giống như việc trồng cây, chúng ta chăm tưới như thế nào thì cái cây sẽ phát triển như thế. Con có trưởng thành hay không phụ thuộc phần lớn vào cách nuôi dạy trẻ của ba mẹ. Vì vậy ba mẹ nên dành nhiều thời gian chăm chút và dạy dỗ con cái cho dù có bận rộn đến thế nào.