Các động tác yoga dành cho trẻ em được thiết kế phù hợp và vui nhộn để trẻ hào hứng vận động và rèn luyện khả năng tập trung, cũng như sự dẻo dai. Đây là một hoạt động thể chất trong nhà cực kỳ phù hợp và mang đến nhiều lợi ích về sức khoẻ và tinh thần cho trẻ.
“Cả nhà bên nhau, bình an mùa dịch” là chủ đề mà Go Kids muốn gửi đến ba mẹ vào tháng 9 này với các bài viết chia sẻ những hoạt động ý nghĩa để chăm sóc sức khoẻ thể chất và bảo vệ sức khoẻ tinh thần của cả gia đình. Những hoạt động này sẽ giúp thời gian bên nhau của cả gia đình trở nên tươi vui và tích cực hơn để làm việc và học tập hiệu quả trong thời gian này.
Vận động hàng ngày cải thiện sức khỏe não bộ và tinh thần
Các hoạt động vận động cơ thể hàng ngày không chỉ cần thiết để đảm bảo sức khoẻ thể chất của chúng ta mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ của não bộ và sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, những hóc-môn được cơ thể sản sinh ra trong quá trình vận động cơ thể còn tạo ảnh hưởng lên các vùng não bộ đảm trách cảm xúc, khiến chúng ta phấn chấn hơn ngay cả khi ta đang căng thẳng hay thậm chí có nguy cơ trầm cảm.
Dịch bệnh kéo dài khiến cho thời gian dành cho các hoạt động thể chất ngoài trời của người lớn và đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng trầm trọng. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần của chúng ta. Mặc dù vậy, có rất nhiều hoạt động thể chất trong nhà phù hợp và hiệu quả cho trẻ tập luyện cùng ba mẹ, trong đó có các bài tập yoga dành cho trẻ em.
(Ảnh minh hoạ: Marianne Ayala/Insider)
Yoga trẻ em gần gũi và dễ nhớ
Các động tác yoga dành cho trẻ em được thiết kế phù hợp và vui nhộn để trẻ hào hứng vận động và rèn luyện khả năng tập trung, cũng như sự dẻo dai. Các tư thế yoga trẻ em giúp trẻ tăng sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng phối hợp thông qua các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, kết hợp với âm nhạc hay sáng tạo tiếng kêu của các loài động vật. Các động tác yoga trẻ em cũng thường được đặt tên rất sáng tạo và gần gũi để trẻ dễ liên tưởng và dễ nhớ.
Nhiều nghiên cứu đã tổng kết 4 lợi ích trực tiếp của yoga đối với trẻ em, đó là tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp, giảm lo âu và trầm cảm, khích lệ sự tự tin vào bản thân.
10 động tác Yoga trẻ em đơn giản và vui nhộn
Để các bài tập yoga mang đến hiệu quả lớn nhất cho trẻ, ba mẹ hãy duy trì thời gian tập đều đặn cho con hàng ngày từ 30 phút đến 1 tiếng trong không gian an toàn và rộng rãi trong nhà. Hãy chuẩn bị thảm tập, quần áo rộng rãi, thoải mái, nước uống đầy đủ cho trẻ mỗi khi tập luyện. Dưới đây là 10 động tác yoga trẻ em rất đơn giản và vui nhộn, phù hợp với trẻ em trong độ tuổi từ chập chững biết đi (2 tuổi) đến 12 tuổi được giới thiệu bởi các giáo viên và huấn luyện viên yoga có kinh nghiệm.
Lưu ý: Một động tác (tư thế) có thể được giữ trong một đến ba nhịp thở và sau đó lặp lại một đến ba lần.
1. Ngồi xếp bằng
Hướng dẫn trẻ ngồi bắt chéo chân trên sàn hoặc ghế, chú ý hướng dẫn trẻ giữ cho tai, vai và hông thẳng nhau, còn bàn tay thì thả lỏng ở trong lòng.
Ngồi xếp bằng
2. Thở bóng bay
Hướng dẫn trẻ ngồi tư thế xếp bằng, đặt hai tay lên bụng, sau đó từ từ hít vào giống như đang lấp đầy không khí trong bụng và theo dõi bụng dần phồng lên như một quả bóng bay. Cuối cùng, hãy từ từ thở ra để đẩy hết không khí ra ngoài. Lặp lại động tác vài lần.
Thở bóng bay
3. Mèo con và bò sữa
Hướng dẫn trẻ làm tư thế cái bàn với hai bàn tay chống cùng đầu gối quỳ xuống sàn và giữ cho phần lưng song song với sàn. Đầu tiên, trẻ sẽ hít sâu vào lồng ngực, rướn người về phía trước, ngẩng đầu cao và kêu “meow” giống mèo con. Sau đó, trẻ thở ra, cong cột sống lên trên, cúi đầu nhìn đầu gối và kêu “mooooo” giống chú bò sữa.
Mèo con và bò sữa
4. Tư thế núi cao
Hướng dẫn trẻ đứng thẳng, chân rộng bằng hông, đứng nhón bằng 10 đầu ngón chân, hai tay thả lỏng bằng vai. Tìm một đồ vật, sự vật nào đó phía trước mặt để trẻ tập trung nhìn vào đó. Khi trẻ hít vào, nâng vai lên gần tai rồi dần dần hạ vai xuống khi thở ra.
Tư thế núi cao
5. Búp bê ủ rũ
Bắt đầu với tư thế núi cao. Hướng dẫn trẻ uốn cong phần hông và từ từ cúi xuống. Thả lỏng tay và đầu hướng xuống dưới sàn. Khi cơ thể đã uốn cong một cách mềm mại và đầu gối được thả lỏng, hãy ngâm nga hát để trẻ lắc lư cơ thể từ bên trái sang bên phải, hoặc nhún nhẹ nhàng theo tư thế uốn cong của chúng.
Búp bê ủ rũ
6. Tư thế ngôi sao
Bắt đầu với tư thế núi cao. Hướng dẫn trẻ bước rộng chân sang bên và dang hai cánh tay ngang vai tạo thành một chữ T. Để trẻ thích thú, chúng ta có thể chơi trò “gấp sao” bằng cách vừa hát vừa bắt chéo hai tay trẻ hoặc gập người từ đằng trước ra đằng sau hoặc ngược lại ở phần hông.
Tư thế ngôi sao
7. Tư thế chiến binh
Bắt đầu với tư thế ngôi sao. Hướng dẫn trẻ xoay chân phải ra phía trước thảm rồi gập đầu gối sao cho khớp với mắt cá nhân. Yêu cầu trẻ nhìn về phía trước theo hướng của bàn tay phải. Lặp lại phía bên kia.
Tư thế chiến binh
8. Tư thế cái cây
Bắt đầu với tư thế núi cao. Hướng dẫn trẻ co đầu gối, xoay sang một bên rồi đặt bàn chân lên mặt trong ống chân hoặc mắt cá chân. Vươn cánh tay lên cao như những cành cây. Thực hiện ở bên còn lại và kết thúc ở tư thế núi cao.
Tư thế cái cây
9. Tư thế cái thuyền
Hướng dẫn trẻ ngồi trên sàn, gập đầu gối với bàn chân chạm xuống sàn. Sau đó, duỗi thẳng tay về phía trước rồi dần dần nhấc bàn chân lên khỏi mặt sàn và cố gắng giữ thăng bằng. Khích lệ trẻ đưa chân thẳng lên với tầm nhìn của mắt và giữ ở tư thế đó càng lâu càng tốt.
Tư thế cái thuyền
10. Tư thế nằm xả hơi
Hướng dẫn trẻ nằm ngửa, lưng áp sát xuống sàn, cánh tay buông thẳng dọc hai bên hông, bàn tay ngửa lên trên. Hãy nhắm mắt, hít thở nhẹ và nghỉ ngơi trong vài phút trước khi kết thúc bài tập yoga của mình.
Tư thế nằm xả hơi
Ba mẹ có thể sử dụng âm nhạc phù hợp hoặc các câu chuyện thú vị để dẫn dắt trẻ thực hiện các động tác yoga. Chúc ba mẹ và các bé có những giờ tập luyện thật sảng khoái và khoẻ khoắn.